Hi vọng từ những mầm xanh
Cánh đồng thuộc Hợp tác xã (HTX) rau an toàn La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) là vựa rau lớn nhất của TP Đà Nẵng, sau mưa lũ kéo dài thì nơi đây thiệt hại 100% rau màu, củ quả.
Vì những ruộng rau nằm sát bờ sông Cẩm Lệ nên khi nước lũ lên nhanh và cao, thì nông dân không kịp thu hoạch. Bên cạnh đó, rau quả ngâm quá lâu trong nước lũ nên bị hư hại không thể vớt vát.
Là một trong số ít những nông dân có bề mặt ruộng tương đối cao, ông Nguyễn Văn Phu (61 tuổi) ngậm ngùi nói: "Mưa lũ vừa qua tôi mất trắng hơn 4 sào rau, bí, mướp. Đặc biệt là những giàn cây ăn trái đang phát triển tốt, nhưng do lũ rồi cộng thêm bão khiến mọi thứ bị hư hại nặng.
Mấy ngày nay tôi tranh thủ lúc trời có nắng ráo để dọn rác, bèo, củi và làm đất để gieo tạm vài luống rau kiếm đồng ra đồng vào".
Trong đợt lũ lớn vừa qua, vùng trồng rau La Hường ngập sâu gần một mét rưỡi khiến nông dân trắng tay. Bên cạnh đó, đây là vùng trũng thấp nên khi có mưa lớn hoặc mưa liên tục thì nhiều ruộng rau sẽ bị ngập, không thể canh tác thường xuyên.
Đặc biệt, miền Trung đang trong mùa mưa bão, khả năng lại có lũ nên đa số bà con trồng rau vẫn đang tạm ngưng sản xuất khiến nguồn cung bị thiếu hụt.
Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc HTX rau an toàn La Hường cho biết: "Với tổng diện tích là 9ha nhưng vì diễn biến thời tiết mưa lũ còn thất thường, nên nông dân chưa thể tái sản xuất đồng bộ. Phải đến tháng 12 thì mọi người mới tất bật làm đất, gieo giống để sản xuất rau vụ Tết".
Trông trời, trông đất…
Mặc dù trời đang mưa liên tục, nhưng nhiều nông dân tại HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) vẫn hăng hái vác cuốc ra đồng. Phần đông là những hộ có ruộng đất cao ráo đã tranh thủ những ngày hanh nắng trước đó để cày xới, lên luống, xuống giống rau ngắn ngày.
Nông dân Nguyễn Thị Xa (66 tuổi) buồn rầu nói: "Năm nay lũ lớn khiến ruộng rau của tôi dù ở nơi rất cao nhưng vẫn bị ngập và hư hại hết.
Ba sào đất ở vùng trũng thấp tôi để đến cận Tết mới dám làm, còn bây giờ cày xới 1,5 sào đất ở nơi cao ráo để trồng rau. Đợt này hi vọng "trời đất" có thương thì cho nông dân gỡ chút vốn liếng, chứ mưa lũ triền miên thì lấy gì mà làm ăn".
Cách đấy không xa, vợ chồng ông Đặng Công Hải (71 tuổi) vừa mang áo mưa vừa tất tả cấy rau cải trên 5 sào ruộng đã được lên luống, bón phân.
Được HTX hỗ trợ một số cây giống nên ông bà cũng hăng hái sản xuất hơn, chỉ trông mong thời tiết vài ngày tới thuận lợi để thu hái những bó rau cải đầu tiên sau lũ. Bởi mùa màng năm nay thất bát, hết dịch bệnh lại đến mưa lũ và bão khiến hoạt động canh tác của người dân bị gián đoạn, rau củ quả khan hiếm hàng.
HTX rau sạch Túy Loan là vùng trồng rau trọng điểm của thành phố với diện tích khoảng 8ha. Rau vụ đông hiện nay bà con chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày như: rau muống, rau cải, rau mồng tơi…để có thể kịp thu hoạch phần nào nếu có lũ.
Bên cạnh đó, nông dân cải tạo đất để sắp tới trồng rau vụ Tết như xà lách, bí đao, đậu cove, dưa leo, khổ qua…
Theo báo cáo về tình hình rau màu bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua trên địa bàn Đà Nẵng tính đến ngày 29/10, thì huyện Hòa Vang có hơn 95ha, quận Cẩm Lệ 16,45ha, quận Ngũ Hành Sơn có 15ha rau thiệt hại trên 70%, quận Liên Chiểu 10,5ha. Những cánh đồng tan hoang sau lũ chỉ được phủ xanh hoàn toàn khi mùa mưa bão đi qua và nông dân lại hăng hái vào mùa vụ mới.
https://danviet.vn/da-nang-lu-rut-den-dau-nong-dan-thap-thom-trong-rau-toi-do-20201105210132988.htm
Nguồn tin: Tuyết Nhung - Trần Hậu/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã