Khởi động từ hơn 20 năm nay, chương trình đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cho nông sản Việt như chuỗi lúa gạo, cà phê, thủy sản top đầu thế giới, như cây lâm nghiệp, cây ăn quả đang vươn lên tầm khu vực.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, trước khi giai đoạn cũ của chương trình kết thúc vào năm 2020, Bộ đã sớm hành động.
Ngay từ giữa năm 2019, lãnh đạo Bộ đã họp tổng kết lại giai đoạn trước, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ kết quả, đồng thời đề xuất xây dựng chương trình giống cho giai đoạn mới 2021 - 2030.
Khi được đồng ý về mặt chủ trương, Bộ lại nhanh chóng xây dựng đề án. Mới đây, ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt “Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Đó là một tin tốt cho cả ngành.
Mục tiêu cụ thể của chương trình là đến năm 2030 sẽ mở rộng lưu giữ khoảng 45.000 - 52.000 nguồn gen cây trồng, vật nuôi; Đánh giá và khai thác nguồn gen nhằm phục vụ có hiệu quả công tác nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống.
Nghiên cứu đưa vào sản xuất những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa sản xuất giống, tăng cường công tác quản lý nhằm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống đúng tiêu chuẩn, tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm; Xuất khẩu một số giống cây trồng, vật nuôi sang thị trường các nước…
Tổng vốn thực hiện chương trình là 103.050 tỷ đồng trong đó ngân sách Nhà nước 16.450 tỷ đồng, các nguồn vốn khác 86.600 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn, 2021 - 2025 là 40.000 tỷ đồng, 2025 - 2030 là 46.600 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, tính mới của chương trình lần này là nếu trước kia chỉ tập trung vào lưu giữ giống gốc, phát triển giống chủ yếu ở khối công lập như các viện, trường thì sang giai đoạn tới sẽ đầu tư sâu cho khối doanh nghiệp, tư nhân, thiết kế theo chuỗi từ nguồn gen phục vụ chọn tạo đến chương trình chọn tạo giống cho những đối tượng chủ lực phục vụ tái cơ cấu.
Thứ hai là chương trình sẽ huy động đa dạng nguồn lực của xã hội với cơ cấu vốn rất rõ phần nào của trung ương, của địa phương đặc biệt là của các doanh nghiệp và các thành phần khác kể cả nông dân…
Về những tồn tại hiện nay, trực tiếp Thứ trưởng đã đi khảo sát và chỉ đạo Cục Trồng trọt phối hợp với các đơn vị, các địa phương để làm sao kiểm soát được tính đúng giống và chất lượng của giống cây dài ngày đặc biệt là cây ăn quả có múi: “Không thể để cho tình trạng nhà nhà, người làm giống như hiện nay mà phải có chứng nhận cho các vườn ươm và phải thanh tra, kiểm tra được việc này.
Giai đoạn tới, Bộ sẽ đầu tư cho các viện nghiên cứu, các trung tâm giống của các địa phương để có hệ thống sản xuất theo đúng chuẩn từ vườn giống gốc đến các mắt ghép đảm bảo khi xuất bán cây giống phải hoàn toàn sạch bệnh, đặc biệt là bệnh do virus”.
Thứ trưởng cũng lưu ý về việc tăng trưởng nóng của một số cây trồng ăn quả hiện nay: “Trong cây ăn quả có múi thì bưởi là cây lợi thế của Việt Nam vì đạt cả về chất lượng lẫn thời gian thu hoạch có thể kéo dài tới nửa năm tiện rải vụ, bảo quản được lâu.
Nhưng về cam hiện nay đang tăng trưởng quá nóng mà chất lượng cam Việt không thể cạnh tranh được với cam của các nước ôn đới nên chủ yếu mới chỉ ăn tươi, thời gian thu hoạch lại ngắn, cần tính kỹ trước khi trồng.
Giống tốt rồi thì cũng cần phải có biện pháp thâm canh phù hợp bởi cây có múi yêu cầu đặc biệt về dinh dưỡng, phải là phân hữu cơ hoai mục chứ chỉ bón phân vô cơ là xuất hiện bệnh về rễ; Chế độ nước thì cần nước nhưng không được để vườn bị úng”.
Nguồn tin: Dương Đình Tường/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã