Học tập đạo đức HCM

Xã viên kiểu mới

Thứ tư - 03/07/2013 06:26
Gần chục năm trước, xã Đạo Tú nổi lên như một điểm sáng về môi trường nông thôn khi thành lập Hợp tác xã vệ sinh môi trường (HTX VSMT) đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc. Đến nay, mô hình HTX kiểu mới này đã nhân rộng ra khắp tỉnh, góp phần cải tạo môi trường ở nông thôn - vấn đề hóc búa của các địa phương hiện nay.

 

Dọn rác cho quê

Kể từ khi HTX dịch vụ điện nước của xã Hoàng Lâu có thêm dịch vụ VSMT, rác ở đây được dọn theo đúng kiểu phố phường, chỗ nào cũng phong quang, sạch đẹp. Dù kiếm đồng tiền ở nông thôn rất khó khăn nhưng không thấy ai phàn nàn về mức phí môi trường 3.000 đồng/người/tháng. Thậm chí, chị Sửu, chủ quán phở trước trụ sở ủy ban xã còn tỏ ý thương bà Thái, một mình phải dọn rác cho cả thôn Vỏ và cái chợ của xã. Chị bảo, bây giờ mà thu thêm tiền môi trường của người bán hàng ở chợ thì họ sẵn sàng nộp thôi, vì ai chả muốn sạch sẽ.

Trước khi có dịch vụ môi trường, xã Hoàng Lâu có 3 thôn tự tổ chức dọn rác, nhưng chỉ dừng lại ở việc thu gom và đốt. Từ năm 2009, tỉnh đầu tư xây dựng năm điểm đổ rác cho xã với tổng diện tích 3.500 m2, hỗ trợ tiền công cho xã viên HTX VSMT, công tác VSMT trở nên chuyên nghiệp hơn. Hoàng Lâu cùng với Đạo Tú nằm trong số các xã đã quy hoạch được địa điểm đổ rác ở huyện Tam Dương.


Thu dọn rác ở nông thôn Tam Dương, Vĩnh Phúc

Cách Hoàng Lâu gần ba chục cây số là “thị trấn làng” Thổ Tang. Gọi là “thị trấn làng” vì xã mới “lên” thị trấn được vài năm, ra khỏi đường phố chính là bắt gặp toàn hành, tỏi, xu hào chân chất thôn quê. Đường xá hầu như lúc nào cũng ngập rác. Phân trâu, phân lợn khăm khẳm. Ấy thế mà chị Hậu, chủ một cửa hàng khô ở chợ Giang – trung tâm buôn bán của thị trấn, vẫn khen: “Chú không biết chứ, vệ sinh thế là khá hơn trước nhiều rồi. Trước á, cứ thoải mái vứt rác ra cửa. Trâu bò bĩnh giữa đường như không. Chả có ai dọn”.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ nhiệm HTX VSMT của thị trấn, cho biết, mỗi tháng, thị trấn này xả ra khoảng 420 tấn rác các loại. Nếu 27 xã viên VSMT của HTX mà nghỉ thì không biết tình hình sẽ thế nào. Để nuôi số lao động này, ngoài phí môi trường và khoản hỗ trợ của tỉnh, hằng năm thị trấn phải trích từ ngân sách mấy trăm triệu đồng chi trả.

Nói về thu nhập của xã viên, ông Hải cười buồn: “Đại hội xã viên quy định là lương của Ban chủ nhiệm cao nhất là 1,5 triệu đồng mỗi tháng, lương làm nửa buổi của công nhân đã là 1,7 triệu đồng, nếu họ làm cả ngày thì nhân gấp đôi, tức là 3,4 triệu đồng mỗi tháng. Thế mà chúng tôi vẫn phải tuyển lao động từ nơi khác đến, chứ người dân thị trấn nhất quyết không làm việc này".


Phương tiện chở rác ở nông thôn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc

Xã viên VSMT ở toàn là nông dân tranh thủ làm thêm lúc nông nhàn, để giữ họ gắn bó với “nghề dọn rác” thật không dễ chút nào. Ông Hải kiến nghị Nhà nước cần hỗ trợ nâng cao thu nhập cho người lao động để họ gắn bó với cái nghề vừa cực nhọc vừa không “oai” này. Ông cũng vui vẻ khoe với chúng tôi hai xe tải chở rác, 17 xe kéo tay và đầy đủ trang bị bảo hộ lao động mà HTX được trang bị. Mới đây, HTX đặt hơn 70 thùng rác ở các điểm công cộng để tiện cho việc thu gom.

Trên đường đi mục sở thị bãi rác thị trấn, chúng tôi gặp chị Thiện, một xã viên của HTX, đang ì ạch kéo chiếc xe cải tiến đầy rác. Loại xe kéo tay chuyên dùng để chở rác ở vùng nông thôn được làm từ hai ống tuýp nước hàn chặt vào một thùng sắt có thành cao, chở được nhiều nhưng rất nặng. Chỉ vào bãi rác rộng 4.000 m2 của thị trấn đã đầy tràn cả lối đi, chị Thiện phân trần: “Nói thật với các bác, xe nặng em cũng chả sợ vì đẩy mãi quen rồi. Hãi nhất là khi trời mưa, nước đen sì từ bãi cứ là chảy ngập ủng”. Chị Thiện ước ao có một chiếc xe chở rác chuyên dụng để người lao động đỡ phải kéo tay vất vả.

Mỗi năm, lượng rác thải của thị trấn tăng 20%, cứ đà này… Biết được điều tôi băn khoăn, các thành viên trong Ban chủ nhiệm HTX đưa tôi ra thăm bãi đổ rác mới rộng 2 ha ở giữa đồng. Công trình đang được thi công, đến nay đã mang hình hài của một trạm xử lý rác khá quy mô với công suất khoảng 40 tấn/ngày, có cả lò ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh, lò đốt rác vô cơ. Vậy là ít nhất 5 năm tới không phải lo chỗ đổ rác cho Thổ Tang nữa.

Phát triển đến đâu, phải dọn rác đến đấy

Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc duy trì được đà tăng trưởng kinh tế khá cao, vùng nông thôn thêm nhiều khởi sắc. Nhưng càng phát triển nhanh thì rác thải nông thôn càng tăng, nhu cầu thu gom và xử lý rác nông thôn càng cấp thiết. Các đô thị đã có Cty môi trường và dịch vụ đô thị làm nhiệm vụ “chỉnh trang sắc đẹp”, còn vùng nông thôn bao la chiếm tới 75% dân số của tỉnh phải trông vào các HTX VSMT hoặc tổ VSMT.


Lò ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh ở Thổ Tang, Vĩnh Phúc

Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Vĩnh Phúc tính toán rằng, hơn 817 nghìn người dân nông thôn thải ra hơn 500 tấn rác mỗi ngày, chưa kể 1,1 triệu tấn rác từ lĩnh vực chăn nuôi. Chỉ riêng việc tìm chỗ đổ rác đã là một thách thức, vì hầu hết các xã đều gặp vướng mắc khi tìm kiếm quỹ đất làm bãi rác. Có nơi tìm được địa điểm thì lại bị người dân phản đối vì không ai muốn nhà mình gần kề nơi ô nhiễm.

Để có được trạm xử lý rác tương đối hoàn chỉnh như Thổ Tang là cả một quá trình tranh luận lâu dài trên bàn nghị sự của Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, xã. Tất cả mọi khâu từ quỹ đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, làm đường vận chuyển, trả lương lao động đều phải thông suốt mới duy trì được mô hình dịch vụ VSMT.

Sau nhiều cố gắng, toàn tỉnh đã bố trí được 236 bãi xử lý rác thải tập trung tại 94 xã với tổng diện tích khoảng 22,5 ha. Đi đầu trong phong trào VSMT nông thôn của tỉnh là Yên Lạc, một huyện thuần nông nhưng đã bố trí đủ diện tích đất đổ rác cho tất cả các xã và xây dựng 15 trạm xử lý rác thải bằng phương pháp ủ rác làm phân hữu cơ. Đối với rác hữu cơ, tỉnh vận động và hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng được khoảng 20.000 hầm biogas.

 

Toàn tỉnh có 76 xã trong tổng số 112 xã hình thành được đội ngũ làm dịch vụ thu gom, xử lý rác thải, trong đó, gần 20 xã có HTX VSMT, hơn 61 xã có tổ dịch vụ VSMT nằm trong HTX dịch vụ điện, nước, môi trường. Mô hình kinh tế tập thể này đã giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động tại chỗ.

Để nhân rộng mô hình dịch vụ VSMT nông thôn, tỉnh thông qua cơ chế hỗ trợ bảo vệ môi trường nông thôn trong giai đoạn 2012-2015, theo đó, mỗi HTX hoặc tổ dịch vụ VSMT được hỗ trợ bình quân 200 triệu đồng/năm. Nhờ "chất xúc tác” này, phong trào thành lập HTX VSMT đang dấy lên khắp các vùng quê tỉnh Vĩnh Phúc. Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Kiệm cho biết tỉnh đã lên phương án mỗi xã có ít nhất một HTX VSMT.

 

Ngày nay, việc xử lý rác bằng cách chôn lấp và phun thuốc đã lạc hậu khi đất nông thôn ngày càng chật chội. Cho nên, về lâu dài phải tính đến phương án xử lý rác triệt để hơn. Hiện nay, các ngành trong tỉnh đang triển khai dự án xây dựng lò đốt rác công suất nhỏ 5-10 tấn/ngày cho khu vực nông thôn, đồng thời nghiên cứu hoàn thiện 2.100 km rãnh thoát nước thải nông thôn. Phương tiện để thu gom rác ở nông thôn cũng được đầu tư nhiều hơn, nay đã có gần 2.000 xe đẩy tay và 48 xe vận tải các loại. Phạm vi thu gom ở địa bàn nông thôn Vĩnh Phúc đạt hơn 70%, trong khi tỷ lệ cả nước là dưới 30%.

Trong tương lai, Nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ để thu hút kinh tế tư nhân vào lĩnh vực này. Đồng thời, cũng phải xác định rõ loại hình "HTX kiểu mới” này (xã viên không phải góp vốn) trong Luật Hợp tác xã, tiến tới xây dựng các mô hình chuẩn của quốc gia. Cũng cần hoàn thiện chế độ, chính sách đối với các ”xã viên kiểu mới”, mà thực chất là những lao công do các HTX VSMT thuê khoán. Có thể nói, bên cạnh các mô hình kinh tế, chính sách văn hóa, xã hội, mô hình dịch vụ VSMT ở nông thôn Vĩnh Phúc đang phát huy hiệu quả, thiết thực góp phần xây dựng NTM.

Hà Hồng Hà
Theo nongnghiep.vn

 Tags: môi trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập572
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại736,509
  • Tổng lượt truy cập93,114,173
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây