Mô hình trồng su su theo chuẩn VietGAP tại xã Hồng Thái, huyện Na Hang |
Là địa phương có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế nông nghiệp, vì vậy tỉnh Tuyên Quang cần phát huy lợi thế để phát triển lâu dài, bền vững.
Tái cơ cấu hiệu quả
Sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, sản xuất nông nghiệp, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều dấu ấn đáng kể. Trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản bình quân giai đoạn 2013-2017 tăng 4,9%/năm. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 11.282 tỷ đồng.
Đạt được kết quả này, 5 năm qua tỉnh đã xây dựng, điều chỉnh 9 quy hoạch như: Quy hoạch sử dụng đất đai, đất lúa; quy hoạch phát triển trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, vùng nguyên liệu mía đường; quy hoạch tổng thể bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh; xây dựng và tổ chức thực hiện 7 đề án; thực hiện sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp; các đề án bảo vệ môi trường nông thôn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ được thực hiện đảm bảo tiến độ.
Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đều ghi nhận những kết quả tích mà ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đạt được. Nhiều sản phẩm nông sản của Tuyên Quang đã có thương hiệu và giá trị kinh tế. Đến nay tỉnh đã có 37 sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa, tăng 31 sản phẩm so với năm 2013; có 17 sản phẩm truy suất nguồn gốc, gồm: Cam sành, bưởi, chè, thịt lợn tươi sống, rau, dưa lê của 11 HTX, trang trại trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ chỉ dẫn địa lý cho Cam sành Hàm Yên.
Thu hút đầu tư, phát triển bền vững
Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong 5 năm, tỉnh đã mời gọi thu hút đầu tư 24 dự án phát triển sản xuất, chế biến nông lâm sản, với tổng số vốn cam kết trên 5.766 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư lớn, như: Công ty cổ phần tập đoàn TH đầu tư trang trại 20.000 con bò sữa và Nhà máy sữa công nghệ cao 300 tấn sản phẩm/ngày; Công ty cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam đầu tư tổ hợp sản xuất giống, quy mô 60.000 gà bố mẹ, 4.800 con lợn nái; Công ty cổ phần Hồ Toản đầu tư trang trại bò sữa, quy mô 1.000 con bò sữa con; Công ty TNHH Trường Thọ Việt Nam đầu tư Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, công suất 200.000 tấn sản phẩm/năm; Công ty cổ phần Woodsland đầu tư Nhà máy chế biến gỗ, công suất 150.000 m3/năm.
Điều chỉnh cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư công và ban hành chính sách cho phát triển nông nghiệp hàng hóa, tỉnh ban hành 7 chính sách về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển chăn nuôi nông hộ, phát triển HTX, phát triển trang trại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Vốn đầu tư cho nông nghiệp giai đoạn 2013-2017 là 1.653,6 tỷ đồng, chiếm 18,7% tổng vốn vốn đầu tư phát triển. Nhờ đó sản lượng các sản phẩm chủ lực tăng cao. Như sản lượng cam đạt 70.000 tấn/năm, tăng 33,29%/năm; sản lượng chè 65.800 tấn/năm, tăng 3,3%/năm; sản lượng mía 643.300 tấn/năm, tăng 1%/năm; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 800.000 m3/năm, tăng 27%/năm; sản lượng cá đặc sản 300 tấn/năm, tăng 7,6%/năm; chăn nuôi tập trung tăng 21,4%/năm.
Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường và các đại biểu thăm dây chuyền sản xuất gỗ tại công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang |
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, song kinh tế nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang vẫn còn những tồn tại nhất định như: Tỉnh đã tăng cường thu hút đầu tư từ kinh tế tư nhân, nhưng hiện nay tỉnh còn khó khăn về vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, đường nội đồng, vốn tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Số hợp tác xã và doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc có hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm với người dân còn ít. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết chiếm tỷ lệ thấp. Việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm còn ít. Xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chưa thực sự hiệu quả. Đây cũng là vấn đề mà Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và các đại biểu đề nghị tỉnh Tuyên Quang cần lưu ý đảm bảo nông nghiệp Tuyên Quang thực sự là nền kinh tế thế mạnh, lâu dài trong tương lai.
Tại buổi làm việc, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang tiếp thu ý kiến đóng góp của đồng chí Bộ trưởng và các đại biểu. Tỉnh xác định việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế là quá trình lâu dài, nhiều nhiệm kỳ. Trong đó đặc biệt chú trọng việc đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất gắn với các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường thu hút hợp tác đầu tư, đảm bảo nền nông nghiệp Tuyên Quang phát triển bền vững góp phần đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo: Đào Thanh/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;