Huyện Mê Linh hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung đạt hiệu quả cao nhờ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Ảnh: Thiện Tâm |
Trưởng phòng kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, để có cơ sở thực hiện việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ưu tiên phát triển cây trồng có thế mạnh trên địa bàn, huyện Mê Linh xác định bước đi đầu tiên là phải thực hiện việc quy hoạch sản xuất. Chính vì vậy,đến năm 2018, UBND huyện đã hoàn thành công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp cho 13 xã giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Đối với 5 xã, thị trấn còn lại gồm: Tiền Phong, Đại Thịnh, Mê Linh, thị trấn Quang Minh, thị trấn Chi Đông không thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp do đã được quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị.
Theo quy hoạch sản xuất đã được phê duyệt cho 13 xã, trên địa bàn huyện được quy hoạch tổng số 135 vùng. Trong đó có 43 vùng sản xuất lúa cao sản, chất lượng cao; 92 vùng sản xuất tập trung (thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình kinh tế trang trại). Trên cơ sở các vùng quy hoạch, UBND huyện đã tập trung lãnh chỉ đạo phát triển sản xuất, hướng dẫn nhân dân thực hiện chuyển đổi dần sản xuất theo vùng quy hoạch đã được duyệt.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô 50ha/vùng trở lên tại xã Liên Mạc, Tam Đồng, Tự Lập, Thạch Đà; vùng sản xuất cây ăn quả với quy mô 20ha trở lên tại xã Hoàng Kim, Chu Phan, Tiến Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa, Tiến Thắng; vùng sản xuất hoa chất lượng cao quy mô 20 ha trở lên tại xã Văn Khê, Mê Linh, Đại Thịnh, Kim Hoa.…; vùng sản xuất rau các loại tại các xã Đại Thịnh, Tráng Việt, Tiền Phong, Tiến Thắng, Văn Khê, đã khai thác tối đa nguồn lực từ đất, làm giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp tăng hàng năm, năm 2015 là 137,4 triệu đồng/ha thì đến năm 2019 là 174,8 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, đã có một số mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, một số mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhất là kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất: Giá trị nuôi trồng thủy sản đạt khoảng trên 500 triệu đồng/ha/năm, cây ăn quả đạt khoảng trên 350-400 triệu đồng/ha/năm, chăn nuôi đạt 500 triệu đồng/ha/năm. Trong đó có các mô hình chăn nuôi gia cầm VietGAP lợi nhuận trên 2 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Công Đinh, người dân thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng cho biết, vùng đồng đất Bạch Trữ chỉ hợp để trồng các loại rau gia vị như: Húng bạc hà, kinh giới, tía tô… cũng như các loại rau ăn lá. Nhưng từ khi chuyển đổi sản xuất tập trung theo vùng, các hộ gia đình đã thực hiện theo quy trình an toàn nên được người tiêu dùng tín nhiệm, đầu ra sản phẩm ổn định với thu nhập 40 - 50 triệu đồng/sào/năm.
Theo ông Phạm Thành Đô, chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để xây dựng các vùng chuyên canh tập trung trong những năm qua đã phát huy hiệu quả thiết thực trên địa bàn huyện Mê Linh. Sản xuất nông nghiệp được xác định cần tập trung vào một số cây, con chính và có thế mạnh như trồng trọt cần tập trung vào: cây Hoa (tập trung sản xuất hoa hồng, hoa cúc, hoa đào, hoa lan, hoa sen..); cây rau các loại (trong đó tập trung vào cây củ cải, hành tây…) và cây ăn quả (chuối, bưởi, mít…).
Về chăn nuôi tập trung phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm (gà, vịt, chim cút…) theo VietGAP, Thủy sản là các loại cá có giá trịnh kinh tế cao như cá chép giòn, cá lồng bè đặc sản lăng, nheo. Đồng thời tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, cây con có giá trị kinh tế cao theo chuỗi gắn với xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, cung cấp cho thị trường.
Thời gian tới, huyện Mê Linh sẽ tập trung xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích mời gọi các doanh nghiệp liên doanh, liên kết đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn.
Bên cạnh đó, tuyên truyền vận động nhân dân tiếp tục dồn ghép ruộng đất tạo thành các ruộng có diện tích lớn tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo thành các vùng chuyên canh hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại các vùng quy hoạch. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông nội đồng, thủy lợi tưới tiêu tiên tiến tiết kiệm nước… như xây dựng Trạm bơm tiêu ra sông Hồng, Trạm bơm Thanh Điềm, Trạm bơm tiêu Tam Báo, khi hoàn thành sẽ đảm bảo, đáp ứng công tác tưới tiêu trong tình hình mới.
Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt các sản phẩm theo chương trình OCOP… xây dựng các chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.
Theo Thiện Tâm/thanglong.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã