Học tập đạo đức HCM

Nông thôn mới - sức bật cho mỗi làng quê

Thứ ba - 02/07/2013 07:26
Điểm mới trong xây dựng NTM là các xã đều quan tâm xây dựng hạ tầng và coi đó là khâu đột phá. 90% số xã có ít nhất 1 công trình hạ tầng mới; có xã tăng thêm 4 - 5 công trình. Các thôn, xã đều chọn phát triển giao thông, nâng cấp hệ thống điện, tu bổ trường học, nước sinh hoạt, thủy lợi... Chính vì vậy, sự phát triển hạ tầng đã làm thay đổi rõ nhất diện mạo nông thôn.
Nông thôn mới những năm qua bị ít nhiều xáo trộn do phát triển công nghiệp nóng. Tuy vậy, về cơ bản nông thôn vẫn phát triển theo chiều hướng tích cực: các làng nghề, các dịch vụ được mở ra, cơ sở hạ tầng trường, trạm xá, đường giao thông, bưu điện văn hóa xã tuy mạnh yếu khác nhau nhưng có phát triển. Đảng ta thấy rõ độ chênh lệch giữa nông thôn và đô thị nên đã sớm đề ra chiến lược phát triển nhịp nhàng hơn, năm 2008 đã có Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và Quyết định 800 của Chính phủ về Chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Nghị quyết 26 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa X (năm 2008) đã đánh giá sâu sắc, toàn diện về tình hình nông nghiệp, nông thôn và nông dân của nước ta trong thời gian qua. Nghị quyết chỉ rõ: sau hơn 20 năm thực hiện đường lối Đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương thì sau 2 năm thực hiện đã có 97% số xã đã xong quy hoạch và 60% trong số đó được phê duyệt. Đây được coi là bước quan trọng để việc triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) có kết quả tốt. Có trên 50% xã phê duyệt xong Đề án NTM, qua đó người dân có điều kiện thể hiện vai trò chủ thể của mình: căn cứ vào thực lực vốn để quyết định bước đi, lựa chọn những loại việc cần thiết nhất làm trước. Đây chính là nét mới về cách làm trong xây dựng NTM đã được áp dụng rộng rãi.

Điểm mới trong xây dựng NTM là các xã đều quan tâm xây dựng hạ tầng và coi đó là khâu đột phá. 90% số xã có ít nhất 1 công trình hạ tầng mới; có xã tăng thêm 4 - 5 công trình. Các thôn, xã đều chọn phát triển giao thông, nâng cấp hệ thống điện, tu bổ trường học, nước sinh hoạt, thủy lợi... Chính vì vậy, sự phát triển hạ tầng đã làm thay đổi rõ nhất diện mạo nông thôn.

Việc phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân đã được coi trọng hơn. Cả nước đã xây dựng được trên 5.000 mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng hiệu quả từ 15 - 20%. Đã có những mô hình tốt như "cánh đồng mẫu lớn" ở An Giang. Thành phố Hồ Chí Minh có chính sách hỗ trợ DN xây dựng các khu sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh Thái Bình có chính sách hỗ trợ nông dân mua máy cày, máy gặt đập liên hợp. Tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay sản xuất...

Trước khi thực hiện Chương trình, các xã đánh giá thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí và cả nước có khoảng 200 xã đạt trên 10 tiêu chí, chưa có xã nào đạt 15 tiêu chí. Sau 2 năm triển khai chương trình NTM, xã ít nhất cũng tăng được 1 tiêu chí. Hiện cả nước có hơn 1.000 xã đạt trên 10 tiêu chí, 34 xã đạt 19 tiêu chí NTM.

Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, huy động được nguồn lực và phát huy được hiệu quả cho đầu tư xây dựng NTM. Tỉnh Tuyên Quang có chính sách: các xã làm mới 1 km đường bê tông (rộng 3 m, dày 16 cm) thì được hỗ trợ 200 tấn xi măng, 2 triệu đồng và toàn bộ ống cống qua đường. Chỉ sau 2 năm Tuyên Quang đã làm mơi 1.064 km đường bê tông nông thôn. Các tỉnh như Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Bắc Giang, Hà Giang cũng có chính sách tương tự.
Có nhiều điển hình, cách làm sáng tạo của một số tỉnh, thành phố cần được nhân rộng, song trong phạm vi bài viết này, có thể nêu một ví dụ từ mô hình xây dựng NTM của tỉnh Thái Bình như sau: Từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh Thái Bình đã ký 6 Quyết định ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Mục tiêu của các quyết định này là hướng đến người nông dân. Ở đó, người dân được tiếp cận và ứng dụng KHKT vào sản xuất một cách có hiệu quả. Người dân đã được hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp, máy làm đất đa năng, công cụ gieo sạ kéo tay, kho đông lạnh bảo quản hàng nông sản. Đến nay toàn tỉnh có hàng ngàn máy phục vụ cho sản xuất đạt chất lượng tốt. Nhờ đó đã giải phóng được rất lớn sức lao động của người dân, tăng được giá trị sản xuất và góp phần thay đổi phần nào tư duy làm nông nghiệp của người dân.

Thay đổi lớn nhất đó là người dân hiểu được làm ăn lớn trên đồng ruộng nên làm như thế nào. Bắt đầu là quy hoạch lại ruộng đồng để chuyển từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, từ nhiều loại giống lúa trên một vùng chuyển sang vùng sản xuất lớn chỉ với một giống lúa để có chất lượng gạo ngon. Chuyển từ sản xuất lúa thương phẩm sang tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn. Chuyển từ làm ăn đơn lẻ, sang hợp tác với doanh nghiệp để có vốn đầu tư, có điều kiện áp dụng các tiến bộ KHKT trong thâm canh.

Tiếp đó là phải có sự hỗ trợ của Nhà nước tạo điều kiện cho kích cầu. Đối với Thái Bình, trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn nhưng các chính sách ưu tiên cho đầu tư nông nghiệp vẫn không bị cắt giảm mà còn được tăng lên rất nhiều. Vì thế đã tạo nên động lực lớn cho người dân hăng say lao động. Năm 2008 và 2009 hộ nông dân và HTXDVNN được hỗ trợ mua các loại máy do trong nước chế tạo như máy gặt đập liên hợp, máy gặt rãi hàng, máy gieo hạt đậu tương, máy xạ hàng, máy làm đất đa năng. Theo đó mức hỗ trợ là 50% đơn giá máy. Còn kho lạnh có công suất tối thiểu bảo quản được 30 tấn khoai tây giống/1 kho thì được hỗ trợ 100% tiền thiết bị làm lạnh.

Các năm 2011 và 2012, chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp ở quê lúa Thái Bình vẫn tiếp tục được ban hành. Nhiều nông dân và HTX đã được tỉnh hỗ trợ 50% đơn giá máy làm đất đa năng có công suất 25CV trở lên. Đối với máy sấy phục vụ bảo quản sản phẩm nông nghiệp, tỉnh trích ngân sách hỗ trợ 70%/máy. Còn thiết bị kho đông lạnh, tỉnh hỗ trợ 80% và huyện hỗ trợ 20% giá trị thiết bị. Với cách làm này, đã có nhiều nông dân và một số HTX DVNN ở các huyện Hưng Hà, Thái Thụy, Vũ Thư, Kiến Xương... được đầu tư mua sắm nhiều loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Lê Nguyên Hoài - Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thái Bình, để đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng thì trước hết cần phải làm tốt công tác dồn điền đổi thửa. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tích cực thực hiện công tác dồn điền đổi thửa theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Kết quả đến nay toàn tỉnh cơ bản đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa, vượt chỉ tiêu Đề án của UBND tỉnh và Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy đề ra.

Sau dồn điền đổi thửa, các xã đã giảm được 51% số thửa (501.929 thửa); bình quân mỗi hộ sau khi dồn điền, đổi thửa là 1,7 thửa (trước đây bình quân 3,67 thửa/hộ). Các hộ dân đã tự nguyện đóng góp 2.201ha, quy ra tiền là 199,6 tỷ đồng để thực hiện đào đắp giao thông, thuỷ lợi (chiếm 54,3% tổng kinh phí thực hiện).

Ngày 13-9-2012, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu cấp tỉnh. Có 9 xã được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu với những chính sách hỗ trợ phù hợp của UBND tỉnh như: 50% tiền mua giống; hỗ trợ kinh phí cho cán bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo tổng kinh phí là 75,6 triệu đồng. Hỗ trợ các lớp tập huấn là 674,864 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng đường giao thông nội đồng trục chính, cải tạo, xây mới trạm bơm: 6,593 tỷ đồng và xây kênh mương thuộc phạm vi cánh đồng mẫu: 11,209 tỷ đồng. Hỗ trợ in sổ tay nhật ký đồng ruộng phát cho mỗi hộ 1 quyển, tổng 67,5 triệu đồng.

Nhờ cách làm này, Thái Bình đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Bước đầu các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá với cùng loại sản phẩm có quy mô hàng trăm ha/vùng, như vùng trồng đậu tương, ớt, khoai tây, ngô, lúa chất lượng cao... hiệu quả sản xuất tăng cao hơn so với trước đây. 70 xã điểm được hỗ trợ 100 triệu đồng/xã, đã triển khai sản xuất hàng hóa, trong đó có 43 xã quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá tập trung, tổ chức sản xuất vào vụ đông 2011, trọng tâm là cây khoai tây, rau màu có giá trị, hiệu quả kinh tế cao.

Một trong những điển hình làm ăn lớn trên đồng ruộng phải kể đến là xã Bình Định, huyện Kiến Xương. Ở đó cùng với việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất và cơ giới hóa nông nghiệp, kinh tế hộ phát triển theo hướng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng hiệu quả. Thửa ruộng lớn, bờ vùng, bờ thửa được đắp to, được xây dựng bê tông kiên cố nên việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất rất thuận lợi.

Ông Bùi Ngọc Trìu - Phó chủ tịch UBND xã Bình Định cho biết: “Từ ngày được hưởng các chính sách kích cầu cho nông nghiệp, chúng tôi thấy hiệu quả sản xuất của người dân cao hẳn lên, bằng chứng là đời sống người dân được nâng lên và tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhiều công trình xây dựng trong thôn, trong xã có sự đóng góp của người dân là rất lớn”.

Xã Bình Định đã hình thành 5 vùng chuyên canh sản xuất cây lúa với quy mô 10 - 15ha/vùng. Nhờ được Nhà nước đầu tư cho 9 máy làm đất đa năng (mỗi máy được hỗ trợ 25 triệu đồng) và 6 máy gặt đập liên hợp nên đã giải phóng được một lượng lớn sức lao động của nông dân. Chính vì thế, trong vụ mùa vừa qua, mặc dù gặp phải mưa lớn đúng vào thời điểm lúa chín rộ nhưng việc thu hoạch đã được triển khai một cách nhanh chóng nên người dân không bị mất mát nhiều so với những năm trước đây. Tiếp đến là triển khai sản xuất vụ đông cũng đạt được kết quả khá.

Chúng tôi về Bình Định đúng vào thời điểm người dân thôn Hòa Bình đang ra sức làm con đường bê tông nội đồng cạnh con mương mà thôn đã đầu tư kiên cố hóa cách đó không lâu. Ông Bùi Vĩnh Phúc, người được nhân dân trong thôn cử trực tiếp giám sát tổ thợ làm đường, cho biết: “Cánh đồng này ngày trước chia nhỏ hàng trăm thửa. Nay địa phương làm tốt dồn điền đổi thửa nên ruộng đã được quy hoạch lại thành các vùng sản xuất lớn. Bờ vùng, bờ thửa được đắp to, mương máng được xây kiên cố. Để đưa máy vào sản xuất đạt hiệu quả, chúng tôi ý thức việc cần phải đầu tư làm con đường bê tông này”.

2. Sau 2 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, có thể thấy rằng bên cạnh những mặt được, những mô hình, cách làm sáng tạo đã được hình thành rõ nét, ở một số địa phương cũng còn bất cập. Có thể nêu một số khó khăn bất cập ở một vài địa phương như:  Ở tỉnh Lạng Sơn theo báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh: “Hoạt động của ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã chưa thực sự có hiệu quả, còn nhiều lúng túng. Việc phối hợp giữa ban quản lý cấp xã với phòng chuyên môn cấp huyện còn hạn chế. Một số nhà thầu tư vấn lập quy hoạch còn chậm so với tiến độ đề ra. Một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng xây dựng NTM. Một số thành viên ban chỉ đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, kiểm tra đốc thúc tại cơ sở. Công tác khảo sát đánh giá hiện trạng ở nhiều xã chưa sát với thực tế. Công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng NTM cấp xã còn chậm so với kế hoạch đề ra. Việc đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất ở một số xã sử dụng vốn chưa hiệu quả và không đúng với mục tiêu của chương trình. Các hình thức tổ chức sản xuất phát triển chậm; chất lượng lao động nông thôn còn thấp so với yêu cầu”.

Sau 2 năm, nguồn vốn huy động của tỉnh là 449,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 65,2 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh đến năm 2012 mới bố trí được 69,1 tỷ đồng, trong đó các huyện, xã bố trí 16,6 tỷ đồng, số còn lại phần lớn là từ các chương trình lồng ghép khác và vốn tín dụng, riêng nhân dân đóng góp được 22,3 tỷ đồng. Việc giải ngân nguồn vốn cho chương trình ở các địa phương vẫn còn chậm. Nguyên nhân, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tỉnh là do “cán bộ huyện chưa vào cuộc, cán bộ xã còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện”.

Tỉnh Lạng Sơn có 207 xã, sau 2 năm xây dựng NTM còn 36 xã chưa phê duyệt xong quy hoạch và 85 xã chưa hoàn thành đề án xây dựng NTM. Chính vì thế, toàn tỉnh chỉ mới có 2 xã đạt trên 10 tiêu chí, 37 xã đạt trên 5 tiêu chí và số xã đạt dưới 5 tiêu chí về NTM là 168 xã. Trong đó đáng chú ý là huyện Bình Gia có 20 xã, thị trấn thì có 3 xã đạt 2 tiêu chí và 16 xã mới đạt 1 tiêu chí.

Tỉnh Bình Phước, theo đánh giá của đa số đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai xây dựng NTM thì hoạt động của các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện về xây dựng NTM chưa thường xuyên, chưa phát huy hết vai trò, nhiệm vụ của mình; năng lực đội ngũ cán bộ phụ trách còn hạn chế, năng lực của các đơn vị tư vấn còn yếu… Do đó, tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Lợi đã thẳng thắn phê bình một số thành viên trong ban chỉ đạo tỉnh, huyện vì chưa kịp thời tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết, tháo gỡ những kiến nghị, đề xuất, khó khăn của địa phương.

Tỉnh Bình Định, tiến độ triển khai xây dựng NTM cũng được đánh giá là chậm. Ông Lê Huy Ngọ - Cố vấn Ban chỉ đạo Quốc gia xây dựng NTM cho rằng, tuy Bình Định đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng nhìn chung tiến độ triển khai vẫn chưa đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra.

Nhìn lại, bức tranh trên cho thấy, chương trình xây dựng NTM ở một số địa phương còn có những "gam màu tối”. Vì thế, muốn chương trình này thực sự mạnh lên, huy động được sức dân, đòi hỏi phải có sự vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan chức năng tại địa phương.

Trong điều kiện ngân sách Trung ương hỗ trợ chưa được nhiều, điều quan trọng là địa phương cần biết cách phát triển có hiệu quả các phong trào thi đua và huy động được sức mạnh của nhân dân. Mà muốn làm được điều đó, trước hết cần phải có sự tâm huyết và vai trò tiên phong của người lãnh đạo./.
Nguyễn Văn Hùng
THEO TUYENGIAO.VN
 Tags: hạ tầng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập536
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại839,980
  • Tổng lượt truy cập92,013,709
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây