Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh như thế tại đại hội Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) tổ chức tại TP.HCM ngày 4/12.
Theo Bộ NNPTNT, kinh tế trang trại là xu thế tất yếu để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Những năm gần đây, kinh tế trang trại ngày càng khẳng định được vị thế của mình.
10 năm qua, số lượng trang trại nông nghiệp cả nước đã tăng 1,75 lần; từ 20.065 trang trại năm 2011, đến nay đã có 34.348 trang trại, tốc độ tăng trưởng bình quân gần 7% trên năm.
Cùng với đó, số doanh nghiệp nông nghiệp cũng liên tục tăng trong các năm qua. Hiện cả nước đã có trên 12.940 doanh nghiệp nông nghiệp.
Các trang trại nông nghiệp đang sử dụng khoảng 184.000ha đất, bình quân 5,3 ha/trang trại và thu hút khoảng 130.000 lao động thường xuyên ở nông thôn với thu nhập bình quân khoảng 4,9 triệu đồng tháng. Nhiều mô hình trang trại cho thu nhập cao, doanh thu từ 3-5 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, kinh tế trang trại phát triển thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh phát triển nông sản hàng hóa.
Đồng thời huy động được lượng vốn đầu tư lớn trong dân để phát triển nông lâm ngư nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nhiều nông hộ.
Những thành công nói trên có sự đóng góp quan trọng của Hiệp hội trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) với vai trò là trung tâm tập hợp các trang trại, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nam đánh giá, sự phát triển của các trang trạng hiện nay cũng đối mặt với nhiều vấn đề thách thức, từ rủi ro của thời tiết, dịch bệnh, và các diễn biến bất lợi của thị trường.
Quy mô sản xuất của trang trại nhìn chung còn nhỏ, số lượng trang trại ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản chưa nhiều. Lao động trong các trang trại đa số chưa qua đào tạo, chiếm đến 97%.
Việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp cũng chưa được chú trọng nhiều do trang trại chủ yếu là quy mô nhỏ. Một số trang tại lại phân bố ở vùng sâu vùng xa, dẫn đến sử dụng nhiều lao động, hiệu quả thấp.
Thời gian tới ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục đối diện nhiều thách thức. Bối cảnh mới đòi hỏi VFAEA phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức, phương thức và hiệu quả hoạt động.
Trong đó tập trung hỗ trợ để các trang trại mở rộng quy mô, nhất là quy mô sản xuất; nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, nâng cao giá trị hàng hóa các trang trại thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất phẩm chất lượng sản phẩm.
Thứ trưởng lưu ý, để nâng cao giá trị nông sản, việc mở rộng diện tích đất sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các đô thị. Khoa học công nghệ mới là yếu tố quyết định.
"Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn công nghệ cao chỉ đơn giản là đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt hay xây dựng nhà màng, nhà lưới", Thứ trưởng nói.
Theo đó, công nghệ cao được thể hiện trước hết là ở giống cây, giống con. Tiếp theo là công nghệ số; công nghệ trong sơ chế, chế biến, bảo quản và cuối cùng công nghệ phát triển thương hiệu.
Đơn cử, các sản phẩm tham gia chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), đôi khi không được tạo ra từ quy mô đầu quá tốn kém, hay công nghệ hàng đầu thế giới nhưng vẫn được các siêu thị tiêu thụ tốt.
Cũng liên quan đến yếu tố công nghệ; nhiều nơi, nhiều tổ chức chỉ mới quan tâm đến công nghệ tiên tiến của nước này, nước kia mà quên đi công nghệ cho ATTP và công nghệ cho an toàn lao động.
"Nhiệm kỳ mới, Hiệp hội VFAEA có vai trò lớn trong việc khắc phục các điểm yếu này để trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng phát triển", Thứ trưởng Nam lưu ý.
Kết quả đại hội VFAEA nhiệm kỳ III (2020-2025) đã bầu ra Ban chấp hành mới. Theo đó, ông Lê Duy Minh tiếp tục giữ chứ Chủ tịch Hiệp hội.
Cũng trong nhiệm kỳ mới này, ông Nguyễn Khắc Toàn – Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã được bầu làm Phó chủ tịch VFAEA.
Chia sẻ tại đại hội, Bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương các kết quả mà VFAEA đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm, giữa Hội Nông dân và VFAEA có mối liên hệ khá mật thiết. VFAEA có nhiệm vụ hỗ trợ các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp. Đây là cũng đồng thời là nhiệm vụ, mục tiêu của Trung ương Hội để vận động, giúp đỡ nông dân trưởng thành, phát triển.
Vì thế, việc cán bộ của Trung ương Hội Nông dân được bầu làm Phó chủ tịch VFAEA vừa là vinh dự vừa gắn liền với trách nhiệm chung tay phát triển Hiệp hội.
Cùng với sự hỗ trợ của VFAEA, Trung ương Hội kêu gọi nông dân tích cực tham gia và Hội, vào công tác hội, nhất là những nông dân tiêu biểu để dẫn dắt phong trào nông dân đi lên.
Thời gian tới, Trung ương Hội Nông dân và VFAEA sẽ tăng cường hơn nữa tính liên kết, phối hợp chặc chẽ hơn để giúp nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
https://danviet.vn/thu-truong-bo-nnptnt-dung-nham-lan-nong-nghiep-cong-nghe-cao-chi-la-nha-mang-ong-tuoi-nho-giot-20201204150524365.htm
Nguồn tin: Nguyễn Vy/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã