Có thể nói, mô hình sản xuất theo chuỗi đang được khá nhiều địa phương nhân rộng, tạo sự hứng khởi cho DN và người nông dân ở nhiều vùng miền sau khi thực hiện chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP.
Về vấn đề này, khi thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại diễn đàn Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục tạo cơ chế chính sách để các mô hình sản xuất liên kết này phát triển.
Đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) cho rằng, chọn phương thức sản xuất theo mô hình khép kín là hợp lý để người sản xuất không phải lo “được mùa mất giá”. Theo đó, khâu tiêu thụ rất quan trọng.
Ảnh minh họa |
Thực ra, mô hình sản xuất theo chuỗi không phải là mới. Theo bà Mai Thị Ánh Tuyết, Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, khi chưa có Nghị quyết 14, An Giang cũng có triển khai mô hình chuỗi liên kết với quy mô nhỏ nhưng đã dừng lại sau một thời gian do thiếu nguồn vốn. Và chỉ đến khi ngành Ngân hàng triển khai cho vay thí điểm, nguồn vốn dồi dào hơn, các mô hình sản xuất mới có cơ hội phát triển hiệu quả.
Số liệu cho thấy, cả nước có 28 DN được liên Bộ (NHNN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ) chọn tham gia chương trình thí điểm với 31 dự án liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Sau hai năm thực hiện chương trình cho vay này, số tiền các NHTM đã giải ngân cho các DN tham gia chương trình đạt hơn 7.333 tỷ đồng.
Đặc biệt, chương trình đã tạo điều kiện cho các vùng có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp đưa ra các mô hình thí điểm và nhân rộng mô hình. Điển hình như mô hình đầu tư chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu Antesco của CTCP Rau quả thực phẩm An Giang; mô hình liên kết dọc cá tra Tafishco của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An tỉnh An Giang; Mô hình liên kết cánh đồng lớn của Công ty TNHH Trung An...
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sau 2 năm thực hiện chương trình cho vay thí điểm một số dự án, kết quả bước đầu đã hình thành một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng có hiệu quả, có thể mở ra xu hướng phát triển tất yếu cho nền nông nghiệp hiện đại trong thời gian tới. Thông qua chuỗi liên kết, các bên tham gia có thể giám sát lẫn nhau từ các khâu đầu vào sản xuất, thu mua, chế biến đến tiêu thụ.
Trong chuỗi có sự gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhà “Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông dân và nhà DN”, trong đó nhà DN được xem là hạt nhân và chính là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi liên kết.
Hình thức liên kết này đã giải quyết được khó khăn về vốn sản xuất cho DN và người dân tham gia chương trình, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong chuỗi đàm phán với các DN cung ứng thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, được cung cấp với một mức giá thấp hơn giá thị trường; hưởng mức chiết khấu cao hơn; phương thức giao nhận hàng hóa, hình thức và thời gian thanh toán thuận lợi, từ đó giúp các bên tham gia liên kết trong chuỗi được chủ động trong sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm giá thành và tăng hiệu quả sản xuất, chế biến, tiêu thụ.
Hiện nay, NHNN đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện của chương trình, đồng thời NHNN chỉ đạo các NHTM tiếp tục triển khai chương trình theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bởi tại Điều 14 của Nghị định này quy định chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết.
Trong đó, các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu mối ký hợp đồng thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được TCTD xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết.
Với chủ trương và cơ chế đã có cùng với thực tế triển khai mang lại hiệu quả, chắc chắn thời gian tới các NH sẽ tiếp tục triển khai cho vay các dự án liên kết, “chắp cánh” cho nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi, hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp bền vững.
Chí Kiên
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;