Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước.
Đánh giá bổ sung về kết quả năm 2019 cho thấy, mặc dù vẫn còn khó khăn, song nước ta đã đạt được kết quả khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, tạo tiền đề thuận lợi để bước vào năm 2020.
Tuy vậy, trong những tháng đầu năm, đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, kinh tế thế giới lâm vào suy thoái nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.
Trước những khó khăn, thách thức đó, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự quản lý, điều hành quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã chủ động đưa ra các quyết sách kịp thời, phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, toàn quân đã tạo nên sức mạnh giúp nước ta cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, đồng thời, vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội, tăng cường sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, thiết bị, vật tư y tế với các nước, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Cử tri và nhân dân cả nước bày tỏ niềm vui và sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước.
Quốc hội biểu dương các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch cùng tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của mọi tầng lớp nhân dân; đánh giá cao sự cố gắng, quyết tâm của các cấp, các ngành, các địa phương, sự hỗ trợ, ủng hộ kịp thời của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã tạo nguồn lực to lớn, góp phần vào thành công phòng, chống đại dịch.
Quốc hội cho rằng, mặc dù các hoạt động kinh tế-xã hội từng bước được khôi phục trở lại, các vấn đề an sinh xã hội đang tích cực được giải quyết nhưng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trước những nguy cơ tiềm ẩn, cùng với diễn biến dịch bệnh và tình hình kinh tế-chính trị trên thế giới vẫn hết sức phức tạp, khó lường. Bên cạnh việc cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đề ra, Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm phục hồi sản xuất, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, đời sống của người dân.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thảo luận một cách kỹ lưỡng và thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật khác. Đây là những luật, nghị quyết quan trọng liên quan đến các lĩnh vực của đời sống, kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, tổ chức bộ máy, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều..., tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, đồng thời, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Với tỉ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) và gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Việc phê chuẩn các điều ước quốc tế này là bước tiến quan trọng của nước ta trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao hơn; mở ra nhiều cơ hội phát triển mới, khẳng định quyết tâm thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong các hiệp định thương mại cũng như thực hiện nghĩa vụ là quốc gia thành viên ILO của Việt Nam, góp phần nâng cao đáng kể vị thế đất nước trên trường quốc tế. Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành kế hoạch, có các giải pháp triển khai, tổ chức thi hành thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế này; thông tin, tuyên truyền rộng rãi để các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, người dân hiểu rõ, từ đó, chủ động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực, cải thiện năng suất lao động, nắm bắt tốt các cơ hội, vượt qua thách thức để tiếp tục thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước ta tiếp tục phát triển.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và trong kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đây là những quyết sách đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, thể hiện mạnh mẽ quan điểm “miền núi tiến kịp miền xuôi”, tạo cơ hội mới để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển toàn diện, bền vững.
Với sự quan tâm sâu sắc đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.
Qua giám sát, Quốc hội cho rằng, trong những năm qua, công tác bảo vệ trẻ em đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em theo Hiến pháp, các công ước quốc tế và Luật Trẻ em, tuy nhiên, vẫn còn xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, trong đó, có những vụ nghiêm trọng. Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra được những mặt còn tồn tại, yếu kém, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tiếp tục làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.
Tại kỳ họp này, với sự tín nhiệm cao, Quốc hội đã quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch, phê chuẩn các Phó Chủ tịch và các thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia. Việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia sớm hơn so với nhiệm kỳ trước tạo điều kiện để chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Quốc hội cũng đã tiến hành công tác nhân sự theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục theo luật định và đạt được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tuy đây là lần đầu tiên Quốc hội họp trực tuyến liên tục trong nhiều ngày nhưng kỳ họp đã diễn ra thông suốt, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Việc bố trí khoảng thời gian giữa 2 đợt họp đã tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết thông qua. Tổng thời gian làm việc của cả 2 đợt họp chỉ kéo dài trong 19 ngày, ngắn hơn so với các kỳ họp trước nhưng vẫn hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình kỳ họp.
Nhấn mạnh trong những tháng còn lại của năm 2020, nước ta tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn và cũng cần phải hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân không được chủ quan, phải tiếp tục bám sát nắm bắt tình hình, nêu cao trách nhiệm, phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, chủ động kịp thời ứng phó với thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020, tiếp tục giữ vững chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới, hải đảo, làm tiền đề để nước ta bước vào giai đoạn mới vững chắc hơn.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật; nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri và nhân dân để có giải pháp thiết thực hơn nhằm tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực quản lý.
Ngay sau bế mạc kỳ họp này, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan cũng như hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách của người đại biểu nhân dân.
Hoàng Thắng/Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã