Học tập đạo đức HCM

Những người gánh "việc làng"

Chủ nhật - 08/10/2017 10:35
Tôi mượn chữ trong thiên phóng sự “Việc làng” của nhà văn Ngô Tất Tố để viết về những Bí thư chi bộ và Trưởng xóm tôi gặp. Nhưng họ là con người mới của thời đất nước hội nhập. Họ tuyệt đối không phải kẻ hám danh lợi, bỏ tiền buôn quan, rồi dựa vào lệ làng để kiếm lời bất chính trên mồ hôi, xương, máu của nhân dân như những nhân vật được cụ Ngô Tất Tố phản ánh trong “Việc làng”. Mà họ - những Bí thư chi bộ và Trưởng xóm thật sự là công bộc của nhân dân, do nhân dân bầu chọn làm người gánh vác công việc chung của làng xóm.
Đứng ở sân nhà văn hóa xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh (Phú Lương), nhìn bao quát thấy bốn bề đều núi cao chất ngất. Ông Đặng Quý Ngân, Trưởng xóm, bảo: Trên lưng những dải núi kia có rất nhiều mạch nước nguồn, chỉ tiếc là nước cứ bốc hơi lên trời, hoặc ngấm xuống đất, mùa vụ thiếu nước tưới, nên việc sản xuất của đồng bào gặp nhiều khó khăn. Ông Đặng Phúc Lợi, Bí thư chi bộ tiếp lời: Xóm vừa có hồ chứa nước, lại có suối chảy qua, nhưng đồng bào chỉ gieo cấy được 40% diện tích đất ruộng.
 
Câu chuyện cứ hồn nhiên thân thiện, một thú vị tôi phát hiện được trong lúc đi thăm các khu đồng Vàng Pè, Xưởng Giấy và Đồng Đình là, Bí thư chi bộ và Trưởng xóm luôn đồng nhất quan điểm. Ông Lợi bảo: Trong xóa đói, giảm nghèo, quan trọng là phải… xóa được lười từ chính cán bộ, đảng viên. Ông Ngân nói tiếp: Từ “tinh thần” xóa lười, đảng viên và nhân dân vào cuộc, mọi việc ngày một trở nên nền nếp, nhất là việc bài trừ những hủ tục lạc hậu, giúp nhau phát triển kinh tế hộ và phong trào xây dựng đời sống văn hóa. 

 
 
 
 
 
 
 

MINH TÂM_B2_A1.jpg

 
 
 
Xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh (Phú Lương): Trưởng xóm Đặng Quý Ngân (ngoài cùng bên trái); Bí thư chi bộ Đặng Phúc Lợi (thứ 2 từ phải sang) vận động bà con tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
 
 
 
Nhớ dạo đầu tháng Sáu, về xóm Khẩu Cuộng, xã Thanh Định (Định Hóa), chúng tôi được ông Ma Doãn Đoàn, Bí thư chi bộ đưa đi men theo đoạn đường của khu rừng mới khép tán. Ông cho biết: Khẩu Cuộng đất rộng, người thưa, nhưng bao năm bà con sống cảnh thiếu thốn. Đã có những hôm tôi với ông Ma Doãn Hạt, Trưởng xóm ngồi cà kê với nhau cả buổi, rồi cũng nhận ra dân mình sống cảnh nghèo ngay trên “mỏ vàng”. Nhưng để đất đẻ ra vàng, chúng tôi phải đến một số hộ có nhiều đất rừng, có sức lao động và vốn đầu tư để vận động bà con phá bỏ cây vườn tạp, trồng rừng sản xuất. Nói một lần chưa được đâu nhé, vừa nói, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu làm trước, rồi cầm tay, chỉ việc cho người dân. Vì thế, đến nay việc trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc đã trở thành một phong trào rộng khắp ở Khẩu Cuộng. Cũng nhờ trồng rừng, nhiều hộ trong xóm thoát nghèo, có cuộc sống kinh tế ổn định. 
 
 
 

MINH TÂM_B2_A2.jpg

 
 
 
Ông Ma Doãn Đoàn (thứ 2 bên trái) Bí thư chi bộ xóm Khẩu Cuộng, xã Thanh Định (Định Hóa) cùng các hội viên cựu chiến binh xóm đi kiểm tra rừng, chủ động phòng cháy, chữa cháy. 
 
 
 
Dưới tán rừng lấp lóa nắng, tôi nhận ra một thực tế giản đơn: Trong đời thường, lời nói của Bí thư chi bộ và Trưởng xóm có sức nặng vô hình không thể cân, đong, đo, đếm được, bởi “nó” hợp lòng dân. Như ở xóm Quang Trung 2, xã Sơn Cẩm (Phú Lương), ông Nguyễn Xuân Ngọc, Trưởng xóm nói khiêm tốn: Mọi việc đều đi ra từ Nghị quyết của Chi bộ. Nhưng bà Dương Thị Tư, Bí thư chi bộ lại “cải chính”: Ông phải bảo Nghị quyết của Chi bộ được xây dựng từ thực tế cuộc sống mới đúng chứ.
 
 
 
Chẳng ai chịu nhận thành tích cho riêng mình, nhưng bà con ghi nhận. Cụ Nguyễn Quốc Y, 87 tuổi, Chi hội trưởng Người cao tuổi của xóm nhận xét: Do Bí thư và Trưởng xóm làm việc có trách nhiệm, nên mới tập hợp được lòng dân... Để không nhầm lẫn, ông Ngọc mở cuốn sổ tay, đọc cho tôi ghi chép cẩn thận: Xóm có 101 hộ, 395 nhân khẩu và được chia thành 3 cụm dân cư. Từ phát huy có hiệu quả tinh thần dân chủ: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiển tra”, trong 5 năm gần đây, nhân dân trong xóm tự nguyện hiến hơn 3.200m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội; đồng thời đóng góp tiền, ngày công đối ứng cùng Nhà nước xây dựng nhà văn hóa, sân vận động và mở rộng đường xóm từ 2 mét lên 3 mét, với tổng chiều dài đoạn đường hơn 1.500 mét. 
 
 
 
Năm 2017, đường bê tông đã kéo dài về các xóm, xã trong tỉnh. Nhiều ngõ nhỏ cũng đã có đường bê tông. Diện mạo nông thôn đang đổi mới từng ngày. Và tôi nhận thấy trên mỗi mét đường, hoặc các công trình mới xây dựng, đều có vị mặn mồ hôi và thấp thoáng bóng dáng của các vị Bí thư chi bộ, Trưởng xóm và bao con người. Bởi thế, khi chúng tôi hỏi về mối quan hệ giữa Bí thư chi bộ và Trưởng xóm, nhiều bậc cao niên đúc kết: Họ là “cặp bài trùng”. Không phải giữa họ, một kẻ tung, một người hứng để “nâng cao tầm quan trọng”, mà đó thể hiện sự thống nhất, có kỷ luật, kỷ cương. Tôi nhớ một lần đi thực tế cơ sở, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh tâm đắc: Nơi nào giữa Bí thư chi bộ và Trưởng xóm, hoặc Tổ trưởng dân phố “tâm đầu ý hợp”, thì ở đó có phong trào mạnh.
 
 
 
Ngược đường trở lại huyện Định Hóa, chúng tôi về xóm Bản Quyên, ông Ma Đình Hiệu, Trưởng xóm cho biết: Đầu năm 2017, xóm được tỉnh công nhận là điểm du lịch địa phương. Xóm có đặc sản phục vụ du khách là xôi trám, cơm lam, gà chạy đồi, lợn cắp nách và hát then, đàn tính. Ông Ma Đình Phụng, Bí thư chi bộ tâm sự: Đó là những nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc, trong đó có người Bản Quyên.Từ nhiều năm nay, chi bộ luôn quan tâm chỉ đạo và xóm có hướng dẫn cho bà con lưu truyền, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt quan tâm là đàn tính, hát then, hát lượn cọi. Có mặt ở đó, bà Ma Thị Lan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn nghệ xóm cho biết: Những nét đẹp văn hóa của xóm Bản Quyên được gìn giữ, phát huy cũng bởi sự vào cuộc nhiệt tình của Bí thư chi bộ và Trưởng xóm. Nhiều khi ông Phụng, ông Hiệu ngồi cùng các thành viên trong đội văn nghệ tới khuya muộn để động viên anh chị em cố gắng tập luyện cho nhuyễn một ngón đàn.
 
 
 
Trong bộ máy hành chính Nhà nước, Bí thư chi bộ và Trưởng xóm là những người gần dân nhất, thấu hiểu dân nhất. Nên ở xóm, bất cứ nhà ai có công việc gì, bà con đều nghĩ ngay đến Bí thư chi bộ và Trưởng xóm. Bà Hồ Thị Thanh, Bí thư chi bộ xóm Na Quán, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) tâm sự: Xóm có “truyền thống” làm vàng từ hàng chục năm nay. Nhưng 100% số hộ (144 hộ) không có người mắc vào tệ nạn nghiện ma túy. Khi được hỏi về bí quyết không để con em đi xa nhà mắc vào các tệ nạn xã hội, nhất là ở môi trường đào đãi vàng, ông Trịnh Ngọc Long, Trưởng xóm kể: Từ nhiều năm nay, tôi yêu cầu những người đi làm ăn xa nhà, nhất là đến các bãi vàng, chúng tôi phải tuyên truyền, thuyết phục rồi yêu cầu tất cả mọi người liên quan ký cam kết không mắc vào tệ nạn xã hội. Ban đầu cũng gặp nhiều cản trở, song thấy làm như vậy sẽ phòng được tệ nạn từ xa, nên các hộ trong xóm đều ủng hộ. 
 
 
 
Gia đình là một xã hội thu nhỏ, ông Phạm Văn Khôi, Bí thư chi bộ xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy. Ông đưa chúng tôi đến nhà văn hóa xóm gặp ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng xóm và đại diện các tổ chức thành viên mặt trận. Khi được hỏi về khó khăn nhất trong thực hiện các phong trào cơ sở, ông Cường nói ngay: Khó nhất là lòng dân chưa thuận. Mà chưa thuận đều do cán bộ, đảng viên ở cơ sở chưa tuyên truyền, giải thích để dân hiểu đầy đủ. Vì thế, trước từng sự việc cụ thể xảy ra, Bí thư chi bộ, Trưởng xóm và các thành viên ban công tác mặt trận luôn có mặt kịp thời, cùng tuyên truyền, giải thích, vận động để người dân được nhận thức đầy đủ, tự nguyện chấp hành, ủng hộ phong trào chung của địa phương.
 
 
 

Bàn về nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, bà Nguyễn Thị Hồng Lương, Bí thư chi bộ tổ 7, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) cho biết: Trong những năm gần đây, tổ gặt hái được nhiều thành quả trên các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đời sống văn hóa là bởi chi bộ tổ không mắc bệnh hình thức. Các đảng viên chi bộ xác định được rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân. 
 
Đỡ lời bà Lương, ông Nguyễn Văn Tám, Tổ trưởng cho biết: Do xác định rõ vai trò, vị trí công việc của từng chức danh, nên ở tổ dân phố không để xảy ra những khe hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích riêng. Tất cả chúng tôi, các thành viên Ban công tác mặt trận đều làm việc vì lợi ích chung, nên được bà con tin tưởng.
 
Về xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên), đến xóm Hồng Cóc, gặp ông Trần Quang Nghề, người nhiều năm được cán bộ, đảng viên bầu làm Bí thư chi bộ. Ông Nghề tâm sự: cán bộ, đảng viên cũng là con người. Nhưng cán bộ, đảng viên phải hơn quần chúng ở cách sống mẫu mực, gần gũi, thân thiện với mọi người quanh mình... Vừa từ đồng làng về tới nhà, gặp chúng tôi, thay lời chào xã giao, ông Lý Văn Ngân, Trưởng xóm bắt đầu câu chuyện: Hằng năm, xóm có nhiều công việc chung, như hội làng vào dịp đầu xuân; rồi các hoạt động phong trào làm giàu, xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng nông thôn mới, đội ngũ “cán bộ xóm” chúng tôi luôn đứng ở vị trí tiền phong, gương mẫu, tạo dựng lòng tin trong nhân dân, để mọi người dân đồng thuận, cùng vào cuộc.  

 
 
 
Dời Hồng Cóc, tôi tìm đến nhà La Día, xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai). La Día bảo: Tôi được bà con bầu làm Trưởng xóm liên tục 10 năm (2005-2015). Từ năm 2015, xin thôi chức danh Trưởng xóm, nhưng bà con nhất quyết “yêu cầu” tiếp tục tham gia giữ chân phó xóm. Mình làm gì cũng được, cốt là mang lại lợi ích cho bà con. Ông Hoàng Văn Tài, Bí thư chi bộ vẫn thường động viên tôi như vậy.
 
 
 

MINH TÂM_B2_A3.jpg

 
 
 
Vợ chồng ông La Día, Trưởng xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) tập khèn, hát giao duyên để truyền dạy cho lớp trẻ.
 
 
 
Nhâm nhi chén trà đã nhạt nước, tôi được nghe ông Día, ông Tài nói chuyện về việc Nhà nước hỗ trợ cho đồng bào làm đường bê tông lên xóm núi; cử cán bộ về hướng dẫn đồng bào trồng rừng xóa nghèo, trồng cỏ chăn bò làm giàu. Nhưng để thành hiện thực, ông Día, ông Tài và rất nhiều những Bí thư chi bộ, Trưởng xóm ở các làng quê Việt Nam đã luôn biết gác lại việc nhà, để lo cho công việc chung. Bởi lẽ ấy, họ là những người được nhân dân tin yêu. Và họ thực sự là người nhận nhiệm vụ từ nhân dân; chăm lo cho nhân dân những công việc chung của làng./.
Theo Minh Tâm/ Báo Thái Nguyên
 Tags: nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Văn bản số 4802/UBND-NL5

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập371
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm370
  • Hôm nay28,424
  • Tháng hiện tại154,986
  • Tổng lượt truy cập85,062,022
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây