Buôn Pốc A, thị trấn Ea Pốc, huyện Cư M’gar có 507 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với gần 2.800 nhân khẩu. Trước đây, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, sản xuất lạc hậu, năng suất cây trồng thấp. Kẻ xấu lén lút về buôn dụ dỗ, xúi giục một số người nhẹ dạ vượt biên trái phép và gây mất an ninh trật tự trong buôn. Trước tình hình đó, Chi bộ buôn Pốc A chú trọng phát triển đảng viên là người trong buôn, đổi mới sinh hoạt, tập trung lãnh đạo giải quyết vấn đề đặt ra.
Bí thư Chi bộ buôn Pốc A H’Won Ayun, cho biết: Chi bộ có 14 đảng viên, chủ yếu là người DTTS đã chú trọng sinh hoạt theo chuyên đề như: Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xóa đói, giảm nghèo; vệ sinh môi trường; giữ gìn an ninh trật tự; xây dựng gia đình văn hóa... Chi bộ phân công các đảng viên phụ trách từng lĩnh vực, cụm gia đình để theo dõi, phối hợp với các đoàn thể tích cực vận động nhân dân tham gia các lớp tập huấn, học tập mô hình phát triển kinh tế do các đoàn thể của huyện, thị trấn tổ chức, trong đó đảng viên luôn gương mẫu học tập và phát triển kinh tế để người dân noi theo. Từ đó, tình hình kinh tế, xã hội của buôn có nhiều chuyển biến, đời sống người dân được cải thiện, chỉ còn 68 hộ nghèo.
Buôn Hra B, xã vùng sâu Ea Tul có tất cả các hộ là đồng bào DTTS. Trước năm 2010, buôn Hra B chưa có chi bộ, đảng viên phải sinh hoạt ghép với buôn khác, cho nên việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Các hủ tục lạc hậu tồn tại trong đời sống buôn làng. Tình trạng sinh đông con còn phổ biến, việc sản xuất, chăn nuôi vẫn theo lối truyền thống dẫn đến năng suất cây trồng thấp, số hộ đói, nghèo và tỷ lệ học sinh bỏ học chiếm tỷ lệ cao...
Trước những bức xúc đó, Đảng bộ xã Ea Tul phân công các đồng chí đảng ủy viên về tham gia sinh hoạt và thành lập Chi bộ buôn Hra B. Đến nay, Chi bộ có sáu đảng viên đã tích cực vận động bà con xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình văn hóa; chuyển từ làm lúa rẫy sang trồng cà-phê, hồ tiêu, cao-su và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ở Hra B, đảng viên luôn đi đầu trong mọi việc. Đảng viên Y Phen Niê là một thí dụ. Sau khi được kết nạp Đảng, rồi làm buôn trưởng buôn Hra B, Y Phen vừa hoàn thành tốt công việc của trưởng buôn vừa tiên phong trong mọi lĩnh vực; hướng dẫn bà con trong buôn làm theo. Y Phen tâm sự: Mình hiểu, đối với người Ê Đê, lời nói phải đi liền với việc làm, họ mới nghe, mới tin theo. Vì vậy, trong những năm qua, mình luôn tìm tòi áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, tỉa cành, bón phân, tưới nước cho vườn cà-phê, hồ tiêu hợp lý, cho nên năng suất đã tăng từ 2,5 tấn lên 3,5 tấn/ha. Không chỉ làm riêng cho gia đình, mình còn hướng dẫn nhiều người. Đến nay, cuộc sống của người dân trong buôn hoàn toàn thay đổi. Buôn có 158 hộ với 892 khẩu thì số hộ khá, giàu chiếm 30%, gia đình nào cũng có nhà cửa kiên cố, khang trang...
Bí thư Đảng ủy xã Ea Tul Y Uốt Ajun cho biết: Ea Tul là xã vùng sâu, đồng bào Ê Đê chiếm 97%. Hầu hết đảng viên được phân công phụ trách, giúp đỡ nhóm gia đình để nắm bắt nguyện vọng của nhân dân và những vấn đề nảy sinh ở cơ sở, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết. Đầu tháng 5 vừa qua, Ea Tul đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Giờ đây cuộc sống của đồng bào các dân tộc và bộ mặt nông thôn hầu hết các xã, thôn, buôn trong huyện Cư M’gar đều thay đổi. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cư M’gar Y Thek Niê chia sẻ: Trước đây, nhiều thôn, buôn chưa có đảng viên, chi bộ. Trong những năm qua, cùng với việc chăm lo phát triển đảng viên, Huyện ủy Cư M’gar chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy Đác Lắc về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở thôn, buôn, tổ dân phố” và các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII).
Tất cả 189 thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đều có chi bộ. Với phương châm “huyện nắm xã, xã nắm thôn, buôn, và thôn, buôn nắm hộ gia đình”, hằng năm, Huyện ủy phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành phụ trách địa bàn các xã, thị trấn; Đảng ủy các xã, thị trấn phân công đảng ủy viên phụ trách địa bàn thôn, buôn và trực tiếp xuống sinh hoạt với chi bộ thôn, buôn để theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; chi bộ phân công đảng viên phụ trách từng nhóm gia đình... Từ đó, chi bộ, đảng viên các thôn, buôn luôn nêu cao vai trò trách nhiệm, bám sát cơ sở, tích cực vận động người dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...
Theo kết quả đánh giá phân loại hằng năm, Đảng bộ huyện có hơn 75% số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh. Nhờ phát huy tốt vai trò của chi bộ và đảng viên, đến nay, bộ mặt các thôn, buôn ở huyện Cư M’gar đã có nhiều thay đổi, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện về mọi mặt, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt gần 30 triệu đồng/năm.
Theo: Nguyễn Công Lý/nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;