Học tập đạo đức HCM

Nông thôn mới trên vùng đất núi

Thứ năm - 02/10/2014 20:21
Cao Bằng và Bắc Cạn là hai tỉnh thuộc khu vực miền núi phía bắc, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số cư trú phân tán với tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, xây dựng nông thôn mới (NTM) ở những vùng đất này là một hành trình đầy gian nan.

 

Đích đến còn xa...

Chúng tôi đến xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn khi cơn lũ quét vừa tràn qua đây. Con đường từ huyện tới xã chỉ 20 km mà đi mất hơn hai giờ ô-tô bởi những con dốc ngoằn ngoèo và đường lầy trơn trượt. Sau cái bắt tay chào hỏi, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Tài Xương tâm tư: Triển khai chương trình xây dựng NTM được mấy năm rồi nhưng bộ mặt xã cũng chưa có chuyển biến gì đâu vì xã nghèo, huyện nghèo, nhiều tiêu chí xa tầm với lắm. Hiện xã mới đạt hai tiêu chí là quy hoạch và y tế. Từ những chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã, chúng tôi tìm về thôn Phiêng Lầm, nơi có gần 100% dân số là dân tộc Mán sinh sống trên một đỉnh núi. Trong ngôi nhà nằm men triền núi, chị Đàm Thị Phiền đang nhóm lửa thổi cơm. Nhà có năm người con nhưng thu nhập lại chỉ trông chờ từ người chồng với "nghề" bẫy chim rừng. Cuộc sống bấp bênh, chủ yếu dựa vào tự nhiên, nay được mai không khiến gia cảnh vô cùng khó khăn. Trong năm đứa con, đứa học cao nhất là hết THCS rồi nghỉ, có đứa chỉ hết lớp 4, lớp 5. Không chỉ gia đình chị Phiền mà đời sống của hầu hết các hộ dân ở đây đều vô cùng thiếu thốn. Hằng ngày, người dân trong thôn phải đi bộ xuống trung tâm xã mua thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu. Thông thường, họ ký sổ nợ, cuối năm trả bằng sản phẩm nông nghiệp như lợn, gà, ngô chứ không có tiền mặt vì ở thôn hầu như không có bất kỳ một hoạt động thương mại nào. Vì thế, nghèo đói và bệnh tật luôn là nỗi ám ảnh. Nhà nào có người đau ốm phải lên rừng chặt cây vầu, cây nứa làm cáng khiêng người bệnh xuống trạm y tế xã. Vì đường xá xa xôi, cho nên phụ nữ sinh đẻ đành chọn giải pháp tự sinh ở nhà với bao nguy hiểm rình rập. Các em nhỏ học hết tiểu học tại thôn, muốn theo học cấp THCS phải đi xa hơn 10 km. Kinh tế gia đình khó khăn cộng với đường xá xa xôi khiến nhiều em bỏ học giữa chừng. Đến bậc THPT thì số em theo học cả thôn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chuyện trò với chúng tôi, Trưởng thôn Phiêng Lầm Hoàng Thế Minh cho biết: Sau ba năm triển khai chương trình xây dựng NTM, bộ mặt của thôn vẫn chưa có thay đổi đáng kể nào. Mà cũng không biết đến bao giờ sẽ thay đổi khi giao thông đi lại còn khổ cực, hiện chưa có con đường liên thôn, liên xã nào được nhựa hóa hay bê-tông hóa. Mưa bão, lốc xoáy, sạt lở là cả thôn bị cô lập. Khi cái ăn, cái mặc còn là niềm mơ ước thì làm sao có thể thực hiện được các tiêu chí nông thôn mới.

Dời Bản Thi, chúng tôi đến xã Vần Dính, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Xã nằm cách trung tâm huyện Hà Quảng chừng sáu km nhưng đời sống của bà con còn rất cơ cực. Dọc hai bên đường, những phụ nữ Mông địu con trỉa ngô giữa những tảng đá tai mèo trong cái nắng gay gắt. Đón chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Nông Ngọc Báu chắt nước mưa còn lại trong chiếc bạt lớn đặt ở dưới sân mang lên đun nước pha trà. Chủ tịch xã Nông Ngọc Báu cho biết: Nước ở đây quý như vàng, giờ còn có mưa, nhưng khoảng hai tháng nữa đến mùa khô ở nhiều thôn người dân phải đi hứng từng can nước về dùng. Thiếu nước quanh năm nên dân bản không thể làm ruộng, chỉ trồng ngô xen giữa những hốc đá. Cả xã có 13 bản thì có tới sáu bản xe máy chưa thể vào được. Số hộ nghèo chiếm khoảng 70% dân số, cho nên hằng năm, người dân phải trông chờ vào gạo cứu đói của Nhà nước. Địa hình hiểm trở, thiếu đất sản xuất, trình độ dân trí thấp khiến công cuộc xây dựng nông thôn mới ở nơi này như một bài toán vượt quá khả năng. Đến nay, xã vẫn chưa đạt tiêu chí nào về xây dựng nông thôn mới.

Số hộ nghèo chiếm khoảng 70% dân số khiến công cuộc xây dựng nông thôn mới ở xã Vần Dính, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) như một bài toán vượt quá khả năng.

Nỗ lực "vượt chướng ngại vật"

Những gian nan trong tiến trình xây dựng NTM ở xã Bản Thi và xã Vần Dính cũng là cái khó chung của các xã miền núi thuộc tỉnh Cao Bằng và Bắc Cạn. Nguyên nhân là do xuất phát điểm về kinh tế - xã hội, trình độ dân trí đều thấp cộng thêm điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Trong khi đó, nguồn vốn dành cho phát triển sản xuất lại chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng NTM của các địa phương. Theo Phó Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Cạn Nguyễn Tuấn Khanh, đến nay, chỉ có 12 trong tổng số 112 xã trên địa bàn tỉnh được phân bổ vốn. Việc triển khai thực hiện các mô hình kinh tế cũng chỉ mang tính "tượng trưng" chứ chưa được nhân rộng hay có đánh giá kết quả cụ thể. Như mô hình phát triển đàn dê sinh sản cho các hộ dân ở xã Rã Bản, huyện Chợ Đồn vào cuối năm 2013. Theo dự án, mỗi hộ trong xã được hỗ trợ 17 triệu đồng, được trang bị kỹ thuật nuôi, thuốc thú y nhưng do nguồn vốn hạn hẹp mới chỉ có 10 hộ được tham gia dự án. Đây là con số khiêm tốn với những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, cần được hỗ trợ phát triển sản xuất. Chính vì "đói" vốn hỗ trợ nên mặc dù tất cả các xã đều được phê duyệt đề án xây dựng NTM nhưng các ngành chức năng vẫn hết sức lúng túng trong quá trình xây dựng kế hoạch xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người dân. Khi bài toán kinh tế vẫn còn loay hoay chưa có lời giải thì các tiêu chí về giáo dục, y tế, văn hóa... đương nhiên khó có thể hoàn thành.

Mặt khác, trong thực tế quá trình triển khai, nhiều tiêu chí đưa ra chưa thật sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đơn cử như tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, nếu thực hiện theo quy định thì Cao Bằng có khoảng 100 trong tổng số 177 xã không có đủ diện tích đất xây dựng. Bên cạnh đó, tiêu chí giao thông cũng còn những bất cập. Do địa hình các xã miền núi phức tạp, hiểm trở, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống khe suối dày đặc nên chi phí làm đường rất lớn, nếu Trung ương vẫn tính mức đầu tư như các địa phương miền xuôi thì không thể xây dựng được. Trong khi đó, việc huy động nguồn vốn đối ứng cũng vô cùng khó đối với các xã, huyện miền núi. Do hầu hết dân cư sống bằng nông nghiệp, thu nhập thấp hoặc không có thu nhập, cơ sở kinh doanh ít, thu phí hạn chế, quỹ đất không nhiều, cho nên ngân sách chỉ đủ bù đắp cho các hoạt động chi thường xuyên của xã. Chính vì vậy, nếu vốn đầu tư từ ngân sách không có sự ưu đãi đặc biệt hơn các địa phương khác, các tiêu chí không có sự điều chỉnh kịp thời, sát thực tế thì thật khó để các xã miền núi hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.

Ngoài vấn đề nguồn vốn, hạn chế về năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ tham gia chương trình xây dựng NTM cũng là rào cản lớn. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn) Ma Đình Tuyến: Xây dựng NTM là một chương trình mới nhưng lại được triển khai bởi những "người cũ" nên ngoài thực hiện hướng dẫn chỉ đạo của cấp trên, cán bộ tại mỗi cơ sở cũng chưa có cách làm gì sáng tạo. Trong khi đó, chương trình xây dựng NTM có nhiều hợp phần, nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau nhưng lại do ngành nông nghiệp huyện trực tiếp hướng dẫn các xã thực hiện nên gặp nhiều trở ngại. Với cán bộ huyện đã khó, cán bộ xã, thôn trình độ về mọi mặt còn hạn chế hơn thì chuyện "nhân lực" thật sự là một nỗi lo.

Xây dựng NTM là chương trình mục tiêu quốc gia, đã đem lại bộ mặt mới cho nhiều xã nông thôn, cải thiện đời sống của bà con nông dân nhiều vùng miền. Tuy nhiên, so với cả nước, tiến độ xây dựng nông thôn mới của các tỉnh miền núi phía bắc còn rất chậm với chồng chất những khó khăn. Chính vì vậy, Chính phủ cần có chính sách đặc thù để phát triển hạ tầng thiết yếu và phát triển nông, lâm nghiệp cho những vùng đất này, lấy xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế hộ là điều mấu chốt, là bước khởi đầu vững chắc cho việc tiến tới hoàn thành các tiêu chí đề ra.

Bài và ảnh: Hoàng Minh
Nguồn nhandan.org.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập393
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại852,900
  • Tổng lượt truy cập92,026,629
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây