Học tập đạo đức HCM

Gia cầm lậu tràn vào nội địa

Thứ ba - 23/04/2013 22:04
Virus cúm A/H7N9 đang rình rập xâm nhập vào nước ta, trong khi đó ở trong nước cúm gia cầm H5N1 bùng phát tại nhiều địa phương. Thế nhưng, bất chấp những mối nguy hiểm trên đang đe dọa tới sức khỏe cộng đồng, cũng như các biện pháp ngăn chặn của cơ quan chức năng, buôn lậu và vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc qua biên giới phía Bắc vào nội địa vẫn diễn ra nóng bỏng và căng thẳng.

Ùn ùn vượt biên

Chiều muộn, quốc lộ 1 đoạn chạy qua thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn, hàng đoàn xe tải nặng vẫn tấp nập ngược xuôi lên các cửa khẩu để giao nhận hàng hóa. Chẳng mấy chốc trời sẩm tối, cũng là lúc không gian của vùng đất biên ải này bỗng trở nên ồn ào và náo nhiệt khác thường. Hàng chục xe máy, “xe cóc” và cả những chiếc xe con đắt tiền dán kính đen kịt gầm rú, chạy với tốc độ kinh hoàng, ầm ầm lao ra đường quốc lộ 1 xuôi về TP Lạng Sơn. Chiếc nào chiếc nấy cũng chất đầy các thùng carton, bao tải và lồng gà.

Thiếu tá Phùng Anh Nguyên, Phó trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt, Lạng Sơn cho biết, không chỉ vào dịp cuối năm, hay trước Tết Nguyên đán mà từ đầu năm tới nay, tình trạng buôn bán vận chuyển gia cầm lậu vẫn diễn ra căng thẳng. Để kiểm soát gia cầm nhập lậu, trạm đã lập đội cơ động gồm nhiều lực lượng nhằm tăng cường tuần tra, nhưng vẫn không thể xử lý triệt để được. Thậm chí, nhiều đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm lậu bất chấp nguy hiểm lao thẳng xe vào đội hình chốt chặn, hoặc sẵn sàng “đua xe” với lực lượng cơ động, bất chấp nguy hiểm cho người và phương tiện trên đường để vận chuyển gà lậu.

Ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Ban chỉ đạo 127 tỉnh Lạng Sơn thẳng thắn cho biết, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng của địa phương đã kiểm tra và xử lý gần 70 vụ buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, tịch thu và tiêu hủy gần 20.000kg gà, vịt thịt, trên 35.000 con gà, vịt giống và gần 1.000 con chim bồ câu… Tuy nhiên, số gia cầm lậu trên bị phát hiện và xử lý chưa phản ánh hết tình hình buôn lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Bởi lẽ theo tìm hiểu của chúng tôi, gia cầm nhập lậu lọt qua biên giới ở Lạng Sơn chủ yếu tại các đường mòn ở khu vực bãi Gianh, đồi thông, cột cờ thuộc thôn Kéo Kham, cao điểm có ngày tới 300 gánh gà được vận chuyển qua đây, mỗi gánh cả trăm con.

Nhiều nơi ở cửa ngõ TPHCM vẫn bày bán gia cầm sống. Ảnh: Thành Tâm

Không chỉ có Lạng Sơn, tại Quảng Ninh với đặc thù địa lý có cả biên giới đường bộ, đường sông và đường biển nên tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm lậu cũng diễn ra rất nóng bỏng. Tại trạm kiểm soát liên hợp Km 15 (Móng Cái, Quảng Ninh), được coi là “yết hầu” của quốc lộ 18 từ biên giới Móng Cái và nội địa, hầu như không tuần nào lực lượng chức năng không bắt được vài vụ gia cầm lậu.

Anh Nguyễn Ngọc Vinh, Phó đội kiểm soát chống buôn lậu tại Trạm kiểm soát liên hợp cho biết, chỉ trong 1 tháng qua, lực lượng chức năng của trạm đã phát hiện bắt giữ tới 10 vụ vận chuyển với hơn 9.900 con gà giống, gần 1 tấn gà thịt thải loại và hàng chục ngàn quả trứng gia cầm.

Trong khi đó, Ban chỉ đạo 127 Quảng Ninh cho biết, mặc dù triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống, ngăn chặn nhưng địa phương vẫn là điểm nóng về tình trạng nhập lậu và vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc. Chỉ riêng trong quý 1-2013, các lực lượng chức năng ở Quảng Ninh đã tịch thu, tiêu hủy tới hơn 30 tấn gà thịt, gần 200.000 con gà giống, trên 35 tấn gia cầm, sản phẩm gia cầm đã qua giết mổ và giữ 43 phương tiện của các đối tượng sử dụng vận chuyển gia cầm nhập lậu để điều tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Lực lượng biên phòng bắt giữ thuyền vận chuyển gia cầm giống nhập lậu vào Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh: Khánh Phúc

Liều lĩnh đối phó

Tình trạng nhập lậu, vận chuyển gia cầm thải loại, gà giống Trung Quốc về Việt Nam căng thẳng và nóng bỏng trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, không chỉ có ở Lạng Sơn hay Quảng Ninh mà từ Lào Cai sang Hà Giang cho tới Cao Bằng, gà lậu vẫn cứ tràn qua biên giới vào sâu nội địa. Bởi lẽ thứ “hàng hóa” rất nguy hại này có nhu cầu tiêu thụ cao, cũng như lợi nhuận rất lớn. Do đó, đối tượng buôn lậu bất chấp dịch bệnh nguy hiểm, coi thường tính mạng, sức khỏe người dân vẫn ngang nhiên vận chuyển, kinh doanh.

Theo điều tra của chúng tôi, tại bên kia biên giới, gà Trung Quốc thải loại chỉ có giá khoảng 20.000 đồng/kg nhưng khi về tới Lạng Sơn giá đã lên tới 50.000 đồng/kg, nếu về xuôi giá sẽ gấp đôi. Vì thế để vận chuyển được gia cầm lậu trót lọt, các đầu nậu thường tổ chức tập kết hàng tại bên kia biên giới, thuê người dân địa phương vận chuyển qua các đường mòn, lối mở biên giới, cánh gà cửa khẩu rồi đưa vào các điểm tập kết gần biên giới, nhà dân hoặc trong rừng nhằm cất giấu, nuôi giữ tạm thời để hợp thức hóa gia cầm nhập lậu, khi có cơ hội sẽ vận chuyển tới các tỉnh thành sâu trong nội địa và đưa vào các chợ đầu mối để tiêu thụ.

Tuy nhiên trước sự ngăn chặn quyết liệt của các lực lượng chức năng, gần đây lại xuất hiện thủ đoạn buôn lậu gia cầm mới, tinh vi hơn. Nếu như trước đây, các đối tượng vận chuyển gà nhập lậu thường sử dụng xe tải, xe gắn máy chở gà lậu thì hiện nay chúng sử dụng cả xe con hạng sang. Không chỉ thay đổi phương tiện vận chuyển, các đối tượng còn thay đổi cả cách thức vận chuyển.

Theo ông Lê Hải Đăng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Lào Cai, sau khi bị đánh mạnh ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, các đối tượng buôn lậu đã sử dụng thủ đoạn mới là cũng nhập gà sống, sau khi về đến gần cửa khẩu thì tiến hành giết mổ tập trung, rồi đóng thịt vào thùng xốp ướp đá, vận chuyển bằng xe lạnh về nội địa tiêu thụ.

Trong khi đó, tại một số địa phương ở sâu trong nội địa như Hải Dương, Bắc Ninh, cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều vụ đối tượng tổ chức vận chuyển gia cầm, con giống nhập lậu từ Cao Bằng vào trộn với giống trong nước, nuôi một thời gian, sau đó mang đi tiêu thụ. Đặc biệt, tại Móng Cái, Lào Cai các đối tượng còn sử dụng bè, mảng vận chuyển gia cầm lậu để thả trôi theo các tuyến sông, trên biển sau đó chuyển sang phương tiện thủy để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.

Khánh Nguyễn - Văn Phúc

 

 
 

* Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, diễn ra ngày 23-4 tại Hà Nội, TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện nay, tại Việt Nam đang lưu hành cùng lúc nhiều loại dịch cúm như A/H5N1 và A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B, với nhiều trường hợp tử vong vì các chủng virus cúm trên.

* Tại tỉnh Đắk Lắk, dịch cúm gia cầm vừa xuất hiện trên đàn vịt 1.300 con của gia đình ông Phùng Minh Chánh, ở tổ dân phố 4, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Cách đây 10 ngày, đàn vịt này có biểu hiện mắc bệnh, gia đình ông Chánh tự mua thuốc điều trị, nhưng không khỏi và vịt chết nhiều. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm, cho kết quả dương tính với cúm A/H5N1, nên đã tiêu hủy toàn bộ đàn vịt, đồng thời tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi.

* Tại TP Mỹ Tho, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang và Long An đã thống nhất nhiều chương trình hợp tác phòng chống cúm gia cầm và định hướng phát triển gia cầm. Do địa bàn 2 tỉnh giáp ranh nhau, đồng thời có số lượng đàn gia cầm rất lớn nên 2 tỉnh thống nhất siết chặt quản lý, tiêm phòng, tuyên truyền… làm đồng loạt cùng lúc nhằm đạt hiệu quả cao. Nếu địa phương này xảy ra dịch, thì địa phương kia cũng có trách nhiệm phòng chống như nhau, không đùng đẩy hay lơ là, chủ quan… Chi cục Thú y 2 tỉnh thống nhất kiểm dịch chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, trước khi cung ứng cho thị trường tiêu thụ chính là TPHCM.

Quốc Học - Huỳnh Lợi

theo sggp
 Tags: gia cầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập147
  • Hôm nay64,247
  • Tháng hiện tại894,974
  • Tổng lượt truy cập92,068,703
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây