Học tập đạo đức HCM

Cởi trói cây dược liệu Sẵn sàng xuất khẩu dược liệu

Thứ hai - 10/05/2021 02:43
Quảng Ninh thúc đẩy liên kết, phát triển các sản phẩm dược liệu bài bản để sẵn sàng đưa vào nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh.

Câu chuyện ở thủ phủ dược liệu Ba Chẽ

Trong tổng số 1.027 loài thực vật được thống kê ở Ba Chẽ (Quảng Ninh), danh sách các loài cây dược liệu đã được điều tra của Bộ Y tế cho thấy có tới 30 loài dược liệu có giá trị cao như ba kích, trà hoa vàng, quế, lan kim tuyến, nấm lim xanh, cát sâm, sâm cau đỏ, đẳng sâm, hà thủ ô đỏ, địa liền…

Vì vậy, Ba Chẽ có tiềm năng rất lớn để thành lập vườn bảo tồn cây dược liệu có giá trị nhằm phát triển vùng nguyên liệu thảo dược phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Có thể thấy rõ, nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên của Ba Chẽ hết sức độc đáo, mức độ đặc hữu cao và chưa được khám phá hết. Từ lâu đời, người dân Ba Chẽ đã tự thu hái các cây dược liệu quý ngoài tự nhiên như ba kích tím, trà hoa vàng, nấm lim xanh, sâm cau đỏ, cát sâm, lan kim tuyến… để sử dụng và để bán.

Tuy nhiên, sản xuất cây dược liệu trên địa bàn huyện Ba Chẽ chủ yếu theo quy mô hộ gia đình và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp. Những năm gần đây, do nhu cầu tiêu thụ dược liệu tăng cao, cộng chính sách hỗ trợ phát triển và có thị trường tiêu thụ nên diện tích cây dược liệu, đặc biệt là ba kích, trà hoa vàng, địa liền… tăng nhanh.

Đến nay, toàn huyện Ba Chẽ đã trồng được 243ha dược liệu, gồm các cây chủ lực như ba kích tím (75ha), trà hoa vàng (146ha), địa liền 20ha, cát sâm 0,7ha, khôi tía 1,3ha... Các cây dược liệu khác chủ yếu phát triển ở tự nhiên như cát sâm, sâm cau đỏ, nấm lim xanh… nhưng diện tích chưa nhiều.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thăm gian hàng thảo dược trong chương trình OCOP, những sản phẩm này sau khi chế biến, đóng hộp bằng kỹ thuật, công nghệ cao đã được xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Anh Thắng.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thăm gian hàng thảo dược trong chương trình OCOP, những sản phẩm này sau khi chế biến, đóng hộp bằng kỹ thuật, công nghệ cao đã được xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Anh Thắng.

Theo ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ba Chẽ: Kinh nghiệm, hình thức sản xuất thuốc nam của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chủ yếu là kế thừa. Đa phần các hộ tự vào rừng thu hái dược liệu và tự chế biến, vì thế sản xuất mang tính nhỏ lẻ, tự phát, không có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Chính tập tục và thói quen khai thác cây thuốc tự do, không có sự tính toán lâu dài đang ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính đa dạng và sự bền vững của các loài cây dược liệu. Vì vậy, việc đầu tư vào công nghệ chế biến dược liệu là khâu rất quan trọng để đảm chất lượng của dược liệu lưu hành trên thị trường. Đặc biệt, chế biến sau thu hoạch để bảo đảm hàm lượng hoạt chất có trong dược liệu.

Hiện trên địa bàn huyện Ba Chẽ chỉ có một HTX sản xuất rượu ba kích tím, rượu nấm lim xanh; 1 doanh nghiệp tư nhân sản xuất, thu mua và chế biến trà hoa vàng; 1 tổ hợp tác lá tắm người Dao nhưng chưa có nhà máy sơ chế, chế biến các loại dược liệu hoàn chỉnh... Chính bởi hình thức sơ chế thủ công các cây dược liệu đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dược liệu tại Ba Chẽ. 

Nhận thấy điều đó, ngay từ năm 2015, huyện Ba Chẽ đã xây dựng Quy hoạch khu trung tâm sản xuất giống và chế biến tập trung cây trà hoa vàng tại xã Đạp Thanh và hiện đang giao Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh quản lý khu vườn ươm, xưởng chế biến trà, mỗi năm công ty cung ứng được trên 80.000 cây giống trà hoa vàng các loại, chế biến 15,5 tấn lá trà tươi và 1,5 tấn hoa trà tươi.

Đồng thời, chủ động kêu gọi thu hút, vận dụng cơ chế chính sách đặc biệt ưu đãi đối với các doanh nghiệp, HTX, cá nhân, hộ gia đình đầu tư trong lĩnh vực phát triển, chế biến dược liệu. Huyện đã ký biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp như: Công ty CP Dược Trung ương MEDIPLANTEX hợp tác trong lĩnh vực trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư vùng trồng dược liệu với quy mô 200ha theo hướng GACP-WHO.

Là một loại cây làm giàu chủ lực trên địa bàn huyện Ba Chẽ, trà hoa vàng không chỉ được khuyến khích trồng tập trung theo hướng trang trại mà huyện còn đang định hướng trồng hữu cơ, áp dụng KHCN. 

Mô hình cải tạo vườn trà hoa vàng theo định hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ tưới phun mưa tự động cho cây trà hoa vàng được gia đình ông Lý Văn Sơn, thôn Đồng Cầu, xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ thực hiện từ tháng 4/2020.

Được lựa chọn là mô hình điểm, gia đình ông được hỗ trợ 70% kinh phí đối với 200 cây giống (trồng bổ sung); 70% chi phí vật tư (gồm hệ thống xử lý trung tâm, hệ thống đường ống, súng tưới và phụ kiện lắp đặt, máy bơm, phân bón hữu cơ); 100% kinh phí công lắp đặt và cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chỉ đạo trực tiếp trong thời gian triển khai mô hình. Ngoài ra, gia đình đầu tư xây bể chứa nước có dung tích chứa từ 10m2 trở lên, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho hệ thống tưới ổn định, hiệu quả.

Thành lập liên hiệp về dược liệu

Để có những sản phẩm dược liệu có chất lượng, giá trị cao, tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ người dân, các địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nuôi, trồng các giống dược liệu theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế...

Quảng Ninh xác định khâu đột phá trong phát triển dược liệu chính là khâu liên kết giữa các HTX nông dược trên địa bàn để mở rộng sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu đối với tất cả các vùng nguyên liệu, doanh nghiệp.

Từ cuối năm 2019, Liên hiệp HTX Nông dược Quảng Ninh được thành lập với 7 thành viên HTX từ các địa phương: Đông Triều, Hạ Long và Móng Cái. Đây là tổ chức liên hiệp HTX nông dược đầu tiên trên địa bàn.

Ông Lê Văn Hà, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Nông dược Quảng Ninh, cho biết: Khi mới thành lập, Liên hiệp đã củng cố tổ chức và hoạch định bước đi cho các thành viên. Trong đó, đã thực hiện chức năng lựa chọn trồng một số dược liệu chính như cây chùm ngây, sachi, hibiscus, nhân mật, trà hoa vàng, bồ công anh… Nhằm liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ dược liệu, tạo sản phẩm hàng hóa đáp ứng kịp thời số lượng, chất lượng cao để cung cấp ra thị trường.

Song song với thu mua sản phẩm nông dược, tổ chức sơ chế, cung cấp các dịch vụ sản phẩm cùng các HTX thành viên, Liên hiệp HTX đã đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ việc trang, sấy dược liệu nhằm hướng đến xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh theo tinh thần liên kết chuỗi giá trị.

Dây chuyền sản xuất thuốc từ dược liệu đạt chuẩn GMP-WHOcủa Công ty Cổ phần Dược và Vật tư y tế Quảng Ninh. Ảnh: TTYTBC.

Dây chuyền sản xuất thuốc từ dược liệu đạt chuẩn GMP-WHOcủa Công ty Cổ phần Dược và Vật tư y tế Quảng Ninh. Ảnh: TTYTBC.

Đến nay, Liên hiệp đã ký liên kết hợp tác phát triển sản phẩm với Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam); Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công thương); Công ty CP SachaInchi Việt Nam… Gần 20 sản phẩm từ cây dược liệu sachi, chùm ngây, hibiscus… được sản xuất tạo nên các sản phẩm viên Morinsip, viên bổ dưỡng sachi, tinh chất chùm ngây, rượu nếp cái hoa vàng, tinh chất sachi, nhiều loại trà dược liệu…

Những sản phẩm này được giới thiệu tại các hội chợ OCOP của tỉnh, trưng bày các gian hàng của Liên minh HTX tỉnh… Các sản phẩm đều đã được đăng ký mẫu mã bao bì, có phiếu kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế), bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm… 

Chuỗi liên kết sản phẩm nông dược của Liên hiệp HTX Nông dược Quảng Ninh được xây dựng gắn với quy hoạch vùng, ngành, phân khu của các địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung. Từ đó, từng bước xây dựng thương hiệu của vùng và bổ sung thế mạnh của tỉnh về các sản phẩm dược liệu địa phương.

Việc liên kết các HTX phát triển nông dược đã góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp, giúp các thành viên mở rộng sản xuất, tăng tính cạnh tranh, tạo việc làm ổn định, giúp một bộ phận nhân dân vùng nông thôn, miền núi giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Để thúc đẩy phát triển đột phá, bền vững và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đa dạng về các sản phẩm nông dược, tiến tới xuất khẩu một số mặt hàng nông sản, dược liệu thế mạnh của tỉnh, các thành viên Liên hiệp HTX Nông dược Quảng Ninh đang tiếp tục đầu tư sản xuất hàng hóa nông dược chất lượng cao; ứng dụng công nghệ 4.0 tạo bước ngoặt lớn cho các HTX phát triển bền vững từ lượng sang chất.

Theo Anh Thắng - Cường Vũ/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/san-sang-xuat-khau-duoc-lieu-d290495.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập204
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm183
  • Hôm nay37,847
  • Tháng hiện tại79,448
  • Tổng lượt truy cập90,142,841
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây