Học tập đạo đức HCM

Giải pháp để tái cơ cấu ngành lúa gạo: Khuyến khích doanh nghiệp thuê đất trồng lúa

Thứ năm - 02/10/2014 03:45
Được chọn là một trong những sản phẩm chủ lực để đầu tư tái cơ cấu, ngành sản xuất và xuất khẩu lúa gạo đang đứng trước cơ hội lớn để đổi mới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có hệ thống giải pháp mang tính đột phá và tư duy sản xuất mới thì khó có thể hy vọng vào sự đổi thay.

Vẫn còn gian khó

Liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn là một trong những giải pháp được chọn lựa để thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo. Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2013 có 13 tỉnh Nam Bộ xây dựng được 369 mô hình cánh đồng mẫu lớn, với tổng diện tích khoảng 120.500ha; các tỉnh Đồng bằng sông Hồng xây dựng được 1.265 mô hình với diện tích 35.518ha. Năm 2014, phong trào xây dựng cánh đồng lớn tiếp tục được mở rộng trên địa bàn cả nước với quy mô hàng trăm nghìn hecta.
 

Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm gian hàng của Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình
bên lề Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt.


Hiệu quả kinh tế bước đầu của mô hình cánh đồng mẫu lớn đã được khẳng định khi góp phần giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Nhưng một nguyên tắc đảm bảo thành công của mô hình là phải có sự vào cuộc của doanh nghiệp giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm thì không phải ở đâu cũng làm được. Đơn cử như vụ hè thu năm 2014, có 16 doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thực hiện liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn và đã ký hợp đồng tiêu thụ lúa cho nông dân với diện tích gần 12.900ha, nhưng thực tế chỉ có hơn 9.000ha được doanh nghiệp tiêu thụ, bằng khoảng 80% kế hoạch. Nếu tính cả diện tích được liên kết sản xuất nằm ngoài chương trình thí điểm theo Quyết định 62 của Chính phủ về khuyến khích xây dựng cánh đồng lớn thì vụ hè thu vừa qua, tỷ lệ diện tích thực tế được doanh nghiệp tiêu thụ chỉ đạt hơn 42.600ha, chiếm 55% so với tổng diện tích được các doanh nghiệp đăng ký (77.420ha). Đây chính là lý do khiến nhiều nông dân chưa mặn mà với mô hình và kết quả của quá trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn cũng chưa trọn vẹn.

Cho đến thời điểm này, dù thành tích xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam rất đáng nể nhưng nông dân vẫn chưa sống được với nghề trồng lúa. Đơn cử như ở Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm sản xuất lương thực của cả nước với diện tích canh tác khoảng 1,8 triệu hecta lúa, diện tích gieo trồng hơn 3,8 triệu hecta, chiếm 54,82% cả nước, sản lượng lương thực hàng năm đạt 24,92 triệu tấn, chiếm 56,63% nhưng tại khu vực này, tới nay cơ cấu gieo trồng vẫn là 45% giống phẩm cấp gạo thấp (IR 50404, OM 576), 35% giống chất lượng gạo trung bình và chỉ 20% giống chất lượng cao khiến giá trị gạo Việt Nam không cao. Việc thương lái phân phối lưu thông tới 90% sản lượng gạo khiến lợi nhuận của nông dân bị cắt xén, chưa thể đảm bảo 30% lãi. Vùng ĐBSCL có đến 12 cây, con có năng suất cao nhất nước nhưng đời sống nông dân vẫn chưa chuyển biến mạnh.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, hàng chục năm nay, cơ cấu cây trồng ở các địa phương không có sự chuyển biến mạnh, lúa vẫn được xem là cây chủ đạo. Điều đó không sai nhưng việc phụ thuộc quá nhiều vào một sản phẩm sẽ khiến nhiều tiềm năng không được đánh thức dù chúng ta có thừa điều kiện trở thành nước xuất khẩu trái cây, rau quả hàng đầu và không phải nhập số lượng lớn ngô, đậu tương phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong chủ trương tái cơ cấu ngành lúa gạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được coi là một nhiệm vụ quan trọng. Theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, năm 2013, vùng ĐBSCL đã chuyển đổi khoảng 87.310ha gieo trồng, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ chuyển đổi 6.884ha, các tỉnh phía Bắc cũng có hàng nghìn hecta đất trồng lúa được chuyển đổi sang canh tác rau màu, cây ăn quả, cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy vậy, việc phát triển không theo quy hoạch, làm theo phong trào vẫn xảy ra ở nhiều địa phương khiến nông dân phải chịu nhiều thiệt thòi khi thị trường có biến động.

Tái cơ cấu theo hướng gia tăng giá trị

Coi việc tái cơ cấu ngành trồng trọt là một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, ông Quảng cho rằng, chúng ta đã giữ cách làm cũ, coi phát triển theo số lượng là mục tiêu chính quá lâu. Đã đến lúc phải vận động nông dân sản xuất an toàn, hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bền vững với môi trường. “Muốn làm được điều đó, trước hết phải xác định được sản phẩm chủ lực, có lợi thế, có thị trường ổn định và có thể cạnh tranh được để đầu tư phát triển trên cơ sở áp dụng khoa học công nghệ và cải tiến giống”, ông Quảng nói.

Ông Quảng cho biết thêm, Cục đang hoàn thiện “Dự thảo Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2030” để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành trong quý 4 năm nay. Từ nay đến cuối năm, cũng sẽ trình 7 đề án phục vụ tái cơ cấu ngành trồng trọt, tập trung vào các chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, càphê, cao su, điều, mía đường, rau hoa quả… Trong đó, định hướng lúa gạo là ngành hàng chiến lược quan trọng số 1 của trồng trọt.

Theo đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất để hướng tới thị trường xuất khẩu; sử dụng các giống lúa chất lượng gạo trắng, hạt dài; các giống lúa thơm có khả năng cạnh tranh với các giống cùng nhóm trên thị trường thế giới; Đồng bằng sông Hồng và các vùng sản xuất lúa còn lại chủ yếu sử dụng các giống lúa chất lượng có gạo, cơm ngon, phù hợp với người tiêu dùng trong nước là chính; cơ cấu giống lúa theo yêu cầu thị trường; hợp đồng với doanh nghiệp theo hướng “cánh đồng một giống”.

Việc áp dụng quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất lúa được xem là giải pháp mang tính đột phá để tạo nên những sản phẩm đạt chất lượng. Vì vậy, sẽ khuyến khích người dân áp dụng quy trình sản xuất phù hợp như VietGAP, “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, SRI,… nhằm đạt năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường; sử dụng hạt giống xác nhận, không sử dụng thóc thịt làm giống, sử dụng hạt giống có màng bọc chế phẩm sinh học để cây mạ khỏe; áp dụng công cụ sạ hàng, giảm mật độ cấy, gieo sạ, giảm lượng hạt giống sử dụng trên một đơn vị diện tích ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ xuống còn 80kg/ha; sử dụng phân bón tổng hợp NPK có bổ sung trung lượng, vi lượng chuyên dùng cho từng giai đoạn, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh kết hợp bón rễ, bón lá; áp dụng rộng rãi IPM; tưới nước tiết kiệm,…

Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa, Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trương sử dụng linh hoạt, hiệu quả 3,8 triệu hecta đất trồng lúa; đến năm 2020 duy trì khoảng 7 triệu hecta gieo trồng lúa, chuyển 700.000-800.000ha gieo trồng lúa sang các cây trồng khác, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Vùng ĐBSCL tập trung chuyển đổi vụ xuân hè, hè thu, kể cả vụ đông xuân với những diện tích lúa có năng suất thấp, chất lượng gạo kém; các vùng khác ưu tiên chuyển đổi diện tích lúa nhờ nước trời, vùng cuối kênh, xa nguồn nước, tưới bấp bênh hoặc sâu trũng dễ ngập lụt,…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh quy hoạch, dồn điền đổi thửa hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, đáp ứng nguyên liệu cho chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện đồng bộ. Áp dụng cơ giới hóa tất cả các khâu trong sản xuất lúa gạo từ làm đất, gieo cấy, thu hoạch, sấy, chế biến, bảo quản nhằm giảm chi phí, tăng năng suất lao động, giảm thất thoát, nâng cao chất lượng sản phẩm; ưu tiên công đoạn sấy lúa, đặc biệt là vụ hè thu và thu đông ở ĐBSCL.

Liên kết xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu là giải pháp quan trọng để sản xuất lúa hàng hóa đảm bảo thành công. Theo đó, tổ chức liên kết nông dân thành tổ nhóm, hợp tác xã; thành lập các hội, hiệp hội đại diện cho nông dân trong xây dựng chính sách, giá thu mua; khuyến khích các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thuê đất để sản xuất giống lúa, sản xuất lúa gạo tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu. Doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu đóng vai trò chủ đạo, gắn kết nông dân với thị trường, hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm. Về đổi mới chính sách, thể chế, sẽ áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường; mở rộng hình thức cho vay theo chuỗi sản xuất; có chính sách tăng cường vai trò của hợp tác xã thông qua phát triển kinh tế hợp tác gắn với tổ chức thôn, bản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Tái cơ cấu là lối thoát duy nhất cho ngành trồng trọt để từ bỏ phương thức sản xuất cũ, lấy tăng số lượng là mục tiêu. Bây giờ mục tiêu quan trọng hơn là tăng chất lượng, tăng thu nhập cho nông dân một cách bền vững. Quá trình tái cơ cấu sẽ không thể thành công nếu không có sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương, không có sự hỗ trợ vốn của các tổ chức tín dụng và đặc biệt nếu Chính phủ không thay đổi cơ cấu đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thì chặng đường đổi mới sẽ còn nhiều gian nan”.
 

Một số mục tiêu đến năm 2020
Giá xuất khẩu đạt bình quân 600USD/tấn nhóm gạo trắng, hạt dài và 800USD/tấn nhóm gạo thơm, đặc sản. Giá trị sản lượng trên 1ha đất trồng lúa đạt bình quân 120 triệu đồng/ha. Diện tích liên kết, sản xuất tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn chiếm 50% diện tích tại các vùng sản xuất lúa hàng hóa. Tỷ lệ giống xác nhận đạt 75%. Diện tích đất lúa áp dụng quy trình canh tác tiên tiến 3,2 triệu hecta.
Theo KTNT
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập746
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại771,926
  • Tổng lượt truy cập93,149,590
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây