Học tập đạo đức HCM

Cẩm Khê: Tích tụ ruộng đất, giải pháp trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Thứ hai - 16/11/2020 02:34
Toàn huyện Cẩm Khê có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 14.557ha, trong đó đất trồng lúa 7.619ha với 25.700 hộ sản xuất nông nghiệp, bình quân 8,3 thửa/hộ, có thửa rộng chỉ hơn 20m2. Trong thời gian qua, huyện đã tập trung tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn và vùng sản xuất chuyên canh tập trung, gắn với phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, góp phần tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác. Từ đó đem lại hiệu quả, tạo bước tiến mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở huyện, gắn với bảo đảm việc làm, thu nhập của nông dân, giữ vững ổn định chính trị xã hội ở nông thôn.

Khắc phục tình trạng nông dân bỏ hoang hóa đất nông nghiệp

Tại cánh đồng Ngoài của 2 xã Văn Khúc, Yên Dưỡng, diện tích trải dài, song mỗi hộ dân lại phải canh tác trên các thửa ruộng nhỏ chỉ ngót nghét trăm mét vuông, thậm chí nhỏ hơn. Gia đình bà Trần Thị Huệ ở khu Quang Trung, xã Văn Khúc có 1 mẫu ruộng nhưng ở 6 xứ đồng khác nhau nên rất vất vả trong canh tác. Chính vì thế, gia đình bà chỉ cấy vụ chiêm, vụ mùa bỏ trắng hoàn toàn, đa số thả trâu bò.

Tại cánh đồng xã Phú Khê tình trạng ruộng manh mún nhỏ lẻ, nông dân bỏ ruộng đi làm công nhân khu công nghiệp và các công việc khác những năm gần đây tăng cao. Ông Đỗ Văn Công - người dân khu Đoài Ngoài cho biết: Vì ruộng đất manh mún nên việc thuê cấy, thuê máy bừa không tiện lợi nên người dân chúng tôi bỏ ruộng để làm việc khác khá nhiều.

Tình trạng nông dân không mặn mà với đồng ruộng có nhiều nguyên nhân, do mức thu nhập không tương xứng với công sức bỏ ra; điều kiện sản xuất ở một số xã còn gặp nhiều khó khăn; xu thế tất yếu dịch chuyển lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ…. Ngoài ra, việc giao đất nông nghiệp ổn định lâu dài cho các hộ từ năm 1993 còn manh mún, xen kẽ, khó canh tác, khó đầu tư thâm canh.

Trước thực trạng này, Ðảng bộ huyện Cẩm Khê đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ dồn đổi, tích tụ ruộng đất, tạo tiền đề để thực hiện khâu đột phá về sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.

Năm 2017, xã Tình Cương (nay là xã Hùng Việt) là xã đầu tiên thực hiện đồng bộ việc dồn đổi, tích tụ ruộng đất quy mô toàn xã, được đánh giá là thành công toàn diện. Sau khi thực hiện dồn đổi, người nông dân trong xã phấn khởi canh tác trên những thửa ruộng lớn, nhờ đó, cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật được ứng dụng đồng bộ trong tất cả các khâu sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn.

Từ sự thành công của xã Tình Cương, năm 2018 huyện Cẩm Khê tiếp tục triển khai công tác dồn đổi, tích tụ ruộng đất tại xã Phùng Xá, Phương Xá, Đồng Cam (nay là xã Minh Tân). Tại Minh Tân, đã có 2.266 hộ tham gia dồn đổi gần 341ha đất nông nghiệp. Trước kia xã có 12.258 thửa ruộng, sau khi dồn đổi còn 2.898 thửa, giảm 9.360 thửa, bình quân chỉ còn 3 thửa/hộ, thửa có diện tích lớn nhất 18.000m2; thửa có diện tích nhỏ nhất 340m2, đã tạo thuận lợi trong sản xuất. Người dân nơi đây đã đầu tư máy móc cơ giới hóa vào các khâu làm đất, gieo xạ, tưới tiêu, thu hoạch, giải phóng sức lao động, thời gian cho đồng ruộng, năng suất cây trồng được nâng cao.

Đến nay, tại các xã  thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất đã tạo ra nền tảng cơ bản để thực hiện định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn. Hơn nữa, ngày càng có nhiều cá nhân, công ty, doanh nghiệp, Hợp tác xã quan tâm đứng ra tích tụ, bằng các hình thức: Mua đất, thuê quyền sử dụng đất, liên kết các hộ dân góp đất sản xuất đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, với mục tiêu tạo ra sản phẩm nông nghiệp quy mô hàng hóa có số lượng lớn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Những điểm sáng trong tích tụ ruộng đất

Chương Xá là xã có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn; tuy nhiên lâu nay bị chia nhỏ nên hiệu quả sản xuất thấp. Một số hộ dân trong xã đã mạnh dạn thuê lại diện tích đất nông nghiệp của nhiều hộ dân xung quanh không có nhu cầu sản xuất với thời gian từ 10 đến 20 năm. Sau khi tích tụ được diện tích trên 30ha, các hộ tiến hành trồng chuối tiêu hồng, măng tây, rau rừng, cung cấp cho thị trường  ở các đô thị, các tỉnh miền xuôi và xuất khẩu.

Nhận thấy cây măng tây xanh có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập tốt cho người dân, HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ đã mạnh dạn thực hiện thuê gom lại trên 3ha ruộng khan nước và đất đồi của bà con tại khu 6, xã Chương Xá. HTX đã đầu tư gần 1 tỷ đồng thuê đất, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất sản xuất và mua hạt giống măng tây xanh nguồn gốc từ Mỹ về ươm trồng. Người dân cho thuê đất có nguồn thu đều đặn hằng năm từ việc cho thuê đất, đồng thời được HTX nhận vào làm canh tác ngay trên thửa đất của mình với mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng.

HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ thuê đất đầu tư phát triển măng tây xanh nguồn gốc từ Mỹ

Tại xã Văn Khúc, cấp ủy, chính quyền xã khuyến khích người dân chuyển những chân ruộng trũng thấp, trồng lúa kém hiệu quả, đồng thời dồn đổi, tích tụ thành thửa lớn để nuôi trồng thủy sản chuyên canh hoặc sản xuất 1 vụ lúa, 1 vụ cá, tôm. Nhiều hộ gia đình tích tụ đất với diện tích mặt nước trên 3.000m2 liền bờ, liền thửa nên người dân Văn Khúc đã đưa vào sản xuất các giống thủy sản mới có giá trị kinh tế cao như: Tôm càng xanh, cá trắm đen, cá chép lai V1, ốc nhồi… Không ít gia đình còn đầu tư hệ thống máy sục khí, áp dụng công nghệ mới, chủ động kiểm soát dịch bệnh, nâng năng suất cao gấp 1,5 đến 2 lần so với nuôi cá theo phương pháp truyền thống, đưa giá trị thu nhập của 1ha nuôi chuyên thủy sản lên đạt bình quân 110 triệu đồng/năm, giá trị cao hơn gấp nhiều lần so với cây lúa.

Được sự hỗ trợ từ UBND huyện, 15 hộ dân tại xã Minh Tân vừa góp, vừa thuê được 4.000m2 đất để thành lập HTX Nấm Đồng Cam với vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng. HTX chủ yếu là sản xuất và chế biến các loại nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ, nấm hương, nấm linh chi, mộc nhĩ; mỗi năm cho sản lượng trên 20 tấn các loại, tạo công ăn việc làm cho 20 công nhân lao động là người dân của địa phương với thu nhập bình quân đầu người từ 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó còn có nhiều gia đình đã mạnh dạn thuê đất sản xuất nông nghiệp để phát triển các mô hình kinh tế mang lại giá trị cao như hộ gia đình anh Hà Quang Chung ở khu 3, xã Minh Tân với mô hình trồng rau an toàn trong nhà màng; trang trại của ông Phạm Hồng Diến ở khu Đoàn Kết, xã Cấp Dẫn rộng 10 ha trồng bưởi Diễn và nuôi gà đồi, nuôi lợn sạch, thả cá; HTX Chăn nuôi Quốc Anh đứng ra thuê đất của các hộ dân trong xã với diện dích gần 50.00m2 để nuôi chim bồ câu Pháp, tạo việc làm cho hơn 30 lao động chính từ những người cho thuê đất với mức lương trung bình 6 triệu đồng/tháng…

Thành công từ những điểm sáng mô hình tích tụ ruộng đất đã cho thấy đây là một chủ trương hoàn toàn đúng và phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay nên cần tiếp tục được nhân rộng. Việc thực hiện mô hình đã tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm dần tập quán canh tác nhỏ lẻ, góp phần tạo cơ sở để sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP. Từ đó tạo điều kiện tối đa cho người nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng và cải thiện đời sống.

Giải pháp đột phá trong tích tụ ruộng đất, hướng đi mới để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Trong quá trình tích tụ ruộng đất, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và người dân còn gặp khó khăn về “hạn điền”, quy định việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong hạn mức theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa; việc cho thuê lại quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất đã được Luật Đất đai quy định nhưng chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể, nhất là thủ tục giấy tờ liên quan khi dùng quyền sử dụng đất để góp vốn.

Trang trại của ông Phạm Hồng Diến ở khu Đoàn Kết, xã Cấp Dẫn rộng 10ha trồng bưởi Diễn

Bên cạnh đó, nhiều người dân không muốn chuyển nhượng quyền sử dụng ruộng, đất cho chủ thể khác mặc dù đất bỏ hoang. Việc tuyên truyền, vận động dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất một số nơi đạt kết quả thấp, còn mang tính hình thức. Một số doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân gặp khó khăn về vốn đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Khê lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Bà Trần Thị Thu Hưởng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Khê cho biết: Phòng đang tham mưu với BCH Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết về sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững giai đoạn 2020 - 2025. Theo hướng này sẽ hình thành các vùng sản xuất theo hướng chuyên canh tập trung, thâm canh cao, hình thức sản xuất các hộ gia đình, các HTX và phát triển các tổ hợp tác để sản xuất đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay. Đặc biệt trong tích tụ ruộng đất, những chỗ đã dồn đổi quy mô lớn cũng sẽ được huyện quan tâm hỗ trợ khuyến khích tổ chức thực hiện mang tính sản xuất liên kết đưa sản phẩm nông nghiệp lên giá trị cao hơn.

Nhiệm vụ giải pháp đặt ra trong thời gian tới là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với phát triển nông nghiệp. Với diện tích khu vực dồn đổi, tích tụ có quy mô lớn, tập trung, UBND huyện bố trí lồng ghép các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi đảm bảo thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tăng cường mời gọi các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư liên kết theo chuỗi giá trị, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất để tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân. Khuyến khích bà con nhân dân chủ động tích tụ ruộng đất, tìm tòi những cách làm hay, các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện phát triển sản xuất trên địa bàn, góp phần nâng giá trị từ nông nghiệp và phát triển theo hướng bền vững.

Mạnh Thuần/phuthu.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập203
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm200
  • Hôm nay43,490
  • Tháng hiện tại850,521
  • Tổng lượt truy cập88,205,591
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây