Học tập đạo đức HCM

Lai Châu phát triển kinh tế gắn với phòng, chống dịch

Thứ ba - 19/10/2021 19:11
Từ cuối tháng 4, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và kéo dài đến nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển KT-XH của Lai Châu.

Nhưng, lãnh đạo và người dân Lai Châu vẫn vượt lên mọi khó khăn để thu về những thành quả kinh tế đáng nể.

Ngọt thơm hương thảo quả Khun Há

Cùng cán bộ xã Khun Há (Tam Đường), chúng tôi đi bộ hơn 10km vào sâu trong rừng già - nơi bà con đang thu hái, sấy khô thảo quả. Trên đường đi, anh Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Khun Há chỉ cho chúng tôi những rừng cây to, cao, tỏa tán sum suê, thích hợp cho thảo quả phát triển. Toàn xã có 420ha thảo quả với tổng sản lượng đạt trên 60 tấn thảo quả khô mỗi năm.

Anh Sơn cho biết: “Trước đây, một số người dân nhận thức hạn chế khi trồng thảo quả vô tình chặt cây rừng mới tái sinh khiến diện tích rừng của xã có nguy cơ già hóa. Thời gian qua, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con trồng thảo quả phải bảo vệ cây non mới nẩy mầm để tạo tán thành rừng già. Đến nay, 100% người dân trong xã hiểu việc bảo vệ rừng để được hưởng lợi kép từ rừng và thảo quả”.

thao-qua.jpg
Cán bộ xã Khun Há (Tam Đường) kiểm tra sản lượng thảo quả. Ảnh: Báo Lai Châu

Mải trò chuyện, chúng tôi đã đến khu trồng thảo quả của xã Khun Há, những chùm thảo quả đỏ mọng. Bà con dựng lán, ăn, ở tại rừng, sấy khô thảo quả. Mùi hương thảo quả lan tỏa khắp khu rừng. Tiếng bà con cười nói rôm rả vang vọng núi rừng. Năm nay, thảo quả của bà con được mùa, quả to. Mỗi năm, hộ trồng ít thu nhập trên 10 triệu đồng, gia đình trồng nhiều thu trên 300 triệu đồng. Hiện, người dân đang thu hái, sấy khô và vận chuyển thảo quả về nhà, bán cho tư thương với giá ổn định từ 100 - 120 nghìn đồng/kg, thấp hơn so với trước đây 80 nghìn đồng/kg. Tuy vậy bà con vẫn thu nhập khá ổn định từ thảo quả, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Nhờ thảo quả, người dân nơi đây giảm nghèo nhanh và bền vững. Năm 2021, toàn xã có 40 hộ thoát nghèo nhờ cây thảo quả.

Anh Cứ A Châu - Trưởng bản Ngài Thầu Cao đang chở những bao tải thảo quả khô về anh, gặp chúng tôi, anh dừng xe tâm sự: “Từ nhiều năm qua, cây thảo quả đã gắn bó với gia đình tôi và người dân trong xã cho thu nhập ổn định và được ví như “phao cứu sinh”, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển. Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng tiền bán thảo quả. Nhờ đó, gia đình mua sắm tivi, tủ lạnh, xe máy và xây dựng nhà mới khang trang”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, bản Lao Chải 1 (xã Khun Há) được mệnh danh là “xứ sở thảo quả”. Toàn bản có 41 hộ, bảo vệ 180,6ha rừng tự nhiên. Đây là điều kiện thuận lợi cho 100% hộ dân trong bản trồng thảo quả dưới tán rừng. Mỗi hộ trồng từ 1-5ha thảo quả. Nhờ độ ẩm cao, diện tích thảo quả của bản sinh trưởng, phát triển khá tốt. Mỗi năm, bà con trong bản thu trên 4 tỷ đồng từ loại cây này. Điển hình gia đình ông Cứ A Dư thu hoạch 30 bao thảo quả, trị giá 120 triệu đồng. Vừa trồng, ông vừa học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cho cây thảo quả bén rễ, hồi xanh. Đến nay, ông có 4ha thảo quả dưới tán lá rừng. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng từ tiền bán thảo quả.

Đến thăm ngôi nhà gỗ thưng ván vững chắc mang đậm nét đẹp dân tộc Mông của gia đình ông, chúng tôi ngây ngất bởi mùi thơm hương thảo quả khô vừa được chuyển về nhà. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Dư tâm sự: “Để đảm bảo tiến độ, gia đình tôi có 3 lao động thường xuyên ở trên rừng thu hái, sấy khô, vận chuyển thảo quả về bản. Năm nay, gia đình tôi thu trên 30 bao thảo quả khô (gần 1,2 tấn, tăng 4 tạ so với vụ trước). Nhờ thảo quả, gia đình tôi có thêm thu nhập, ngày càng cải thiện cuộc sống gia đình”.

Bưởi da xanh trĩu quả ở Bản Hon

Được đưa vào trồng trên đồng đất của xã Bản Hon (Tam Đường) hơn 4 năm, đến nay, 2ha bưởi da xanh đang sinh trưởng, phát triển tốt, sai trĩu quả.

Dưới tiết trời dịu mát của những ngày giữa tháng 10, chúng tôi đến thăm mô hình trồng bưởi da xanh tại các bản: Đông Pao 1, 2 của xã Bản Hon. Chỉ tay về phía những cây bưởi sai trĩu quả, anh Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch UBND xã Bản Hon vui mừng nói: “Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2016 xã chuyển đổi 2ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Nhờ sự hướng dẫn cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cùng với bàn tay chăm chỉ, cần mẫn của bà con nông dân, hiện cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt. Thời điểm này, cây bưởi đang trong giai đoạn phát triển quả, xã tập trung hướng dẫn bà con chăm sóc theo đúng yêu cầu kỹ thuật từ làm cỏ, tỉa quả, cành, bón phân cho đến phòng trừ sâu bệnh. Dự kiến sẽ cho thu hoạch vào tháng 11, bưởi da xanh hứa hẹn là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”.

buoi.jpg
Cán bộ xã Bản Hon, huyện Tam Đường hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bưởi da xanh cho người dân bản Đông Pao 1. Ảnh: Báo Lai Châu

Được biết, sau hơn 4 năm bén rễ trên đất Bản Hon, năm 2020 cây bưởi đã cho quả bói, đến năm nay bưởi phát triển tốt, sai quả. Được các phòng chuyên môn của huyện Tam Đường đánh giá phù hợp với điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Giống bưởi được trồng tại xã Bản Hon là bưởi da xanh, khi chín vỏ bưởi có màu xanh, mỗi quả nặng trung bình từ 5-8 lạng, múi to, mọng nước, chất lượng quả thơm ngon, 8 phần ngọt 2 phần chua, ít hạt, khả năng kháng bệnh cao.

Chia sẻ với chúng tôi anh Tao Văn Ín - Trưởng bản Đông Pao 1 phấn khởi nói: “Những năm trước đây, trên diện tích này người dân trồng ngô nhưng cho năng suất, chất lượng thấp. Được Nhà nước cấp giống bưởi da xanh để trồng, bà con phấn khởi lắm. Nhân dân 2 bản thực hiện trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh theo đúng hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Để bưởi da xanh thu hoạch năm đầu tiên cho năng suất cao, chúng tôi tỉa bỏ những quả bé, mỗi cây để lại từ 15-20 quả. Đồng thời, bón phân kali trong khoảng thời gian từ 15-20 ngày trước khi thu hoạch để tạo độ ngọt cho bưởi”.

Để cây bưởi cho năng suất và chất lượng, xã tuyên truyền, vận động Nhân dân đầu tư thời gian, công sức chăm sóc. Cán bộ các phòng chuyên môn cùng bà con thường xuyên kiểm tra để theo dõi sự phát triển của cây bưởi, kịp thời phát hiện sâu bệnh hại để có các giải pháp chữa trị hợp lý. Phòng trừ một số loại sâu bệnh thường gặp ở cây bưởi, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã khuyến cáo người dân phun thuốc kịp thời. 

Hưởng lợi từ nhận khoán bảo vệ rừng

Xã Nậm Chà (Nậm Nhùn) được giao khoán bảo vệ 11.584,1ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Thời gian qua, 637 hộ được giao khoán tích cực tham gia bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng. Nhờ vậy, trung bình hàng năm mỗi hộ được nhận từ 20 - 30 triệu đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ngoài khoản tiền hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, người dân còn được phép thu hái một số lâm sản phụ ngoài gỗ và lâm sản tỉa thưa trong giới hạn quy định, trong đó có măng. Do đó, hàng năm, cứ mùa mưa đến, người dân nơi đây lại mang gùi, cầm xuổng vào rừng tìm măng. Với họ, măng không chỉ là một món ăn hàng ngày mà còn đem lại nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống.

mang.jpg
Người dân xã Nậm Chà thêm thu nhập từ măng nhờ nhận khoán bảo vệ rừng. Ảnh: Báo Lai Châu

Nậm Chà là xã vùng cao, cách trung tâm huyện hơn 50km, địa hình chia cắt mạnh, giao thông đi lại không thuận lợi, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn. Kinh tế chủ yếu tự cung, tự cấp, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Hiện, măng rừng được thị trường ưa chuộng, nhiều thương lái tìm đến tận nơi để mua. Vì vậy, mỗi khi đến mùa măng, gác lại công việc làm nương, người dân xã Nậm Chà vào rừng tìm hái những búp măng tươi đem về bán, thêm thu nhập.

Hơn 6 giờ sáng, chị Lò Thị Nói (ở bản Táng Ngá) đã chuẩn bị đầy đủ ủng, găng tay, dao, lu cở, bao đựng, nước uống... cùng các chị em trong bản vào rừng hái măng. Chị Nói cho biết: “Hàng năm, cứ vào mùa này, chúng tôi lên rừng kiếm măng từ rất sớm, đến 1-2 giờ chiều mới về. Trung bình mỗi ngày tôi lấy được hơn 50kg măng tươi. Với giá bán trung bình 4.000-7.000 đồng/kg, mỗi ngày tôi cũng thu được từ 200.000-300.000 đồng”.

Chia tay chị Nói, chúng tôi đến bản Nậm Chà. Tại đây, có dịp trò chuyện với chị Phùng Ké Lụa (một trong những người có kinh nghiệm lấy măng nhiều năm) chị chia sẻ: Nhiều người nghĩ măng mọc sẵn trên đất, cứ việc bẻ lấy mang về. Nhưng thực tế công việc hái măng không đơn giản bởi phải chui vào bụi nứa nhiều gai góc, bị muỗi vắt, ong đốt. Khi bóc măng, lông măng đâm, bám vào tay khiến bàn tay chai sần, nhựa măng làm cho tay chân tím bầm, đau rát. Hơn nữa, lấy măng phải biết xoay vòng ở mỗi vùng rừng. Công việc vất vả nhưng với chị Lụa và nhiều người dân trong bản, măng không chỉ là món ăn hàng ngày mà còn là sản phẩm mang lại nguồn thu nhập cho gia đình. Vào mùa măng, gia đình chị trung bình mỗi ngày lấy được 30-60kg, có thu nhập từ 200.000-300.000 đồng. Nếu chịu khó đi tìm, mỗi mùa măng, gia đình chị thu được khoảng 1-2 tấn măng tươi các loại, thu về khoảng 10 triệu đồng. Số tiền này giúp gia đình chị có tiền trang trái cuộc sống, mua cây, con giống để đầu tư phát triển kinh tế, vật dụng phục vụ sinh hoạt.

Với người dân vùng cao Nậm Chà, “lộc rừng” chỉ có mùa, sống gần rừng thì phải dựa vào rừng để mưu sinh. Vì vậy, muốn mùa sau măng mọc nhiều thì khi đào măng, những người hái măng phải để lại cây non để măng mọc thành rừng.

Ông Chảo San Sênh - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Chà cho biết: “Mỗi mùa măng đều mang lại thu nhập khá cho người dân địa phương. Trung bình mỗi hộ thu nhập từ 7-10 triệu đồng, hộ nào ít thu được từ 3-5 triệu đồng từ việc bán măng rừng các loại. Với những lợi ích mang lại, xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn lâm sản này”.

Than Uyên đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung

Ông Lò Văn Hương - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Huyện triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch; nhất là hoạt động 4 chốt trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ người ra, người vào, tiến hành thống kê toàn bộ số người của huyện ở ngoài địa bàn đang đi lao động để nắm tình hình tuyên truyền trên tinh thần người dân ở đâu ở nguyên đó không về địa bàn. Qua đó, tạo cho huyện an toàn trong phòng chống dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài ra, huyện đẩy mạnh triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội; tuyên truyền, vận động người dân vừa phòng chống dịch vừa phát triển nông nghiệp.

Đến nay, các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện cơ bản được đảm bảo, nhất là lĩnh vực nông nghiệp với việc hoàn thành kế hoạch trồng hơn 200ha chè, 100ha quế; đảm bảo thu ngân sách trên địa bàn. Thường xuyên nắm, trao đổi với chủ đầu tư, doanh nghiệp triển khai thực hiện các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép”.

rung-que.jpg
Người dân bản Chít (xã Pha Mu, huyện Than Uyên) chăm sóc rừng quế. Ảnh: Báo Lai Châu

Huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương rà soát lại các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, thuế, đất đai, tài nguyên, môi trường, thương mại để đảm bảo tính thống nhất, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Tăng cường quản lý thu, chống thất thu, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật sự cần thiết như: tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, công tác phí. Đồng thời quản lý các khoản chi đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm, sửa chữa chặt chẽ, đúng quy định.

Huyện đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là thâm canh, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; chủ động phòng chống thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt cuối năm 2021 đạt 31.700 tấn, chăm sóc, khai thác hiệu quả 1.015ha cao su. Vận động Nhân dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung kết hợp trồng cỏ, dự trữ thức ăn; tận dụng lòng hồ Thủy điện Huội Quảng, Bản Chát để mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản với các loại cá có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đang được cả hệ thống chính trị, Nhân dân trong toàn huyện vào cuộc cùng thực hiện nâng cao chất lượng và hoàn thành từng tiêu chí. Huyện đang tập trung mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội cho các địa phương, trong đó có xã Pha Mu. Đặc biệt, thời điểm này, cán bộ, Nhân dân xã Pha Mu đang nỗ lực, phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới vào cuối năm 2021.

Theo V.N (Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn
https://kinhtenongthon.vn/lai-chau-phat-trien-kinh-te-gan-voi-phong-chong-dich-post46206.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập175
  • Hôm nay77,363
  • Tháng hiện tại928,298
  • Tổng lượt truy cập92,102,027
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây