Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai các dự án, giải pháp để bảo tồn, phát triển bền vững các loài cây dược liệu, từng bước hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến.
Với 94,5 nghìn ha dược liệu dưới tán rừng, hầu hết những loại dược liệu quý đều tập trung tại những khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên. Do đó, Thanh Hóa chú trọng bảo tồn các nguồn gien dược liệu quý thông qua các dự án được triển khai tại các KBT thiên nhiên này.
Trong đó, KBT thiên nhiên Pù Luông đã triển khai một số dự án, đề tài khoa học như: Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển loài cây thuốc quý hiếm bảy lá một hoa; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật xây dựng mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ các loài dược liệu giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm Việt Nam...
KBT thiên nhiên Pù Hu triển khai dự án khoa học điều tra, bảo tồn và phát triển hai loài cây ba kích và sa nhân tím; KBT thiên nhiên Xuân Liên xây dựng thành công dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống, trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây quế ngọc theo chuỗi giá trị tại huyện Thường Xuân; mô hình trồng cây chè vằng thuộc chương trình hỗ trợ phát triển mô hình du lịch cộng đồng vùng đệm KBT...
Việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng đang được thực hiện gắn với chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/62017; chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015-2020 theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở này, Thanh Hóa đã lồng ghép các hạng mục hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất thuộc các chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới...
Ông Lê Đình Phương, Giám đốc KBT thiên nhiên Pù Luông cho rằng, việc bảo tồn nguồn gen dựa trên các nghiên cứu khoa học của đề tài nghiên cứu, bảo tồn và phát triển loài cây thuốc quý hiếm bảy lá một hoa thực hiện từ năm 2017 đến nay đã kết thúc thành công. Tuy nhiên, để phát triển và bảo tồn tốt nguồn gen, nhất là gắn với khâu chuyển giao ra sản xuất diện rộng, có tính hàng hóa thương mại thì rất cần thêm nhiều chính sách, nguồn lực đầu tư cũng như thu hút sự vào cuộc của doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm...
“Mô hình thực hiện rất hiệu quả, chúng tôi đã xây dựng được mô hình trong vườn thí nghiệm nhưng rất khó nhân rộng vì thiếu kinh phí. Đây cũng là trăn trở của những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen dược liệu quý này” – ông Phương chia sẻ.
Ông Lê Hùng Tiến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Bắc Trung bộ cho biết, hiện nay Trung tâm đang bảo tồn nguồn gen cho trên 350 loài dược liệu. Trung tâm cũng đủ sức để sản xuất cây giống cho nhu cầu tại tỉnh Thanh Hóa nhưng nhu cầu của người dân hiện nay vẫn chưa nhiều.
Theo ông Tiến, việc phát triển cây dược liệu không nên chỉ dừng ở việc bảo tồn nguồn gen mà phải mở rộng ra sản xuất hàng hóa. Điều này phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố chính sách kích cầu tiêu thụ, liên kết sản xuất và chế biến...
“Bảo tồn nguồn gen đã tốt rồi, chúng tôi còn có thể chủ động sản xuất cây giống cho bà con trong vùng. Nhưng thực tế, nhu cầu cây giống của người dân rất thấp vì sản xuất ra cũng chưa hẳn đã bán được. Doanh nghiệp có bao tiêu sản phẩm thì người dân mới dám trồng”, ông Tiến cho biết.
Thanh Hóa hiện có khoảng 94,5 nghìn ha cây dược liệu phân tán nhỏ lẻ dưới tán rừng của 11 huyện miền núi. Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu tại Thanh Hóa vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tập trung và mang tính sản xuất hàng hóa; thiếu các cơ sở, nhà máy chế biến, chiết xuất dược liệu bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu...
Trước thực trạng trên, Thanh Hóa đã đề ra giải pháp tổng thể về đất đai, cơ chế, chính sách, giống, vốn, nguồn lực, khoa học - công nghệ, thị trường...; khuyến khích thành lập một số hội ngành nghề khai thác, trồng, sơ chế, chế biến, bảo quản, chiết xuất dược liệu.
Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu mua, chế biến dược liệu cho rằng, bên cạnh việc bảo tồn những nguồn gen quý hiếm, Thanh Hóa cần duy trì, thực hiện những chính sách phát triển cây dược liệu phù hợp.
Trong đó, mối liên kết bốn nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) cần được tăng cường. Doanh nghiệp chế biến phải là nòng cốt, hướng dẫn người dân, HTX sản xuất dược liệu hàng hóa; xây dựng một số mô hình nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trong từng vùng sản xuất dược liệu theo hướng tập trung.
Theo thống kê, Thanh Hóa hiện có khoảng 5.000 ha cây dược liệu (trong đó có 350 ha trồng tập trung) và 94,5 nghìn ha phân tán dưới tán rừng.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 10 doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất dược liệu với người dân. Tuy nhiên, diện tích và sản lượng dược liệu được chế biến sâu vẫn còn thấp. Mỗi năm, tỉnh Thanh Hóa còn có khoảng 15.000 tấn nguyên liệu xuất bán thô ra thị trường. Điều quan trọng nhất là sau khi có sản lượng, cây dược liệu tại Thanh Hóa chưa tìm được đầu ra ổn định.
Trong những năm qua, với nhiều chính sách, nhiều chương trình, dự án, Thanh Hóa đã thu hút một số doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi sản xuất này. Có thể kể đến các mô hình trồng cà gai leo, sachi, nghệ tại huyện Triệu Sơn; giảo cổ lam tại huyện Đông Sơn; cà gai leo, đinh lăng tại huyện Tĩnh Gia, nghệ tại huyện Thạch Thành... Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, tình trạng sản xuất nhưng không có đầu ra khiến nông dân nản chí.
Bà Đỗ Thị Phiến, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Thành cho rằng, điều quan trọng nhất khi sản xuất ra cây dược liệu là bán cho ai, giá cả thế nào.
“Thạch Thành có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để trồng các cây dược liệu. Đã có vài mô hình trồng cà gai leo năng suất, chất lượng cao tại địa bàn huyện nhưng thất bại. Các công ty về đặt vấn đề trồng nhưng dân không còn mặn mà vì giá thu mua thấp, thậm chí tìm cách từ chối thu mua sản phẩm” – bà Phiến cho hay.
Để phát triển cây dược liệu trở thành ngành sản xuất hàng hóa, hiện nay, các địa phương tại Thanh Hóa đang tích cực hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác sản xuất cây dược liệu tổ chức lại sản xuất. Trong đó, việc liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm là yếu tố sống còn.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn cho rằng, với những vùng đặc thù, xa trung tâm tỉnh thì việc tiêu thụ sản phẩm càng trở nên khó khăn. Vì vậy, để phát triển trồng cây dược liệu, “4 nhà” cần ngồi lại với nhau để tìm ra phương án khả thi nhất.
“Năm 1995, Thanh Hóa từng làm công tác khảo sát, điều tra tình hình phân bố cây dược liệu nhưng thực tế nay đã khác xa rồi. Thanh Hóa có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, nguồn gen phong phú, đa dạng để phát triển cây dược liệu.
Thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa cần triển khai đề án phát triển cây dược liệu để phát triển đúng với tiềm năng vốn có của vùng đất này”, ông Lê Hùng Tiến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dược liệu Bắc Trung bộ cho biết.
Theo Võ Văn Dũng - Thanh Nga/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/thieu-dau-keo-doanh-nghiep-tieu-thu-duoc-lieu-d290654.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã