Diễn đàn có sự tham dự của hơn 300 đại biểu bao gồm đại diện lãnh đạo các Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Quảng ninh … và các chuyên gia kinh tế về phát triển du lịch bền vững trong và ngoài nước, các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp có đầu tư vào du lịch.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, ngày nay du lịch đã trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới với giá trị xuất khẩu du lịch toàn cầu đạt hơn 1,4 nghìn tỷ USD năm 2016, chiếm 6,6% tổng giá trị xuất khẩu và gần 30% tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ của thế giới. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, riêng trong năm 2017 du lịch và lữ hành toàn cầu đã đóng góp trực tiếp vào GDP hơn 2,3 nghìn tỷ USD (tương đương 3,1%), trực tiếp tạo ra gần 109 triệu việc làm (chiếm 3,6% tổng việc làm trên toàn cầu…
Ông Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại diễn đàn |
Đối với Việt Nam, trong 10 năm qua, thu nhập xã hội từ du lịch đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 20%, tỷ lệ đóng góp cho GDP tăng từ 1,76% năm 1994 lên 7,5% năm 2017. Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới. Du lịch đã trở thành một trong 5 ngành có thu nhập ngoại tệ lớn nhất đất nước ta với trên 20 tỷ USD hàng năm.
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết thêm, dự báo trong thời gian tới, du lịch sẽ tiếp tục tăng trưởng trên phạm vi toàn cầu. Đến năm 2030, lượng khách du lịch quốc tế ước đạt khoảng 1,8 tỷ lượt người. Ngành du lịch Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đến năm 2020 đón từ 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP tiến tới thực hiện các mục tiên Phát triển bền vững được qui định trong Chương trình Nghị sự 2030.
Tại Diễn đàn, các đại biểu trong nước và quốc tế đã cùng nhau trao đổi về các vấn đề như: Chính sách phát triển kinh tế, du lịch theo hướng bền vững; Hiện trạng và giải pháp phát triển kinh tế, du lịch xanh trong giai đoạn mới; Phát triển kinh tế, du lịch xanh của Nhật Bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; Những định hướng phát triển du lịch xanh bền vững; Chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng xanh, bền vững; Vai trò các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong việc phát triển du lịch xanh bền vững…
Diễn đàn quốc tế “Phát triển kinh tế-du lịch xanh bền vững 2018” |
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề cập tới việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hạn chế chất thải từ hoạt động du lịch, ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường trong phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển loại hình du lịch sinh thái, cũng như sẽ bàn về những giải pháp hợp lý, hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, du lịch xanh trong xu thế toàn cầu hóa.
Thông qua các hoạt động trên, Diễn đàn sẽ giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế một hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, năng động và mến khách, một điểm đến thân thiện, hấp dẫn… là dịp thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trên cả nước và các quốc gia trên thế giới nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước con người Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng cùng phát triển du lịch xanh, bền vững.
Diễn đàn cũng góp phần tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo công chúng về chiến lược phát triển kinh tế - du lịch xanh và Nghị quyết số 80/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn./.