Quảng Lộc là xã nằm ở vùng cồn bãi giữa hai nhánh sông Gianh nên từ lâu được xếp vào diện vùng khó khăn.
Vốn theo đuổi nghề nông, việc canh tác, sản xuất luôn bị thiên tai làm ảnh hưởng nên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thử thách. Khi bắt tay vào xây dựng NTM, có thể nói Quảng Lộc bắt đầu từ con số không.
Chính vì vậy, Bí thư Đảng ủy xã Phạm Chí Thanh nói ví von: “Quảng Lộc xác định xây dựng NTM phải bắt đầu từ mỗi người, mỗi nhà. Bắt đầu xây dựng chương trình hành động bằng những phong trào thiết thực như nhà sạch, ngõ đẹp, tổ tự quản, vệ sinh đường làng, ngõ xóm”...
Nhờ tuyên truyền xây dựng NTM, đến các phong trào hỗ trợ đã làm cho người dân Quảng Lộc có niềm tin và bắt tay cùng chung sức chung lòng.
Ông Lê Văn Thị (xã Quảng Lộc) năm nay đã gần 80 tuổi, nói: “Từ cán bộ đến người cao tuổi đều có trách nhiệm động viên con cháu hết lòng để xây dựng quê hương thoát khỏi đói nghèo”.
Từ niềm tin trở thành sức mạnh, giai đoạn từ năm 2011 đến nay, người dân xã Quảng Lộc đã hiến gần 4.000 m2 đất các loại, đóng góp gần 2.000 ngày công lao động để khắc phục, sửa chữa, nạo vét kênh mương và tu sửa đường nội thôn, nội đồng.
Dù còn nghèo, nhưng người dân đã chung sức, đồng lòng động viên con em ở xa góp thêm sức lực. Nói về sự đóng góp này, ông Lê Văn Tương, Chủ tịch UBND xã cho hay, toàn xã đã huy động các nguồn lực đầu tư gần 50 tỷ đồng xây dựng NTM. “Trong đó, gần 7 tỷ đồng do nhân dân và các tổ chức, cá nhân trong, ngoài xã đóng góp, ủng hộ”, ông Tương nói.
Ông Phạm Chí Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), cho hay: “Chúng tôi đăng ký về đích nông thôn mới (NTM) trong năm 2020. Hiện chúng tôi còn 3 tiêu chí đang phấn đấu đến cuối năm phải hoàn thành”.
Từ việc về nhà phải qua đò, đi trên con đường đất lầy lội… bên những ngôi nhà tạm thì nay bộ mặt nông thôn Quảng Lộc đã khoác lên mình một diện mạo mới khác biệt.
Bây giờ, hệ thống điện, đường, trường trạm được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Những ngôi nhà kiên cố, khang trang, những con đường bê tông rộng rãi cho ô tô xuôi ngược. Chiếc cầu bê tông vững trãi nối hai bờ thuận tiện đi lại, thông thương hàng hóa.
Khi được hỏi về những bí quyết xây dựng NTM, ông Lê Văn Tương cho rằng, mọi tiêu chí được triển khai theo kiểu “con nhà nghèo” với phương châm “dễ trước, khó sau, không trông chờ ỷ lại”.
Ông Tương nói: “Đó là khi chính quyền xã đã thực hiện phương châm ưu tiên những tiêu chí dễ làm trước, như các tiêu chí điện, y tế, thủy lợi, hình thức tổ chức sản xuất; đồng thời, lồng ghép với những tiêu chí khó để tiến hành cùng lúc. Qua đó, khi tiêu chí dễ hoàn thành thì trong đó đã mang hình hài của việc thực hiện tiêu chí cao hơn, khó hơn”.
Chúng tôi về thôn Cồn Sẻ, nơi mà cách đây vài năm trước nổi tiếng vì… nghèo. Trước đây, Cồn Sẻ là địa chỉ thường đến của các đoàn công tác cứu trợ xã hội. Mấy năm gần đây, người dân trong thôn phát triển nghề nuôi cá lồng ven sông Gianh cho thu nhập cao. Mỗi năm, nuôi cá lồng đã cho nguồn thu trên 30 tỷ đồng.
Khi đã dành dụm được, người dân thôn Cồn Sẻ đóng tàu lớn đi biển. Hiện đội tàu biển xa bờ 54 chiếc, tạo công ăn việc làm và cho thu nhập cao, ổn định cho hàng trăm lao động. Ông Nguyễn Xuân Hoàn, trưởng thôn cho biết, thôn có trên 800 hộ với trên 4 ngàn nhân khẩu. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 60% tổng số hộ.
“Nhờ kết hợp nuôi cá lồng, khai thác nghề biển và làm dịch vụ nên kinh tế thôn phát triển mạnh. Hiện chỉ còn 24 hộ xếp vào diện hộ nghèo mà thôi. Cả thôn có 79 hộ cận nghèo đang cố gắng vươn lên để đời sống ngày càng tốt hơn”, ông Hoàn cho hay.
Bắt tay xây dựng NTM, kết hợp nhiều nguồn vốn và dân đóng góp, thôn Cồn Sẻ đã mở rộng, bê tông hơn 3,5 km đường giao thông thôn xóm. “Trong đó, người dân góp đất, góp công, tiền gần 3 tỷ đồng”, ông Hoàn cho hay.
Quảng Lộc bây giờ đã đổi thay bởi kết cấu hạ tầng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Khu trung tâm xã được quy hoạch rộng rãi với trường học, trường mầm non liền kề khu vui chơi, sân vận động. Đời sống người dân được cải thiện với thu nhập bình quân 34 triệu đồng/người/năm. Toàn xã có gần 2.300 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,6% tổng số hộ.
Để về đích NTM trong năm nay, ngay từ đầu năm 2020, xã Quảng Lộc đã huy động mọi nguồn lực tập trung thực hiện 3 tiêu chí giao thông, cơ sở vật chất văn hóa và trường học.
Đối với tiêu tiêu chí giao thông, Quảng Lộc đang tập trung bê tông hóa hơn 2km đường ngõ xóm các thôn và 750m tuyến đường nội đồng thôn Vĩnh Phước với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. “Hiện chúng tôi đã làm xong hồ sơ, thủ tục và sẽ triển khai nhanh để hoàn thành sớm”, ông Lê Văn Tương cho biết thêm.
Về các tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã đang tiến hành sửa chữa, cải tạo các thiết chế văn hóa; mở rộng hội trường nhà văn hóa thôn Vĩnh Phước; xây cổng, hàng rào, sân hội trường thôn Cồn Sẻ; nâng cấp sân sau trụ sở UBND xã và hội trường nhà văn hóa… cũng đã được cấp trên phê chuẩn và hoàn thành các thủ tục hồ sơ.
Cũng theo ông Lê Văn Tương, thời gian chậm trễ do phòng chống dịch Covid-19 và sau đó thì nắng nóng kéo dài. “Nhưng cơ bản chúng tôi đã lo xong thủ tục, nguồn vốn. Việc còn lại là triển khai thi công chỉ trong vòng vài tháng. Do đó, việc hoàn thành đủ 19 tiêu chí trong năm nay là điều chắc chắn”, ông Lê Văn Tương nói.
Nhìn nhận sự đổi thay trên quê hương, ông Lê Văn Hựu (một người dân thôn Cồn Sẻ) nói: “Xây dựng NTM đã tạo cho làng quê chúng tôi sự thay đổi nhanh chóng theo hướng đi lên. Đa phần người dân không còn lo ăn, lo mặc nữa mà đang vươn lên làm giàu”.
Khó khăn lớn nhất đối với xã Quảng Lộc là hoàn thành tiêu chí trường học. Theo đó, xã có 1 trường đạt chuẩn quốc gia và một trường đã xét qua vòng 1.
“Thời gian tới, xã phấn đấu hoàn thiện các hạng mục, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho các trường còn lại để sớm được công nhận đạt chuẩn theo lộ trình”, ông Phạm Chí Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lộc, cho hay.
Theo Tâm Phùng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã