Phát biểu tại hội thảo, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, hội thảo nhằm tăng cường tuyên truyền, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản vào sản xuất; đồng thời cũng là dịp để các nhà khoa học, doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật, nhà hoạt động khuyến nông và nông dân mạnh dạn chia sẻ thông tin để hoạt động sản xuất trong lĩnh vực thủy sản thời gian tới đạt hiệu quả cao và bền vững.
Đột phá năng suất, chất lượng
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, ngành thủy sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Vấn đề môi trường, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, rào cản kinh tế kỹ thuật của các nước nhập khẩu, mất cân đối cung cầu làm biến động giá các mặt hàng thủy sản, chất lượng hàng hóa chưa ổn định.
Do đó, việc đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng KHCN vào sản xuất đóng vai trò cực kỳ quan trọng để tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững...
Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, từ năm 2001 đến nay, thông qua việc triển khai thực hiện các đề tài/dự án nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ, hợp tác quốc tế, Viện đã tiến hành các chương trình chọn giống cá tra, tôm sú, cá rô phi vằn, cá rô phi đỏ và tôm càng xanh.
Theo đó các đề tài, dự án tập trung vào hai tính trạng chính là tăng trưởng và tỷ lệ sống cao, tạo ra giống chất lượng cao phục vụ nâng cao năng suất và hiệu quả sản phẩm thủy sản.
Có thể kể tới các dự án đạt kết quả cao, như chương trình chọn giống cá tra nâng cao tăng trưởng; chương trình chọn giống cá tra kháng bệnh gan thận mủ; chương trình chọn giống cá rô phi đỏ, tôm sú, tôm càng xanh… hay quy trình ương cá tra từ bột lên hương trên bể xi măng, đạt tỷ lệ sống cao, con giống sạch bệnh đạt tiêu chuẩn ngành; quy trình sinh sản nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm ngao móng tay chúa Cultellus maximus; quy trình kỹ thuật luân canh tôm-lúa…
Đối với con cá tra - vật nuôi thủy sản chủ lực của ĐBSCL, Viện đã thực hiện chương trình chọn giống cá tra nâng cao tăng trưởng từ năm 2001. Đến nay, chương trình chọn giống này đã thực hiện qua 4 thế hệ chọn lọc, đây là đàn cá tra chọn giống theo tình trạng tăng trưởng duy nhất tại Việt Nam và trong khu vực.
Kết quả đã có 60.000 cá tra hậu bị chọn giống tăng trưởng nhanh đã được cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống ở ĐBSCL trong giai đoạn 2016-2020.
Ông Phạm Trường Yên – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết, với những tiến bộ kỹ thuật được áp dụng từ sau năm 1995 đến nay, việc nuôi cá tra hiện không còn dựa vào con giống đánh bắt ngoài tự nhiên. Hàng loạt công nghệ đã được ứng dụng, từ khâu sản xuất giống, nuôi, sản xuất thức ăn đã làm thay đổi bộ mặt của ngành hàng cá tra.
"Việc tập trung đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, nhất là công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm thủy sản đã tạo ra đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh nhất là đối với thị trường quốc tế" -ông Yên đánh giá.
An Giang là một trong những tỉnh ứng dụng thành công KHCN trong sản xuất cá giống các loại. TS Phan Phương Loan - Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học An Giang), chia sẻ: Những năm qua, nhiều nghiên cứu về sản xuất giống, đặc biệt là các giống cá, đã được triển khai bởi các viện, trường với sự tài trợ kinh phí của trung ương và địa phương.
Việc áp dụng và nhân rộng công nghệ sản xuất giống cá từ các thành tựu nghiên cứu trong nước cũng như từ các chương trình hợp tác quốc tế đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển nuôi nhiều đối tượng cá ở ĐBSCL.
Còn nhiều khó khăn, tồn tại
Tại An Giang, địa phương cũng đã ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất thành công giống nhân tạo đối với con cá tra, cá phi, cá sặc rằn và cá lóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh một số thành tựu đạt được, vấn đề sản xuất con giống tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế như: Các mô hình sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương còn chiếm tỷ lệ thấp; việc tiếp cận nguồn vốn vay của người dân còn hạn chế, trong khi nhu cầu kinh phí ban đầu để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu ứng dụng KHCN, nhất là công nghệ cao rất lớn.
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng còn nhiều rủi ro nên chưa khuyến khích được nhiều tổ chức, doanh nghiệp đầu tư.
Quy mô nuôi của nhiều hộ dân còn manh mún, nhỏ lẻ; hệ thống cấp thoát nước, đường điện, giao thông tại một số vùng sản xuất giống tập trung chưa được đầu tư đồng bộ. Nhận thức, trình độ của người dân không đồng đều cũng là rào cản trong việc tiếp cận với KHCN.
Từ đó, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị phương hướng và giải pháp phát triển, chú trọng nghiên cứu nâng cao chất lượng con giống theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ di truyền nhằm tạo giống thủy sản có sức tăng trưởng nhanh, đề kháng bệnh tốt, tạo sản phẩm có giá trị cao.
Tiếp tục đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác kỹ thuật theo hướng chuyên sâu và có khả năng ứng dụng hiệu quả hơn những thành tựu mới về KHCN trong việc sản xuất con giống thủy sản. Nâng cấp cơ sở hạ tầng của các cơ sở sản xuất giống thủy sản. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nuôi để họ nhận thức đầy đủ thông tin KHCN trong sản xuất…
Theo Hồng Cẩm/danviet.vn
https://danviet.vn/tien-bo-ky-thuat-giup-dot-pha-nang-suat-chat-luong-thuy-san-20201115163448844.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã