Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), TP. HCM và ĐBSCL chiếm tỷ trọng lớn về kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 8,5 tỷ USD trong năm 2021, Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam chia khu vực này thành 3 vùng để chủ động phục hồi sản xuất trong tình hình mới.
Dựa trên tỷ lệ nhiễm Covid-19, tỷ lệ tiêm vacxin, số lượng công nhân và một số yếu tố khác, vùng 1 của ĐBSCL gồm 6 tỉnh là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang, và Bến Tre. Đây là vùng có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, tiên lượng phục hồi cao, cũng là vùng tập trung nuôi tôm lớn, chiếm kim ngạch xuất khẩu 30% của toàn ngành.
Theo ông Nam, nếu diễn biến không có gì phức tạp, 6 tỉnh của vùng 1 sẽ nới lỏng sản xuất theo từng phần. Điều ấy có thể giúp doanh nghiệp thủy sản phục hồi ngay từ cuối tháng 9. Sang tháng 10, nhóm doanh nghiệp này có thể phục hồi khoảng 60%, và 80% vào cuối năm.
Vùng 2 của ĐBSCL, theo phân chia của VASEP, gồm 5 tỉnh là An Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Cần Thơ, và Đồng Tháp. Đây là nhóm các tỉnh có tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình và tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản - khoảng 20% của toàn ngành.
Đến tháng 10, VASEP dự báo, vùng này có thể phục hồi sản xuất khoảng 50%, và lên tới 70% vào cuối năm.
Vùng 3 gồm 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bình Dương và TP. HCM. Đặc trưng của vùng này là có nhiều doanh nghiệp lớn, với tỷ lệ mắc bệnh cao. Ông Nam cho rằng, nếu các tỉnh, thành phố trong vùng 3 giữ được tiến độ phòng, chống dịch như hiện tại, họ có thể phục hồi khoảng 40% trong tháng 10, và tăng lên 60% vào cuối năm.
"Chúng ta cần lên kế hoạch cụ thể, đồng bộ giữa các tỉnh, bởi trong suốt 2 tháng giãn cách theo Chỉ thị 16 vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp đều bị động, dẫn đến đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất", ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.
Bên cạnh kế hoạch phục hồi sản xuất, VASEP còn có 5 kiến nghị để ngành thủy sản trở lại mức tăng trưởng như những tháng đầu năm 2021.
Thứ nhất, về cung ứng vật tư, nguyên liệu, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp thủy sản hiện thiếu bao bì đóng gói do thị trường sản xuất chính là TP. HCM còn giãn cách. Do đó, ông Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT xin chủ trương từ Chính phủ, đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạo cơ chế ưu đãi cho lưu thông, vận chuyển.
Thứ hai, đề nghị các tỉnh, thành phố thống nhất về các quy định sản xuất trong tình hình mới. Hiện có địa phương yêu cầu xét nghiệm 3 ngày một lần, nhưng có nơi lại 5 ngày, 7 ngày. Do chi phí xét nghiệm Covid-19 rất lớn với doanh nghiệp, nên ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản cần một kế hoạch chung để đưa vào dự toán doanh thu, lợi nhuận.
Thứ ba, hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp ngành thủy sản để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trong sản xuất sau giãn cách. Những đối tượng chưa tiêm, hoặc đã tiêm 1 mũi, tiêm 2 mũi hiện bị xếp chung vào một nhóm.
Thứ tư, do xét nghiệm Covid-19 chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất, nên VASEP kiến nghị đưa dịch vụ này vào nhóm cần bình ổn giá, đảm bảo đúng chủ trương "sống chung với dịch" mà Thủ tướng đề ra.
Thứ năm, tâm lý người dân hiện còn nhiều e ngại. Do đó, VASEP cho rằng các bộ, ban, ngành và địa phương cần chính sách để thúc đẩy sản xuất ở cả phía cung và cầu. Với đầu cung, Hiệp hội kiến nghị đẩy mạnh tiêm vacxin ở các tỉnh ĐBSCL. Hiện chỉ có Cà Mau, Sóc Trăng, và Đồng Tháp có tỷ lệ công nhân tiêm vacxin được trên 50%, còn lại nhiều nơi chỉ đạt tỷ lệ tiêm 10-15%.
Với đầu cầu, VASEP kiến nghị các tỉnh, thành phố sớm mở lại các chợ đầu mối, tăng tiêu thụ nội địa, đưa giá thủy sản đi lên, giúp người dân đẩy mạnh sản xuất.
70% nhà máy phía Nam ngừng sản xuất
Cùng với chăn nuôi và trồng trọt, thủy sản nằm trong nhóm ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh. Trong hơn hai tháng giãn cách xã hội, khoảng 70% nhà máy ở các tỉnh, thành phố phía Nam ngừng sản xuất. Hơn 300.000 lao động trực tiếp tại các nhà máy bị mất việc.
Chi phí chế biến, sản xuất thủy sản tăng cao, trong đó chi cho y tế, xét nghiệm Covid-19, bảm đảm sức khỏe, chỗ ăn ở cho công nhân trở thành một định phí với doanh nghiệp. Với những cơ sở duy trì được hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ", chi phí sản xuất tăng khoảng 10-15%. Với những nhà máy không sản xuất, nhưng vẫn phải đáp ứng định phí, con số này lên đến 50%.
"Vào giữa tháng 7/2021, hầu hết mọi người tin dịch chỉ kéo dài khoảng 2-3 tuần. Không ai tiên lượng được dịch bệnh sẽ kéo dài đến tháng 9. Do đó, tất cả đều bị động trong việc ứng phó ở các tháng kế tiếp. Hệ quả, xuất khẩu thủy sản tháng 8 giảm sâu bởi không thể đáp ứng được các đơn hàng", ông Nam kết luận.
Theo Bảo Thắng - Đức Minh/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/vasep-dua-5-kien-nghi-khan-truong-khoi-phuc-nganh-thuy-san-d302949.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã