Hà Nội là loại đô thị đặc biệt, song ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng. Toàn thành phố có 30 quận, huyện, thị xã nhưng vẫn còn 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận còn sản xuất nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp chiếm 58%.
Hà Nội cũng có số xã nhiều nhất cả nước với 383 xã, dân số khu vực nông thôn chiếm khoảng 50%. Do đó, trong trung hạn cũng như dài hạn, phát triển ngành nông nghiệp vẫn là ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Vậy hướng đi nào cho ngành nông nghiệp Thủ đô trong giai đoạn tới?
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Thủ đô đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, một số lĩnh vực tăng trưởng tương đối nhanh. Cơ cấu ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ tăng trong khi tỷ trọng trồng trọt có xu hướng giảm.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,35%. Trong đó, trồng trọt tăng 2,4%, chăn nuôi tăng 4%, thủy sản tăng 6,06%.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, thành phố đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, giá trị tăng từ 3 - 8 lần so với trồng lúa. Cụ thể, thành phố đã xây dựng 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô từ 20 ha trở lên cho giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; phát triển 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh 20 ha/vùng cho giá trị 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm.
Về lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư đạt giá trị từ 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm; có hơn 2.800 trang trại, gia trại chăn nuôi.
Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), toàn thành phố có 164 mô hình, trong đó, có 109 mô hình trồng trọt, 40 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản.
Giá trị sản phẩm nông nghiệp CNC ước đạt khoảng 32% giá trị nông nghiệp toàn thành phố. Hạ tầng kinh tế kỹ thuật tiếp tục được quan tâm đầu tư, nông thôn từng bước được đổi mới; hệ thống giao thông nông thôn liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa gần 100%, đường liên thôn được bê tông hóa trên 95%; có 91% đường ngõ xóm và 50% đường giao thông trục chính nội đồng được cứng hóa và 100% các hộ dân được sử dụng điện thường xuyên từ các nguồn điện lưới.
So với nhiều địa phương khác, thành phố Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, đó là thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất nhì cả nước; hệ thống giao thông thuận lợi; là trung tâm khoa học công nghệ của cả nước.
Tuy nhiên, những năm qua, ngành nông nghiệp của Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa có bước phát triển đột phá. Ngành nông nghiệp chưa tạo ra được sự khác biệt so với nông nghiệp của một số tỉnh thành khác, đặc biệt Hà Nội vẫn chưa xác định được loại hình và chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, riêng có như một số địa phương khác.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ, nhưng diễn ra còn chậm, kém bền vững. Với hơn 50% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, hơn 12% lao động trên địa bàn thành phố đang làm việc ở lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, nhưng đóng góp của nông nghiệp chỉ chiếm 2% GDP của thành phố.
Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung hàng hóa mũi nhọn. Các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản chưa phát triển; kinh tế hộ còn chiếm tỷ lệ cao, trong khi doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp số lượng ít, quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao.
Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều. Thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn vẫn thấp, dưới 55 triệu đồng/năm. Quyền sở hữu đất đai hiện tại là rào cản lớn nhất không thu hút được nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; thiếu chính sách và biện pháp cụ thể cho việc hỗ trợ hình thành và phát triển mô hình kinh tế hợp tác kiểu mới.
Trong khi đó, ngành nông nghiệp của Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức:
Một là, diện tích đất nông nghiệp ven đô bị thu hẹp dần, do công nghiệp hóa và đô thị hóa. Theo thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, diện tích đất nông nghiệp giảm khoảng 16.549 ha, từ 168.791ha xuống còn 152.242ha, mức giảm trung bình 3.000-3.300 ha/năm.
Do biến động về đất đai, dân số ở những vùng ven đô, khiến cấu trúc nông thôn truyền thống bị phá vỡ đột ngột, hạ tầng quá tải gây nên những ảnh hưởng xấu về môi trường sinh thái nghiêm trọng.
Hai là, thiếu lao động nông nghiệp, đặc biệt thiếu hụt lao động trẻ được đào tạo, có trình độ quản lý và kỹ thuật cao, do sự dịch chuyển lao động ở nông thôn ra thành thị và sự thu hút lao động từ các khu công nghiệp.
Hiện nay, có khoảng 50% dân số đang sinh sống ở khu vực nông thôn, trong đó lực lượng lao động trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản chiếm khoảng 12% và đang có xu hướng giảm dần.
Ba là, ngành nông nghiệp Thủ đô phải cạnh tranh gay gắt với các địa phương trong vùng cả về chủng loại sản phẩm và giá cả. Trong khi giá thuê đất nông nghiệp tại Hà Nội đắt hơn nhiều lần so với các tỉnh trong vùng.
Bốn là, năng suất lao động trong nông nghiệp thấp; tính liên kết của chuỗi sản xuất cung ứng nông sản lỏng lẻo.
Năm là, về mặt vĩ mô, ngành nông nghiệp của Hà Nội cũng như cả nước đang phải đối mặt với hai khủng hoảng lớn và lâu dài, đó là khủng hoảng về dịch bệnh cả trên người, vật nuôi và khủng hoảng về thị trường nông sản.
Theo Nguyễn Thanh Sơn (Ủy viên Ban Chủ nhiệm Chương trình KHCN 01C-05 của TP Hà Nội)/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/huong-di-nao-cho-nganh-nong-nghiep-thu-do-d303091.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã