Hàng loạt câu hỏi của nông dân Thái Bình và các tỉnh, thành trong khu vực đã được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng.
Với câu hỏi: Làm thế nào để khắc phục bệnh héo xanh trên cây cà chua? TS. Ngô Thị Hạnh - Viện Nghiên cứu Rau quả khẳng định: Đây là bệnh “nan y” do vi khuẩn gây hại, những cây hoặc vườn cà chua bị nhiễm bệnh này, phải nhổ bỏ ngay, không nên mua bất cứ loại thuốc BVTV nào cho phòng trừ, để khỏi tốn tiền, gây ô nhiềm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe.
Giải pháp phòng ngừa bệnh héo xanh căn bản nhất vẫn là, trồng bằng giống cây cà chua ghép trên gốc cà tím, sẽ giúp tăng năng suất, chất lượng, tăng khả năng chống chịu (thời tiết, sâu bệnh các loại), trong đó có bệnh nan y nói trên. Hiện mỗi năm Viện Nghiên cứu Rau quả có thể đáp ứng cho bà con khoảng 5 triệu cây cà chua giống ghép trên gốc cà tím. Viện cũng sẵn sàng chuyển giao công nghệ này cho các địa phương trong cả nước.
“Không trồng cà chua 2 vụ liên tiếp trên cùng chân ruộng hoặc ruộng vụ kế trước đã trồng khoai tây. Bón 50kg vôi bột cho các chân đất mới trồng cà chua, 30kg vôi bột cho đất trồng từ năm thứ 2 trở lên”, ông Mai Thanh Giang - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật và Trồng trọt Thái Bình bổ sung thêm.
Liên quan đển các câu hỏi về cây trồng họ bầu bí, TS. Đoàn Xuân Cảnh, Phó viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã chỉ ra: Nếu thâm canh một loại cây dưa hấu, dưa chuột hoặc bí xanh 3-4 năm liên tục trên cùng chân ruộng, cây sẽ không phát triển được và nhiễm nhiều sâu bệnh, do chúng hút cùng loại dinh dưỡng Man giê (Mg), Kẽm (Zn) làm cho đất suy kiệt các dinh dưỡng này.
Để sản xuất hiệu quả cây trồng họ bầu bí, phải vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, chọn giống kháng bệnh, bổ sung Mg và Zn cho đất, tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh, đặc biệt phải luân canh với cây trồng nước. Để chọn được cơ cấu cây trồng phù hợp cho các chân ruộng sau chuyển đổi! Trước hết phải khảo sát đất trồng trọt, thời tiết, thủy văn địa phương, nhu cầu thị trường nông sản và doanh nghiệp bao tiêu, sau đó mới chọn giống cây trồng và kỹ thuật canh tác phù hợp. “Những vấn đề nêu trên đều nằm trong khả năng có thể của chúng tôi”, TS. Cảnh nhấn mạnh thêm.
Trả lời các nhà nông đến từ tỉnh Nam Định, PGS.TS. Đặng Văn Đông - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả khuyến cáo: Không nên trồng hoa, cây cảnh trực tiếp trên đất ở các xã ven biển huyện Nghĩa Hưng, vì độ mặn vượt quá ngưỡng cho phép. Tuy nhiên bà con có thể trồng cây hoa trên giá thể (than hoa, xơ dừa, trấu hun, phân mùn bã hữu cơ hoai mục…) trong giỏ treo hoặc chậu đặt trên mọi mặt bằng sẵn có.
TS Đông gợi mở thêm giải pháp cho chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây hoa sen các loại, kết hợp nuôi một số giống thủy sản có vây, có khả năng sống tốt trong môi trường nước thiếu ô xy như cá rô phi, tôm, ốc nhồi... Bởi cây sen không những có giá trị lấy hoa và làm cảnh quan du lịch, mà còn cho ngó, cho củ, hạt và lá làm thực phẩm và dược liệu.
Các yêu cầu về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hoa sen, của nhóm nông dân đến từ thị xã Duy Tiên, Hà Nam và huyện Kim Động, Hưng Yên cũng được TS. Đông giải đáp thỏa đáng.
Chiếm lượng lớn các câu hỏi về chuyển đổi cơ cấu cây trồng và bao tiêu nông sản, là liên quan đến cơ chế chính sách của nhà nước, đã được Bà Nguyễn Thị Nga – PGĐ Sở NN-PTNT Thái Bình nhất quán: Trong giai đoạn 2021-2025, các cấp ngành trong tỉnh sẽ ưu tiên xây dựng các cơ chế chính sách, đề xuất căn cứ pháp lý, nhằm giúp nông dân và doanh nghiệp tháo gỡ các “nút thắt” trong nông nghiệp, nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi cơ cấy cây trồng, theo hướng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao.
Bà Nga nhấn mạnh: Diễn đàn đang có sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước và nhà nông, bà con nên tranh thủ những cơ hội như thế này, để kết nối cung cầu, bao tiêu sản phẩm làm ra.
“Trong 2 ngày tổ chức diễn đàn, có gần 500 lượt nông dân tỉnh Thái Bình và khu vực, đến tham gia chất vấn và chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Một số vấn đề của nhà nông nêu ra liên quan tới cơ chế chính sách nhà nước, chưa thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều, nhưng chắc chắn sẽ được tháo gỡ trong 1-2 năm tới. Diễn đàn đã thành công rất tốt đẹp, ngoài sự mong đợi của ban tổ chức", PGS.TS. Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kết luận.
Nguồn tin: Nguyễn Hải Tiến/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã