Chiều 9/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới Tây Nam, khu vực Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Chiều thứ Sáu ngày 7/5, trước khi lên đường vào Cần Thơ để tiếp xúc cử tri, Người đứng đầu Chính phủ đã phát biểu chỉ đạo cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương.
Ngày Chủ nhật (9/5), sau khi tìm hiểu thực tế tình hình và công tác phòng chống dịch, một số nhiệm vụ khác tại các tỉnh Tây Nam Bộ, Thủ tướng triệu tập cuộc họp khẩn cấp trực tuyến với Ban Chỉ đạo quốc gia, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và 6 tỉnh có biên giới giáp với nước bạn Campuchia – nơi có nguy cơ rất lớn.
Chiều cùng ngày, đích thân Thủ tướng và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thị sát tuyến biên giới tại tỉnh An Giang, tìm hiểu thực tế tình hình chuẩn bị, các kịch bản ứng phó với dịch bệnh của các địa phương, các lực lượng. Thủ tướng cũng kiểm tra trên thực địa, động viên, nhắc nhở các lực lượng tuyến đầu kiểm soát biên giới ngăn chặn nhập cảnh trái phép, chống dịch.
Tại các cuộc làm việc, Thủ tướng đã yêu cầu báo cáo hết sức kỹ lưỡng về tất cả các vấn đề liên quan tới công tác chuẩn bị, xây dựng các kịch bản ứng phó, việc triển khai trong thực tế các giải pháp đã đề ra. Đặc biệt, Thủ tướng tìm hiểu rất chi tiết về các địa bàn xung yếu nhất, những điểm còn sơ hở ở tất cả các khâu, tạo kẽ hở cho dịch bệnh có thể xâm nhập và bùng phát.
Cũng trong những ngày qua, bất kể ngày đêm, đích thân Thủ tướng liên tục gọi điện cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố đang là “điểm nóng” về dịch bệnh hoặc đang có nguy cơ lớn khiến dịch bùng phát, yêu cầu báo cáo tình hình và chỉ đạo các nội dung cần thiết.
Thủ tướng Chính phủ cũng phân công Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp kiểm tra tại nhiều địa phương; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia - chỉ đạo liên tục, sát sao công tác phòng chống dịch bất kể ngày đêm.
Qua các cuộc làm việc, kiểm tra và trực tiếp điện thoại, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo nhiều địa phương, lực lượng, “1h sáng vẫn sẵn sàng nhận chỉ đạo”. Nhưng bên cạnh đó, ông cũng nêu rõ, còn nhiều vấn đề nổi lên cần tiếp tục được xử lý theo tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa; tích cực, tích cực hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa; thành công, thành công hơn nữa”.
Trong đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý các địa phương, các lực lượng cần tuyệt đối tránh hai trạng thái: Một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; hai là trông chờ, ỷ lại. Nơi nào, cấp nào có tâm lý này phải chấm dứt, chấn chỉnh ngay và tuyệt đối không để tái diễn.
Thực tế cho thấy, vẫn có nơi, có lúc các địa phương, các lực lượng, kể cả người đứng đầu, còn lơ là, chủ quan, chuẩn bị không kỹ lưỡng, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm không rõ ràng; vì thế, đến khi có dịch lại lúng túng, hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, áp dụng các biện pháp cực đoan làm cho nhân dân hoang mang, sản xuất kinh doanh trì trệ.
Một số nơi vẫn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào cấp trên, vào các bộ, ngành Trung ương, ngay từ khâu chuẩn bị cơ sở cách ly, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm, tổ chức cơ sở điều trị… Điều này trái với chỉ đạo của Thủ tướng là nêu cao tinh thần chủ động, phát huy tính tự lực, tự cường, tự lo và tự chịu trách nhiệm. “Tỉnh lo cho tỉnh, huyện lo huyện, xã lo xã, thôn lo cho thôn và từng người phải tự lo cho chính mình”, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, chi viện của Trung ương. Cấp trên tăng cường kiểm tra, giám sát cấp dưới, cấp dưới nếu có khó khăn phải kịp thời báo cáo cấp trên xem xét, giải quyết.
Qua kiểm tra thực tế, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương nhiều vấn đề hết sức cụ thể, chẳng hạn, nhiều địa phương vẫn có tâm lý trông chờ vào việc hỗ trợ xét nghiệm của Viện Pasteur. Bên cạnh việc phải thực hiện nghiêm “5K+vaccine”, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các lực lượng cần thực hiện hết sức nghiêm túc chủ trương: Không chủ quan, lơ là; không trông chờ, ỷ lại, chủ động tấn công dịch, dập dịch.
Tình thế “nước sôi lửa bỏng”, dịch bệnh có thể xuất hiện bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào. Cần ưu tiên cao nhất cho nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là phòng chống COVID-19, trước mắt phải bảo đảm an toàn, tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, đồng thời triển khai đồng bộ, hiệu quả các công việc thường xuyên, không để đình trệ sản xuất kinh doanh, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ quan, lơ là hay trông chờ, ỷ lại, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt.
Hà Văn/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;