Về xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), hỏi về mô hình nông nghiệp hữu cơ, chính quyền địa phương ngơ ngác. Nhưng nếu hỏi cặn kẽ, mô hình nào không dùng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc BVTV, dùng thiên địch và thuốc trừ sâu sinh học để diệt trừ sâu bọ thì cán bộ xã nghĩ ngay đến mô hình vườn rừng của chị Nguyễn Thị Mai Hương tại thôn Quang Thái Bình.
Để có thêm chi phí phục vụ mục tiêu xây dựng trang trại thuận tự nhiên, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đêm đêm Hương còn dạy tiếng Anh qua mạng.
Theo Hương, khi nguồn thu từ nông nghiệp chưa lớn thì đây là nguồn thu lớn giúp Hương nuôi dưỡng ước mơ làm nông nghiệp tử tế của mình.
Cán bộ xã Quang Trung tận tình đưa chúng tôi lên ngọn đồi tại thôn Quang Thái Bình, nơi Nguyễn Thị Mai Hương, cô gái nhỏ nhắn dựng lán trại để xây dựng ước mơ đời mình.
Đó là ngọn đồi trước đây được trồng các loại cây như keo, luồng, bưởi và một số cây hàng năm nhưng chủ nhân của nó đã phải bán đi vì hiệu quả kinh tế thấp.
Đó là thời điểm, tầng đất canh tác của vùng đồi này sau nhiều năm khai thác đã “kiệt sức” bởi xói mòn đất, bởi việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV một cách vô tội vạ. Tầng đất canh tác các ngọn đồi thôn Quang Thái chai sần và gần như không còn sự màu mỡ.
“Tôi nghĩ, với lối canh tác phản khoa học, vô lối của một bộ phận không nhỏ nông dân như hiện nay, chuyện đất đai bạc màu là điều đã được lường trước. Chúng ta chỉ nghĩ đến năng suất, chỉ nghĩ đến việc tìm con đường ngắn nhất để có được “chiến lợi phẩm” từ đất thì sớm muộn cũng phải trả giá.
Bón phân hóa học tuy cho hiệu quả nhanh nhưng bón bao nhiêu cây hấp thụ bấy nhiêu sẽ không còn phần để cải tạo đất. Sử dụng phân bón hóa học cũng không tạo ra môi trường thuận lợi để các vi sinh vật có lợi trong lòng đất sinh sôi, phát triển”, Nguyễn Thị Mai Hương chia sẻ.
Hương là cô gái trẻ, tốt nghiệp Cơ khí Bách khoa, từng bươn chải vào Nam, ra Bắc gần 10 năm trời. Qua nhiều vùng miền núi của đất nước, Hương chứng kiến cảnh nhiều cánh rừng trở thành đồi trọc sau khi khai thác. Cỏ cây, chim muông, nguồn nước cũng cạn kiệt, khô khốc. Đó cũng là tình cảnh đang diễn ra tại nhiều vùng đất trên quê hương cô.
Hương nghĩ, trồng keo, tuy có thể tích lũy được món tiền vào cuối mỗi chu kỳ nhưng chung quy lại hiệu quả không cao, đất lại bị xói mòn sau mỗi lần khai thác kèm theo bao nhiêu hệ lụy về môi trường. Hương cho rằng, chỉ nên trồng keo ở nơi nào có địa hình quá phức tạp hoặc không có cây trồng gì đem lại hiệu quả.
Ấy là lúc ước mơ của Hương trỗi dậy. Hương muốn những cánh đồi trọc lóc kia quanh năm xanh tốt. Nhưng làm ở đâu, bắt đầu từ đâu thì Hương còn mơ hồ lắm! Hương ví việc hồi sinh những cánh rừng kia giống như chữa lành những vết thương trong tâm hồn con người khi đã bị tổn thương.
Thế nhưng, lúc đó đối với Hương, câu chuyện nông nghiệp hữu cơ, câu chuyện nông nghiệp thuận tự nhiên cũng chỉ là mơ ước bởi Hương đang phải lo cơm, áo, gạo tiền. Nông nghiệp là xí nghiệp ngoài trời, liệu bỏ tiền và đầu tư khối óc vào nông nghiệp liệu có đủ để lo cho miếng ăn trước mắt cho Hương, cho gia đình Hương.
Nhưng ước mơ chỉ có một, ước mơ ấy cứ đau đáu trong tâm hồn Hương. Rồi đến một ngày, Hương nghỉ việc, đăng ký đi học một khóa làm nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt.
Những ngày đi điền dã, học tập ở Đà Lạt, Hương lại cảm thấy lạc lõng. Hương vẫn có cảm giác, để có được nguồn sản phẩm phục vụ nhu cầu, con người đã khai thác triệt để nguồn dinh dưỡng từ đất mà chưa bao giờ nghĩ đến chuyện… đền ơn đất.
“Tình cờ tôi biết đến mô hình vườn rừng kiểu năng lượng tương hợp. Đây là mô hình mô phỏng lại hệ sinh thái rừng, che phủ để trả lại dinh dưỡng cho đất, hồi mùn, đa tầng tán. Ở mô hình này, vi sinh vật có ích sẽ phát triển, sinh sôi, phân hủy để trả lại dinh dưỡng cho đất. Đó là lý do tôi quyết định về quê lập nghiệp với mô hình nông nghiệp hướng hữu cơ”, Hương chia sẻ.
Với cách nhìn nhận của Hương, đã có những lúc con người đối đãi với tự nhiên quá tùy tiện. Để có được năng suất cao phục vụ nhu cầu thiết yếu, con người đã can thiệp quá nhiều vào tự nhiên khiến cho quá trình phát triển bị đảo lộn, quy luật tự nhiên bị phá vỡ. Đã đến lúc, con người cần nhìn lại chính mình, nhìn lại quá trình khai thác nguồn dinh dưỡng từ đất để có cách phục hồi nó. Đó là cách để trả ơn cho đất mẹ.
Hương muốn có một trang trại cho năng suất cao nhưng không can thiệp quá nhiều vào tự nhiên; ở đó con người có tâm an lành, cho ra những sản phẩm an lành. Đó cũng là cách tìm lại an lành cho chính mình và tạo ra sức lan tỏa trong cộng đồng.
Tháng 6/2019, Hương bỏ xứ phồn hoa đô hội về mua 3 ha vườn rừng tại thôn Quang Thái Bình để xây dựng mô hình theo ý tưởng của mình.
Lúc mới nhận đất, Hương độc canh một số diện tích cây sắn dây. Diện tích còn lại trồng cỏ sả để giữ độ ẩm cho đất. Cây cỏ sả đến thời điểm thu hoạch sẽ được Hương dùng máy cắt tạo độ mùn cho đất.
Để tạo sinh kế ngắn ngày, đồng thời cải tạo đất, Hương trồng các loại cây họ đậu như đậu, lạc và dong, gừng, sắn dây, trồng thêm một số loại cây ăn quả như bơ, bưởi, chuối, dổi, mắc-ca, mít…
Trang trại của Hương hiện đã có các loại cây trồng như bồ kết, bồ hòn… Số cây hương liệu này trong tương lai Hương sẽ chế biến, chiết xuất thành các sản phẩm thân thiện với môi trường như nước rửa, nước giặt…
Dự định, đến tháng 4/2022, khi quá trình cải tạo đất đã tạm ổn, Hương sẽ trồng thêm mít, quýt vòi, hồng… Đây là những loài cây đặc sản trên quê hương Ngọc Lặc.
Quá trình trồng các loại cây trồng, Hương chỉ sử dụng loại thuốc BVTV tự bào chế, dùng phân chuồng hoai mục, mùn cưa, cá ủ, bã đậu tương, thân cây cỏ để bón cho cây trồng nhưng các loại cây trồng vẫn sinh trưởng và phát triển tốt.
Nhưng chìa khóa để cải tạo đất của Hương không chỉ dựa vào việc tăng độ mùn cho đất. “Mình dùng vi sinh bản địa tự ủ kết hợp phân hữu cơ, phân chuồng để bón cho cây trồng. Kết quả cho thấy, cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh và vi sinh vật có lợi phát triển nhanh, độ mùn của đất dần dần được cải thiện. Vườn đồi này ngày càng có nhiều chim chóc bay về trú ngụ”, Hương chia sẻ.
Theo Hương, để cải tạo đất một cách bền vững, ngoài việc bón phân, sử dụng các chế phẩm vi sinh thì việc trồng xen các cây họ đậu có ý nghĩa rất quan trọng. Đây vừa là những cây cung cấp lượng nitơ cải tạo đất, vừa tạo sinh kế ngắn ngày cho các chủ vườn.
Không chỉ trồng, Hương còn chế biến một số mặt hàng và đang bán trên thị trường như lạc nhân, bơ lạc, bột sắn dây nguyên vị, bột sắn dây vị quất, bột sắn dây bạc hà, lạc nhân đỏ và cuối năm nay sẽ chế biến dong, miến dong. Mục tiêu trong tương lai, Hương sẽ mở rộng mô hình và liên kết với một số trang trại để phát triển nông sản chủ lực của địa phương, chế biến và cho ra thị trường.
“Thực ra, tôi cũng chưa hiểu lắm về nông nghiệp hữu cơ và cũng chỉ định hướng phát triển theo mô hình ấy. Quan trọng trong mô hình sản xuất của tôi là không làm tổn hại đến môi trường, bổ sung dinh dưỡng cho đất, không sử dụng bất kỳ một loại thuốc BVTV độc hại nào để cho ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Câu chuyện nông nghiệp của tôi còn dài, lúc này chưa thể nói nhiều về hiệu quả kinh tế nhưng niềm vui của tôi là được làm công việc tôi thích và đem lại lợi ích cho cộng đồng”, Hương kết thúc câu chuyện.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã