Đa dạng các hoạt động hỗ trợ
Là một trong hàng nghìn hội viên được vay vốn qua kênh của HND tỉnh, anh Trần Đông Nam (thôn Quỳnh Trung, phường Đại Yên, TP Hạ Long) cho biết, trước đây gia đình anh chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng từ năm 2011, nhờ sự tư vấn của HND, gia đình quyết định vay 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Mặc dù vốn vay không lớn nhưng đã hỗ trợ phần nào cho gia đình trong việc tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm. Ngoài vay vốn, HND tỉnh còn tổ chức lớp tập huấn ứng dụng chế phẩm sinh học Biowish trong chăn nuôi. Nhờ đó, sau 2 năm vay vốn, nâng cấp ao nuôi và ứng dụng KHCN hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt, tôm ít bị bệnh, doanh thu đạt từ 400-500 triệu đồng/năm. Sau thành công của mô hình nuôi tôm, với sự tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật của HND tỉnh, hiện gia đình đang triển khai thêm mô hình nuôi cá song giống trong lồng bè.
Giai đoạn 2010-2015, cùng với gia đình anh Nam, hàng nghìn hội viên nông dân khác cũng đã được hỗ trợ về vốn và kỹ thuật để mở rộng, phát triển sản xuất. Chỉ tính riêng với nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, HND các cấp đã luân chuyển cho 1.399 hộ vay qua 106 dự án với số tiền 33,892 tỷ đồng. Đến hết năm 2015, tổng nguồn quỹ từ các cấp hội là 18,311 tỷ đồng (so với trước năm 2011, tăng 15,581 tỷ đồng). Trong đó nguồn Trung ương uỷ thác 10 tỷ đồng, nguồn tỉnh 5,210 tỷ đồng, nguồn cấp huyện, xã là 3,101 tỷ đồng. Điều đáng nói là để phát huy hiệu quả nguồn vốn, HND các cấp thực hiện cho vay theo dự án và quản lý theo các câu lạc bộ, tổ liên kết sản xuất. Trong đó, phần lớn các dự án đều hướng đến phát triển các sản phẩm chủ lực của từng địa phương, đang được tỉnh định hướng xây dựng thương hiệu và lựa chọn để phát triển trong chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP).
Cùng với việc duy trì hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân, các cấp hội còn nhận uỷ thác vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các ngân hàng thương mại tạo thêm các nguồn lực hỗ trợ nông dân. Bên cạnh đó, nhằm giúp hội viên nông dân được tiếp cận với vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp có chất lượng tốt, địa chỉ cụ thể, giá cả hợp lý, trong 5 năm qua, các cấp HND trong tỉnh đã phối hợp với Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Anh (Hà Nội) cung cấp 5.181 tấn phân bón theo phương thức trả chậm cho 2.379 lượt hộ hội viên, phối hợp với Công ty Chế biến thức ăn cám Con Heo Vàng tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân và cung cấp sản phẩm trực tiếp đến người sử dụng; phối hợp với Công ty Enzyma cung ứng chế phẩm sinh học tiên tiến phục vụ sản xuất nông, lâm, thuỷ sản; phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn các hộ có đủ điều kiện để hỗ trợ 111 máy nông nghiệp các loại phục vụ sản xuất...
Phát huy vai trò tổ chức Hội
Không chỉ đa dạng các hoạt động hỗ trợ, phát huy vai trò của tổ chức Hội, năm 2015, lần đầu tiên HND tỉnh đã chủ động ký kết chương trình hợp tác với 12 sở, ngành để cùng triển khai nhiều hoạt động trọng tâm liên quan đến phát triển nông nghiệp mang lại những lợi ích thiết thực cho hội viên, nông dân. Với mỗi sở, ngành, nội dung phối hợp đều được xây dựng một cách chi tiết, cụ thể kèm theo mục tiêu và lộ trình thực hiện. Đơn cử như với Sở LĐ-TB&XH và Ban Dân tộc tỉnh đã đẩy mạnh các mô hình giảm nghèo bền vững và đào tạo nghề cho nông dân; Sở KH&CN hỗ trợ nông dân được tham gia xây dựng thương hiệu nông sản, ứng dụng KHCN trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; Sở Công Thương triển khai hướng dẫn nông dân giới thiệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản tại các hội chợ; Ban Xây dựng nông thôn mới định hướng cho nông dân sản xuất các sản phẩm OCOP một cách bền vững...
Để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nông dân và những vấn đề nông dân quan tâm, HND tỉnh đã duy trì tổ chức các cuộc đối thoại giữa Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành với nông dân, chủ trang trại; phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ NN&PTNT) tổ chức tập huấn cho các chủ trang trại, gia trại, hộ nông dân về những chính sách mới liên quan đến phát triển kinh tế nông nghiệp, phổ biến kinh nghiệm, cách làm mới để giúp cho các hộ nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết về khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất đạt kết quả; phối hợp với các nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức các cuộc đối thoại, giải đáp về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh thông qua việc tổ chức chương trình nhịp cầu nhà nông đã được hội viên nông dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia; tổ chức cho đại diện các HTX, hội viên tiêu biểu tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành khác trong nước. Với những cách làm mới và thiết thực này, nhiều hội viên nông dân đã tìm thấy chỗ dựa vững chắc từ tổ chức Hội. Qua đó tạo sự tin tưởng, gắn bó, tích cực tham gia các phong trào thi đua do tổ chức Hội phát động.
Ông Bùi Minh Thanh, Phó Chủ tịch HND tỉnh, cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm. Đồng thời, tập trung huy động, tạo các nguồn lực hỗ trợ nông dân về vốn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, lựa chọn các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp có chất lượng, uy tín để triển khai các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cung ứng các sản phẩm theo phương thức thuận lợi nhất cho nông dân.
Hoàng Nga
Nguồn: baoquangninh.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã