Dự thảo Luật gồm 7 Chương và 82 Điều nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế quốc tế. Luật này quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua, bán, sơ chế, chế biến, bảo quản, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt; quản lý Nhà nước về trồng trọt.
Tại dự thảo cũng đưa ra quy định về xã hội hóa kiểm nghiệm giống cây trồng, và được đánh giá là bước đột phá, kỳ vọng mang lại hiệu quả cao cho nền nông nghiệp.
Đồng tình quan điểm trên, chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn nhận định, đây là một quy định rất hợp lý và kịp thời, ra đời trong giai đoạn chúng ta đang phải vượt qua cuộc khủng hoảng trong quản lý nhà nước. Cho đến nay, hoạt động khảo, kiểm nghiệm giống cây trồng cũng như các hoạt động quản lý giám sát kỹ thuật chuyên ngành khác đều do các cơ quan sự nghiệp của nhà nước thực hiện. Cách quản lý ôm đồm này làm cho bộ máy của nhà nước cồng kềnh, hoạt động thông qua nhiều thủ tục giấy phép, tốn kém và cản trở hoạt động của doanh nghiệp (DN). Đây là nguồn gốc của cơ chế xin - cho và chỗ hở để tham nhũng, lãng phí xuất hiện.
Về việc chuyển từ một nhà nước quản lý sang một nhà nước kiến tạo, những hoạt động tương tự được phân cấp cho các cơ quan chuyên trách của các tổ chức hiệp hội ngành nghề như Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam trực tiếp đảm nhiệm, ngoài ra các DN xã hội, DN khoa học, các tổ chức phi chính phủ, các đơn vị tư vấn kỹ thuật tư nhân có đủ năng lực hoạt động cũng có thể tham gia đăng ký tiến hành các hoạt động dịch vụ kỹ thuật thuộc dạng này.
“Tất nhiên, cũng cần đổi mới các quy định về pháp luật và chính sách để cách tổ chức ngoài nhà nước có đủ quyền lực và trách nhiệm tham gia các hoạt động này ví dụ như Luật Các hiệp hội, Luật Quản lý khoa học công nghệ,...”, TS. Đặng Kim Sơn nhận định.
Tạo khung pháp lý cho ngành nông nghiệp phát triển |
Việc phân cấp, trao quyền cho các tổ chức hiệp hội ngành nghề và xã hội hóa dịch vụ kỹ thuật không những giảm bớt chi tiêu công, góp phần thu hẹp biên chế sự nghiệp mà còn tạo nên hình thức quản lý chủ động của các hiệp hội ngành nghề, tăng khả năng kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn kỹ thuật, giám sát thi hành chính sách pháp luật. Đây là cách duy nhất có thể đảm bảo quản lý được quá trình phát triển sôi động, rộng rãi và đa dạng, thường xuyên thay đổi của kinh tế thị trường. Và cũng giải pháp để xử lý dứt điểm những vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý chất lượng và giá cả; xuất xứ và tiêu chuẩn của vật tư đầu vào và nông sản đầu ra của sản xuất nông nghiệp.
Cũng theo TS. Đặng Kim Sơn, các quy định về vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quản lý vùng trồng sẽ nhằm mục tiêu đảm bảo nền sản xuất hàng hóa lớn nhưng nắm được tình hình để điều tiết sản xuất chuỗi giá trị, thống nhất một quy trình sản xuất và hướng tới sản phẩm có chứng nhận; hợp đồng giữa nông dân với DN hoặc giữa nông dân với nông dân sẽ góp phần tích cực để hình thành các vùng chuyên canh khâu đầu tiên trong chuỗi giá trị là khâu đột phá.
Tuy nhiên, các quy định này chưa tổ chức để giải quyết được bài toán về cân đối cung - cầu cho nông sản Việt Nam. Muốn giải quyết được dứt điểm vấn đề này, cần có những giải pháp khác để hình thành được một cách hoàn chỉnh toàn bộ chuỗi giá trị không chỉ ở khâu sản xuất mà còn cả ở khâu chế biến, dịch vụ hậu cần và nhất là khâu phát triển thị trường. Cần phải có những chính sách và biện pháp cải tiến tổ chức đột phá để hình thành được hệ thống cung cấp thông tin thị trường; làm tốt công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và công nghiệp chế biến nông sản. Đây là những nội dung vượt ra ngoài phạm vi của luật về cây trồng và vật nuôi.
Dự án Luật Trồng trọt được xây dựng trên cơ sở nâng cấp Pháp lệnh giống cây trồng (2004), mở rộng phạm vi điều chỉnh lên đến 10 lĩnh vực gồm: Giống cây trồng; phân bón; canh tác; thu hoạch; mua, bán; sơ chế; chế biến; bảo quản; xuất khẩu; nhập khẩu sản phẩm trồng trọt. |
TS. Đặng Kim Sơn nhận định, cũng giống như Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn chỉnh khung pháp lý, tạo điều kiện để người sản xuất kinh doanh (SXKD) có thể yên tâm hoạt động một cách minh bạch và dài hạn. Tuy nhiên, không thể trông cậy vào một bước cải tiến này để có thể giải quyết mọi tồn tại và bất cập của ngành trồng trọt. Phải đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ để người sản xuất mở rộng quy mô; các đối tượng SXKD, chế biến liên kết trong chuỗi giá trị dọc và ngang với nhau trong hợp tác xã, hiệp hội, nghiệp đoàn; ở tất cả các khâu đều áp dụng khoa học công nghệ hiệu quả
Muốn vậy, cần tiếp tục cải thiện hệ thống luật pháp và chính sách, tổ chức như quy định thế nào để quyền sử dụng đất đai được thể hiện như tài sản hàng hóa, để việc sử dụng nước thủy lợi vận hành theo cơ chế thị trường, cần có các giải pháp hỗ trợ tập trung và phân cấp quyết liệt để kinh tế hợp tác có sức hấp dẫn nông dân tham gia, phải đổi mới Hội Nông dân, phân cấp, trao quyền cho các hiệp hội ngành nghề trong việc quản lý vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra,…
Anh Đức/http://kinhtevn.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;