Học tập đạo đức HCM

Lào Cai: Hướng đến nuôi cá nước lạnh chuẩn VietGAP

Thứ ba - 29/09/2020 18:46
Lào Cai hiện đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thể tích nuôi cá nước lạnh toàn tỉnh đạt 60.000m3.

Tuy nhiên, cần phải quy hoạch được vùng nuôi một cách hợp lý để gia tăng giá trị sản phẩm, hướng đến nuôi cá nước lạnh chuẩn VietGAP, đáp ứng như cầu thị trường. Qua đó, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.

Sa Pa: “Thủ phủ” nuôi cá nước lạnh

Thị xã Sa Pa được coi là “thủ phủ” nuôi cá nước lạnh của vùng Tây Bắc với diện tích mặt nước gần 46.000 m2. Nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa những năm gần đây không chỉ mở rộng về diện tích mà còn được chủ nuôi đầu tư về chất lượng. 

Mô hình nuôi cá tầm, cá hồi của anh Nguyễn Anh Tuấn, ở thôn Dền Thàng, xã Tả Van, thị xã Sa Pa có quy mô hơn 30 bể. Trung bình mỗi năm, anh Tuấn xuất bán ra thị trường từ 10 – 15 tấn cá hồi và 20 - 30 tấn cá tầm thương phẩm, mang lại nguồn thu khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra, anh Tuấn còn nghiên cứu thực hiện sản xuất cá giống để phục vụ cho trang trại và cung cấp cho các hộ nuôi cá nước lạnh trong và ngoài tỉnh. Anh Tuấn cho biết, mỗi năm trang trại có thể sản xuất từ 20 đến 40 vạn giống cá tầm và khoảng 20 đến 30 vạn giống cá hồi. Từ khi thực hiện mô hình nuôi cá nước lạnh, gia đình cũng đã giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

ca-nuoc-lanh-1.jpg

Năm 2017, bắt tay vào sản xuất cá hồi, cá tầm giống và chỉ vụ đầu tiên gặp khó khăn, còn từ đó đến nay trại cá của anh Nguyễn Đức Hiệp (tổ 1, phường Sa Pả, thị xã Sa Pa) trở thành cơ sở sản xuất giống cá nước lạnh lớn nhất Lào Cai. Mỗi năm trại xuất bán 4 vụ cá giống, mỗi vụ hơn 40 vạn cá hồi, hơn 20 vạn cá tầm. Cá giống chất lượng tốt, khả năng sinh trưởng cao nên được thị trường ưa chuộng. Số cá giống không chỉ bán trong địa bàn Sa Pa mà còn được người nuôi cá tại tỉnh Lai Châu và tỉnh Sơn La đặt hàng.

Anh Nguyễn Đức Hiệp cho biết: Trước đây, tôi nuôi cá thương phẩm nhưng sau đó thấy sản xuất cá giống có lợi nhuận cao nên năm 2017, tôi mở cơ sở sản xuất cá giống. Khi mở rộng cơ sở sản xuất, tôi gặp khó khăn về vốn nhưng nhờ được Agribank Chi nhánh Sa Pa hỗ trợ cho vay với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh nên cơ sở nuôi cá mới có được quy mô như hôm nay.

Cơ sở sản xuất cá giống của anh Nguyễn Đức Hiệp rộng hơn 2.000 m2 với 30 bể ấp, 10 bể ngoài trời, mỗi năm xuất ra thị trường hơn 2 triệu con giống. Hiện anh đang dư nợ tại Agribank Chi nhánh Sa Pa 9 tỷ đồng.

Trại cá thương phẩm của anh Nguyễn Thế Hải (xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa) được Agribank Chi nhánh Sa Pa cho vay 4,6 tỷ đồng đầu tư gối vụ. Trại cá có 37 ao với 2 vạn cá thương phẩm, chủ yếu là cá hồi. Nếu thuận lợi, mỗi năm trại cá có lãi gần 2 tỷ đồng. Anh Nguyễn Thế Hải có quan hệ tín dụng với Agribank Chi nhánh Lào Cai nhiều năm nay. Anh chủ yếu vay theo hình thức gối vụ, tức là vay tiền đầu tư nuôi cá đến khi xuất bán sẽ trả cho ngân hàng, sau đó lại vay đầu tư vụ sau. Theo anh Nguyễn Thế Hải, nuôi cá nước lạnh phải đầu tư lớn, vì vậy người nuôi rất cần đến vốn vay ngân hàng. Nhiều năm qua, anh là khách hàng thân thiết được hỗ trợ vốn vay bởi Agribank Chi nhánh Sa Pa, từ đó anh có thêm nhiều cơ hội tăng thu nhập từ nuôi cá nước lạnh.

Nuôi cá nước lạnh là một trong những lĩnh vực đầu tư khá hiệu quả của Agribank Chi nhánh Sa Pa. Đến nay, dư nợ cho vay nuôi cá nước lạnh trên địa bàn đạt 22 tỷ đồng, tăng 7 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2019; dư nợ cho vay cá nước lạnh chủ yếu là ngắn hạn luân chuyển nuôi cá nên thu nợ dễ, không phát sinh nợ xấu.

Bà Trần Thị Thanh Phương, Giám đốc Agribank Chi nhánh Sa Pa cho biết: Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thời điểm người nuôi cá nước lạnh gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm. Lý do là cá nước lạnh Sa Pa chủ yếu được tiêu thụ cho các nhà hàng phục vụ khách du lịch, khi du lịch đóng băng đồng nghĩa với việc cá nước lạnh bị rớt giá. Trước tình hình đó, Agribank Chi nhánh Sa Pa đã cơ cấu lại nhóm nợ, giãn nợ, kéo dài thời gian trả nợ cho các trại cá gặp khó khăn. Với phương châm “hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn”, Agribank Chi nhánh Sa Pa cam kết đảm bảo đủ vốn góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá nước lạnh phát triển.

Định hướng của ngành nông nghiệp Sa Pa là thực hiện quản lý diện tích nuôi cá nước lạnh, phát triển sản xuất theo hướng an toàn sinh học, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cá, phấn đấu đến năm 2025, sản lượng cá nước lạnh đạt 650 tấn. Xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển nhãn hiệu cá nước lạnh, hình thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, chế biến đa dạng sản phẩm cá nước lạnh. 

Bát Xát đưa cá nước lạnh thành sản phẩm chủ lực

Tại thôn Ngải Chồ, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, sau 3 năm thực hiện mô hình nuôi cá nước lạnh, số bể chăn nuôi cá của gia đình ông Hoàng Kim Siểu đã tăng lên gấp đôi. Với hình thức nuôi gối bể, đến nay, trung bình mỗi năm gia đình ông Siểu có nguồn thu lên tới hàng trăm triệu đồng. Theo chia sẻ của ông Siểu, năm đầu nuôi cá nước lạnh thu nhập cũng chỉ đủ kinh phí đầu tư, nhưng sang năm thứ 2 đã bắt đầu có lãi. Từ đó, gia đình ông đã đầu tư xây thêm bể nuôi cá nhằm tăng năng suất chăn nuôi cũng như tăng thu nhập cho gia đình.

Hiện nay, trên địa bàn xã Dền Sáng, huyện Bát Xát có 5 cơ sở nuôi cá nước lạnh với diện tích mặt nước lên tới trên 2 ha, giúp các hộ chăn nuôi có thu nhập từ hàng trăm đến hàng tỷ đồng mỗi năm, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Ông Tẩn Phù Chỉn, Bí thư Đảng ủy xã Dền Sáng cho biết: "Vài năm gần đây, nghề nuôi cá nước lạnh đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho các hộ chăn nuôi. Trong thời gian tới, xã sẽ chỉ đạo các đơn vị tạo điều kiện cho người dân về thủ tục pháp lý để xây dựng cơ sở nuôi cá; đồng thời, phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn huyện Bát Xát tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn để thực hiện mô hình".

Hơn 10 năm kể từ khi hình thành tại một số xã vùng cao của huyện Bát Xát, nghề nuôi cá nước lạnh đã phát triển khá mạnh và đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Huyện Bát Xát đang định hướng phát triển cá nước lạnh thành sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế.

ca-nuoc-lanh.jpg
 
Kiểm tra nguồn nước trước khi thả nuôi.

Năm 2015, xã Nậm Pung bắt đầu có cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm. Đến nay, xã có 7 cơ sở nuôi với 76 bể cá, hơn 4.500 m2 mặt nước nuôi. Anh Hoàng Mạnh Tiến, kỹ sư thủy sản có nhiều kinh nghiệm nuôi cá tại xã Nậm Pung cho biết: Nuôi cá nước lạnh ban đầu rất khó nhưng khi có kinh nghiệm thì việc nuôi sẽ thuận lợi hơn. Điều quan trọng nhất để nuôi được cá là phải có nguồn nước sạch.

Tại trại nuôi cá nơi anh Tiến làm việc có 24 bể nuôi, bình quân mỗi năm thả nuôi hơn 30.000 con cá giống, mỗi bể nuôi từ 1.000 đến 1.200 con. Vụ nuôi kéo dài khoảng 8 tháng, mỗi năm cơ sở xuất ra thị trường hơn 35 tấn cá, giá bán bình quân từ 270.000 đến 300.000 đồng/kg. “Có thời điểm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cá hồi thương phẩm chỉ còn 140.000 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn có lãi”, anh Tiến cho biết.

Tại xã Phìn Ngan, năm 2016, một thanh niên tên là Vàng Láo Sử đã mạnh dạn đưa cá hồi về nuôi thử tại thôn Láo Vàng. Cuối năm 2017, Vàng Láo Sử thu lứa đầu tiên với 1,2 tấn cá hồi, thu lãi gần 100 triệu đồng. Cách làm của Vàng Láo Sử là đào bể đất rồi trải bạt để nuôi, từ đó giảm được vốn đầu tư ban đầu so với xây bể bê tông. Từ thành công của Vàng Láo Sử, năm 2018 tại thôn Láo Vàng đã có thêm 4 hộ nuôi cá hồi và đều thành công.

Ông Vàng Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan cho biết: Đến tháng 7/2020, tại thôn Láo Vàng đã có 8 trại nuôi cá hồi với khoảng 20 hộ chung nhau đầu tư bể nuôi theo mô hình của Vàng Láo Sử. Các trại nuôi có 35 bể, 1.864 m2 mặt nước nuôi, bể nuôi của các hộ ở Phìn Ngan chủ yếu là bể đất trải bạt. Qua đánh giá của xã thì việc nuôi cá nước lạnh những năm gần đây phát triển mạnh và đem lại hiệu quả.

Tính đến đầu tháng 8/2020, huyện Bát Xát có 41 cơ sở nuôi cá nước lạnh tại các xã Y Tý, Dền Sáng, Nậm Pung, Phìn Ngan, Pa Cheo, trong đó phát triển mạnh nhất là xã Dền Sáng - địa phương đầu tiên của huyện nuôi thử nghiệm cá nước lạnh (năm 2010). Đến nay, Dền Sáng đã có 19 cơ sở nuôi cá nước lạnh, với 154 bể nuôi, 15.464 m2 mặt nước nuôi.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bát Xát Sí Trung Kiên, cho biết: Những năm qua, nghề nuôi cá nước lạnh tại Bát Xát phát triển rất nhanh, mặc dù đây là nghề có nhiều rủi ro nhưng lại có thu nhập cao. Với việc phát triển mạnh nghề nuôi cá nước lạnh, huyện đang định hướng quy hoạch vùng nuôi để đảm bảo phát triển bền vững, đưa cá nước lạnh trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Huyện sẽ kêu gọi đầu tư chế biến sản phẩm từ cá nước lạnh, xây dựng sản phẩm OCOP từ cá nước lạnh. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 1 cơ sở sản xuất được sản phẩm như ruốc cá hồi, cá hồi hun khói… và 5 cơ sở đã đăng ký sản xuất sản phẩm cá nước lạnh theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo định hướng, huyện Bát Xát sẽ căn cứ nhu cầu đăng ký của các hộ tại các xã vùng cao, vùng có điều kiện phù hợp để nghiên cứu quy hoạch vùng nuôi hợp lý, giúp người dân mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh.

Vượt quy hoạch

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai, quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020 thể tích nuôi cá nước lạnh tại các vùng có tiềm năng là 54.500 m3, nhưng đến năm 2019 theo báo cáo của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã có 55.720 m3.

ca2.jpg

Ông Lưu Văn Quang là người đầu tiên nuôi cá nước lạnh tiêu chuẩn VietGAP ở Dền Sáng (Bát Xát, Lào Cai). Ảnh: KT.

“Ở các huyện nằm trong quy hoạch của tỉnh đã có những biến động lớn về quy mô, thể tích, số lượng. Vì vậy, việc thực hiện quy hoạch tại các địa phương cần có sự rà soát, điều chỉnh nhất là đã có thêm huyện Mường Khương bắt đầu đưa cá nước lạnh vào nuôi”, ông Nguyễn Xuân Nhẫn – PGĐ Sở NN-PTNT Lào Cai, cho biết.

Còn theo ông Đặng Quốc Hùng - Chánh Thanh tra Sở NN-PTPT Lào Cai, hiện nay ở xã Tả Giàng Phình, Bản Khoang (Sa Pa) và Dền Thàng (Bát Xát) có nhiều hộ dân tự ý xây một vài bể nhỏ nuôi cá hồi, cá tầm không có sự đồng ý của địa phương. Mặc dù, đồng bào thiểu số những nơi này còn khó khăn nhưng việc xử phạt vẫn thực hiện để răn đe, ngăn chặn tình trạng tự phát nuôi cá nước lạnh tràn lan như những năm trước.

Ở những hộ nuôi tự phát nhỏ lẻ, khi cá mắc bệnh, có trường hợp tự chữa cho cá bằng thuốc trong danh mục cấm khiến tồn dư hàm lượng kháng sinh trong cá cao. Cá của những hộ khác có thể bị lây bệnh do dùng chung nguồn nước.

Trước các vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Nhẫn – Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cho rằng, phải rà soát, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, lưu ý nhất là huyện Sa Pa nơi thường xuyên bị thiếu nước trong sản xuất và nuôi thương phẩm cá nước lạnh. 

Có biện pháp hỗ trợ kịp thời

Từ hiệu quả của việc chăn nuôi cá nước lạnh mang lại, Lào Cai hiện đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thể tích nuôi cá nước lạnh toàn tỉnh đạt 60.000m3, sản lượng đạt 730 tấn, tăng trưởng bình quân 1,8%/năm.

Để đạt được mục tiêu đề ra, chính quyền các địa phương sẽ quan tâm hỗ trợ người dân hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết khi mở cơ sở chăn nuôi cá nước lạnh; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay để xây dựng và nhân rộng mô hình.

Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và PTNT Là Cai sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cá nước lạnh cho các hộ dân có nhu cầu; khuyến khích các hộ chăn nuôi cá nước lạnh liên kết để hỗ trợ nhau trong quá trình chăn nuôi; đồng thời thực hiện tốt việc kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các hộ chăn nuôi cá nước lạnh.

Theo V.N (tổng hợp)/kinhtenongthon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập132
  • Hôm nay15,298
  • Tháng hiện tại461,851
  • Tổng lượt truy cập92,839,515
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây