Học tập đạo đức HCM

Khi hợp tác xã thực sự là “nhà”

Thứ sáu - 25/03/2016 04:04
Trong quá trình “vật lộn” tìm hướng hoạt động mới, nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác đã thực sự trở thành chỗ dựa của xã viên, tổ viên trong phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bí quyết thành công chung của những đơn vị này là đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của các thành viên.
 

Bài 1: Chưa hết khó khăn

Ông Phạm Văn Dũng (thứ hai từ trái sang), Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân thăm vườn cam Canh của xã viên.

Làm ăn nhỏ lẻ là thua!

Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Dũng, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân, xã Hồng Giang (Lục Ngạn – Bắc Giang). Thực tế, kể từ khi liên kết trong HTX, sức mạnh của những nông hộ nhỏ lẻ nơi đây đã được nâng lên khá nhiều.

Đi lên từ câu lạc bộ VAC, HTX Hồng Xuân được thành lập ngày 5/1/2008, lúc đầu có 12 thành viên, hiện có 9 thành viên, vốn kinh doanh 390 triệu đồng, do các thành viên đóng góp. Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của HTX là sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều, kinh doanh thuốc thú y, gia cầm giống. So với mô hình câu lạc bộ, trở thành xã viên HTX, bà con được lợi nhiều hơn.

Đơn cử như trong việc tiêu thụ vải thiều, nếu như những hộ khác bán trên thị trường tự do, phải chịu cảnh “sáng nắng chiều mưa” của giá cả thì xã viên HTX có thể yên tâm hơn vì đã có hợp đồng cung cấp cho các đơn vị đã ký kết với giá ổn định. Không những vậy, cơ hội đổi mới sản xuất liên tục đến khi năm 2011 HTX được chọn xây dựng mô hình thí điểm sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Dương Văn Sinh, Trưởng ban Kiểm soát của HTX cho biết, so với canh tác theo phương pháp truyền thống, áp dụng VietGAP đòi hỏi nhà vườn phải áp dụng nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn, nhất là trong việc ghi chép nhật ký đồng ruộng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng bù lại, giá vải VietGAP luôn cao hơn giá thị trường cùng thời điểm từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, sản phẩm luôn được đặt hàng trước. Đặc biệt, năm 2014, nhờ áp dụng VietGAP, đã có 10 tấn vải thiều đầu tiên của HTX được xuất sang Nhật Bản với giá cao hơn thị trường 12.000 đồng/kg. Được biết, cả 9 hộ xã viên của HTX đều áp dụng VietGAP trên vải thiều.

“Năm 2015, chúng tôi đón nhận cơ hội lớn khi được chọn là một trong những đơn vị tham gia xuất  vải thiều sang Mỹ. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn của đối tác, chúng tôi đã được tham dự các lớp tập huấn do huyện tổ chức. Tuy mới chỉ là những bước đi đầu tiên để vải thiều Lục Ngạn vươn xa hơn trên thị trường nhưng cái được lớn nhất là chúng tôi tiếp cận với quy trình sản xuất mới, an toàn và bền vững hơn. Nếu chỉ sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm như trước đây, chắc chắn chúng tôi sẽ không có được may mắn này”, ông Dũng nói.

Ngoài việc giúp xã viên tiêu thụ vải thiều, HTX Hồng Xuân còn đẩy mạnh kinh doanh giống gia cầm. Hiện HTX có 6 máy ấp trứng, 5.000 con gà mái giao cho 7 hộ nuôi, HTX lo về kỹ thuật, thuốc thú y, vắc-xin…, bình quân mỗi năm cung cấp cho thị trường 400.000 con giống. Ngoài ra, xã viên HTX cũng mạnh dạn chuyển một số diện tích trồng vải thiều kém hiệu quả sang trồng cam Canh. “Năm vừa qua, dù thị trường có lúc khó khăn nhưng kết quả sản xuất kinh doanh của HTX vẫn ổn định với doanh thu 12,61 tỷ đồng, thu nhập bình quân của xã viên khoảng 200 triệu đồng/hộ/năm. Nếu không liên kết chắc chắn chúng tôi không mạnh như bây giờ”, ông Dũng khẳng định.

HTX mạnh thì dân giàu

Ông Trần Văn Sỹ, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tân Dĩnh (Lạng Giang - Bắc Giang) đã nói với chúng tôi như vậy khi được hỏi về quá trình chuyển đổi của đơn vị sang HTX kiểu mới. Thực tế, trước khi trở thành điểm sáng trong lĩnh vực kinh tế tập thể ở Bắc Giang, HTX Nông nghiệp Tân Dĩnh cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động do nguồn vốn hạn hẹp, trình độ cán bộ quản lý, điều hành kém nên xã viên có phần mất lòng tin. Vì vậy, trong quá trình chuyển đổi hoạt động, HTX đã tập trung thực hiện tốt các dịch vụ, mở mang thêm nhiều ngành nghề mới để đáp ứng nhu cầu của xã viên.

Bây giờ, HTX đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều xã viên trong xã khi họ cần vốn để mở rộng sản xuất. Với thủ tục vay đơn giản, lãi suất áp dụng linh hoạt theo lãi suất ngân hàng cùng thời điểm, có thể vay đến 50 triệu đồng, nhiều xã viên đã có cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Tín dụng nội bộ đã trở thành điểm nhấn trong hoạt động của HTX Nông nghiệp Tân Dĩnh. “Khi cần vốn, bà con chỉ cần xin xác nhận của trưởng thôn là HTX có thể giải ngân ngay với mức vay tối đa 50 triệu đồng. Dù lãi suất áp dụng theo lãi suất ngân hàng cùng thời điểm nhưng bà con vẫn muốn vay vốn của HTX vì thủ tục nhanh gọn, dễ dàng, việc trả gốc và lãi linh hoạt”, ông Sỹ nói.

Ông Sỹ cho biết, là HTX quy mô toàn xã với 3.200 hộ xã viên, bộ máy quản lý, điều hành chuyên trách là 7 người, 49 người bán chuyên trách, HTX Nông nghiệp Tân Dĩnh đang thực hiện 11 mô hình dịch vụ, gồm: Cung cấp nước tưới tiêu cho toàn xã, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dịch vụ bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm, thu gom và xử lý rác thải, tín dụng nội bộ, quản lý thương mại chợ, mô hình trồng nấm, trồng hoa và cánh đồng mẫu lớn trồng lúa chất lượng. Nguồn vốn của HTX hiện đạt 4,12 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của xã viên là 320 triệu đồng.

 Nhìn vào những con số này chắc chắn nhiều HTX phải mơ ước. Nhưng để làm được điều đó, theo ông Sỹ, “phải đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất của người dân”. Ví như dịch vụ tưới tiêu, HTX có 3 máy bơm điện 15kW và một máy dầu 18 mã lực, đảm bảo tưới tiêu cho 530ha đất canh tác; mỗi năm tổ chức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho trên 800 hộ xã viên; tiêu thụ giúp bà con 150 - 180 tấn thịt trâu, bò/năm. Tổ làm nấm ngày một phát triển với 80 hộ tham gia, sản lượng đạt 1.400 tấn/năm, thu nhập của hộ thấp nhất là 30 triệu đồng, cao nhất 160 triệu đồng. Mô hình trồng hoa hiện đạt 19ha, mỗi hộ xã viên thu lợi nhuận 8 - 10 triệu đồng/sào. HTX cũng đóng góp 1,8 tỷ đồng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới, giúp Tân Dĩnh đã cán đích 19/19 tiêu chí tháng 8/2014.

Hướng tới sự chuyên nghiệp

Tham gia sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, hơn 20 hộ thành viên trong Tổ hợp tác (THT) Suối Thông B2, xã Đạ Ròn (Đơn Dương - Lâm Đồng) đã có cơ hội được tiếp cận cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, ở đó, sự minh bạch được coi trọng.

Theo khảo sát của Oxfam, dù cùng sản xuất rau theo quy trình VietGAP để cung cấp cho siêu thị Metro nhưng các thành viên trong tổ không cần đồng loạt cùng lúc sản xuất một loại nông sản, không cần sử dụng chung một loại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật, do đó, chất lượng, mẫu mã giữa các loại nông sản có thể khác nhau. Hàng ngày nông sản của từng hộ được tổ chuyển đến trạm thu mua của Metro theo các mã riêng đã được quy định trên khay đựng nông sản của từng gia đình. Sau khi nhận hàng, Metro sẽ chuyển tiền vào tài khoản riêng của từng hộ theo khối lượng, chất lượng sản phẩm mà họ nhận được. Vì vậy, thu nhập của các hộ gia đình trong tổ, với cùng một loại sản phẩm, trên cùng một diện tích hoàn toàn có thể khác nhau. Để tương trợ nhau trong sản xuất và chia sẻ rủi ro, các thành viên luôn minh bạch mọi thông tin về quy trình chăm sóc để ai cũng có thể áp dụng. Cơ chế này tuy đơn giản nhưng thực tế lại có hiệu quả rất cao khi không những tăng sự tương trợ, gắn kết giữa các thành viên trong sản xuất mà còn giúp THT tránh được nhiều rủi ro  khi cung cấp rau sạch cho siêu thị; đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng rau để tránh rau không chuẩn trà trộn vào sản phẩm của tổ.

Bên cạnh đó, THT cũng có một tài khoản email chung, hàng ngày siêu thị gửi thông tin về loại sản phẩm, khối lượng cần thu mua cho ngày mai. Căn cứ trên email đó và căn cứ vào khả năng cung cấp của các hộ gia đình, THT sẽ điều phối khối lượng nông sản cần thu hoạch phù hợp với từng thành viên. Quy mô có thể cung cấp của các hộ thành viên được công khai với tất cả các hộ khác. Các thành viên trồng nhiều loại nông sản được thu mua sẽ được ưu tiên bán với khối lượng nhiều hơn. Siêu thị Metro cũng giám sát quá trình này qua cán bộ kỹ thuật tại THT và tại nơi thu mua thông qua việc lấy mẫu. Giá thu mua ổn định nên cũng tránh được tình trạng các thành viên xảy ra tranh chấp khi cung cấp cho siêu thị trong suốt thời gian dài.

So với các hộ gia đình khác, mức thu nhập của các thành viên trong THT Suối Thông B2 cao hơn khá nhiều nhưng số lượng thành viên của tổ cũng không tăng đáng kể so với ngày đầu thành lập. Nhiều hộ xin vào tổ đã phải xin ra do không đáp ứng được các yêu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Rất tiếc, hiện nay, những mô hình HTX kiểu mới, hoạt động hiệu quả như trên chưa nhiều, phần lớn các HTX vẫn đang loay hoay trên hành trình tìm hướng đi mới.

Bài 3: Liên kết là hướng đi tất yếu

Anh Thơ

Nguôn: kinhtenongthon.com.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập194
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm193
  • Hôm nay36,803
  • Tháng hiện tại267,507
  • Tổng lượt truy cập92,645,171
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây