Học tập đạo đức HCM

Bơ, cây trồng mới ở đồng bằng sông Cửu Long

Thứ năm - 25/06/2020 19:11
Hiện nay, nhiều nhà vườn ở ĐBSCL đã mạnh dạn trồng thử cây bơ. Bước đầu, thấy bơ phát triển phù hợp tại vùng đất này.
Bơ 034, một trong những giống bơ nhiệt đới chất lượng tốt, giá bán cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Bơ 034, một trong những giống bơ nhiệt đới chất lượng tốt, giá bán cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Năng suất tốt, giá trị cao

Bơ là một loại trái cây có nguồn gốc từ Mê-hi-cô được du nhập vào nước ta từ những năm 1940. Bơ thích khí hậu mát mẻ, đất thoát nước tốt nên chúng được trồng phổ biến ở vùng cao nguyên như Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đồng Nai…

Hiện bơ có rất nhiều giống như: Bơ 034, bơ sáp, Hass, Booth… Đặc biệt, một nhà vườn ở Bến Tre còn cho ra đời một giống bơ mới cho trái sớm. Đó là bơ Thanh Sơn. Tùy vào giống bơ mà khả năng thích nghi sẽ khác nhau.

Trái bơ là một loại nông sản được yêu thích ở mọi nơi. Điển hình nhất, món sinh tố bơ thường xuất hiện trong thực đơn đồ uống tại các quán cà phê, nhà hàng. Chúng được yêu thích bởi vị béo đặc biệt. Khi bơ chín có thể ăn chung với đường, bánh mỳ hoặc xay nhuyễn làm sinh tố bơ. Ngoài ra, bơ còn được dùng để làm gia vị, mỹ phẩm và dược phẩm.

Theo các tài liệu nghiên cứu đã công bố, khi ăn 100 g bơ cơ thể bạn sẽ được cung cấp 160 kcal năng lượng, 8,53 g carbohydrat, đường 0,66g, chất xơ 6,7 g, chất béo 14,66 g, đạm 2 g. Các vitamin nhóm B, C. Các khoáng chất như: can-xi, sắt, mangan, kali, phốt pho, kẽm...

Trái bơ là một loại nông sản có giá trị kinh tế cao. Hiện mỗi ki-lô-gam bơ có giá bán từ 60.000 – 100.000 đồng tùy vào thời điểm, giống bơ và kênh phân phối. Giống bơ 034 đang trồng ở nhiều nơi có giá bán lẻ loại 1 (2-3 trái/kg) từ 65.000-75.000 đồng; loại 2 khoảng 50.000-60.000 đồng.

Gần đây, các nhà vườn ở miền Tây đã chú ý đến cây bơ nhiều hơn, xem như đây là một loại cây trồng kinh tế mới. Nhiều bà con đã đưa cây bơ về đồng bằng.

Tuy nhiên, nhiều người trồng chưa có kinh nghiệm đã nhanh chóng chán nản vì cây không đậu trái.

Nói về nguyên nhân này, anh Nguyễn Minh Bằng, một nhà vườn có kinh nghiệm tại xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Tôi trồng giống bơ 034 ở đây là trên 8 năm rồi. Trồng khoảng 2,5-3 năm thì cây cho trái. Khoảng tháng 10-11 khi lá già mình cắt nước là cây vọt ra bông.

Khi đậu trái bằng ngón tay cái ở giai đoạn này cũng cần phải cắt nước hết. Khi ra bông mà mình giữ được nước không cho nó vô thì trái đậu khủng khiếp, phải hái bỏ bớt. Còn giữ không được để nước vô là nó sẽ rụng còn ít hoặc là rụng hết luôn.

Có rất nhiều bà con trồng cây bơ trước tôi muốn đốn nhưng mà không nỡ vì thấy bông nhiều. Tôi đã chia sẻ kinh nghiệm này nên mấy năm nay họ làm có trái, rất mừng”.

Anh Nguyễn Minh Bằng giới thiệu giống bơ 034. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Nguyễn Minh Bằng giới thiệu giống bơ 034. Ảnh: Minh Đảm.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam chia sẻ, ông mừng rơi nước mắt vì cây bơ đã cho trái được ở ĐBSCL. Trước đó, ông không nghĩ cây bơ trồng tại đây có thể cho trái, lại còn năng suất cao, chất lượng rất tốt nữa. Đây sẽ là một lựa chọn cho người dân chuyển đổi, phát triển kinh tế.

Đánh giá về giống bơ 034, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, cho biết: “Thứ nhất là chất lượng ngon. Thứ hai là năng suất cao. Mỗi cây cho đến 200 kg. Thứ ba, thời gian thu hoạch của bơ kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8. Giá bán cũng cao nữa. Vì vậy, nông dân có tiền liên tục”.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam cho biết: Mấy năm gần đây, có rất nhiều giống bơ tốt từ Mỹ đã xuất hiện tại Việt Nam. Ví dụ như BOOTH, 034, 036, TA 1, TA 40, Hass, Lamb Hass, Pinkerton, Reed, Gem, Duke, Dusa…

Nhưng để phát triển bơ cần có mô hình trồng đúng kỹ thuật, hướng dẫn nên thu hoạch trái bơ vào lúc nào. Bên cạnh đó là hệ thống vườn ươm, sản xuất cây giống sạch bệnh với các giống ghép kháng được bệnh xì mủ. Ngoài ra, cần xây dựng các nhà đóng gói để có trái bơ chín đồng đều đưa vào siêu thị như ở các nước tiên tiến.

Giống bơ lùn siêu sớm

Báo NNVN từng giới thiệu đến bạn đọc giống bơ lùn siêu sớm Thanh Sơn. Đây là giống bơ cơm dày, dẻo, được một nông dân nghiên cứu và giới thiệu hơn một năm nay. Cuối mùa khô này, chúng tôi trở lại vườn của tác giả giống, ông Nguyễn Thanh Sơn ở ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Ông Nguyễn Thanh Sơn giới thiệu giống bơ lùn siêu sớm. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Thanh Sơn giới thiệu giống bơ lùn siêu sớm. Ảnh: Minh Đảm.

Đây là giống bơ lùn, cho trái sớm. Giống có ưu điểm trái to, cơm dày, hạt bé, khi trái chín chuyển sang màu tím rất dễ nhận biết. Vỏ quả dày dễ dàng vận chuyển, đặc biệt cây lùn khoảng 2m, rất dễ chăm sóc, thu hoạch trái.

Tại vườn của nhà nông này hiện đang có khoảng 100 cây bơ lùn siêu sớm đang cho trái. Trái sai trĩu cành, lúc lỉu trên cây nhìn rất mê mắt. Giống bơ Thanh Sơn còn chứng tỏ được khả năng chịu hạn, mặn rất tốt. Vừa qua, ở đây cũng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Nhiều cây như chôm chôm, sầu riêng chết vì mặn nhưng cây bơ vẫn đứng vững.

Bơ Thanh Sơn, cơm dày, cho trái sớm. Ảnh: Minh Đảm.

Bơ Thanh Sơn, cơm dày, cho trái sớm. Ảnh: Minh Đảm.

Tại thị trấn Chợ Lách, ông Sơn cũng có khu đất trồng khoảng 100 cây bơ này. Có lần, ông Sơn tưới nhầm nước mặn cây bị cháy lá nhưng sau đó phục hồi rất nhanh. Đến nay, cây đã phát triển trở lại bình thường.

Không chỉ thích nghi tốt tại vùng đất phù sa ở Bến Tre, giống bơ lùn siêu sớm còn được nhà nông Sáu Tùng ở cầu số 4, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau mua về trồng thử nghiệm. Sau hai năm trồng, mỗi cây ông Sáu thu được khoảng 90 trái, bình quân mỗi trái nặng khoảng 700 gram.

Cây bơ Thanh Sơn trồng tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Minh Đảm.

Cây bơ Thanh Sơn trồng tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Sáu Tùng nói: “Tôi không biết ở đây trồng cây ăn trái có được không nên đã mua mỗi loại một ít cây giống về trồng thử. Thấy trồng được cây bơ Thanh Sơn, nhãn, chanh, dừa. Có thử trồng sầu riêng nhưng đợt hạn mặn này nó chết rồi.

Như cây bơ Thanh Sơn này trồng đến nay đã hai năm, tôi để được gần 60 kg/cây. Thời gian tới, tôi sẽ cải tạo lại xung quanh bờ vuông để trồng bơ. Ở giữa thì nuôi tôm”.

Bơ là một loại cây có giá trị kinh tế cao nhưng bà con miền Tây trước đây chưa mạnh dạn phát triển vì cứ nghĩ là loại cây của miền Đông, Tây Nguyên.

Hiện nay, trước xâm nhập mặn và khô hạn đang diễn ra gay gắt tại ĐBSCL thì bơ được đánh giá là một loại cây trồng có tiềm năng ở vùng đất này. Nếu nghiên cứu tìm hiểu kỹ càng thì đây có thể là cây trồng kinh tế ở ĐBSCL.

Giống bơ 036 cũng trồng được tại ĐBSCL. Ảnh: Tùng Đinh.

Giống bơ 036 cũng trồng được tại ĐBSCL. Ảnh: Tùng Đinh.

Một số lưu ý khi trồng bơ ở ĐBSCL

Anh Nguyễn Minh Bằng, ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre chia sẻ thêm: Trong quá trình trồng thì cây bơ sẽ bị rầy, rệp tấn công vì vậy bà con nên đề phòng.

Bà con trồng bơ chỉ nên trồng chuyên canh không nên trồng xen để xử lý nước được tốt, giúp cây dễ đậu trái hơn. Chỉ cần chú ý tạo khô hạn cho cây là cây có thể ra hoa đậu trái, rất đơn giản.

Khi trồng bơ nhà nông có thể trồng lựa chọn cây chiết cành, hoặc ghép cành. Đa số các nhà làm cây giống hiện nay ở ĐBSCL đều cung cấp giống cây ghép cành.

Khoảng cách trồng nên từ 4-6m/cây. Mỗi ha được khuyến cáo trồng từ 200-400 cây. Bà con trồng bằng cách đào hố sâu khoảng 50cm. Dưới hố chuẩn bị sẵn phân hữu cơ đã ủ hoai, mục.

Khi trồng tùy vào tình trạng của cây mà có cách chăm sóc thích hợp. Nên bón thúc ở thời điểm lá già chuẩn bị ra cơi đọt mới. Trong quá trình trồng và ra hoa bà con không nên bón phân và phun thuốc BVTV tránh tình trạng sốc cây.

Tùy vào tình trạng cây mà bà con nên để lượng trái phù hợp. Trong quá trình trồng bà con nên chú ý tỉa cành tạo tán phòng ngừa các loại dịch bệnh tấn công.

Theo Minh Đảm - Trọng Linh - Hoàng Vũ/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập220
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm219
  • Hôm nay15,194
  • Tháng hiện tại486,932
  • Tổng lượt truy cập92,864,596
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây