Dấu tích lỵ sở cũ không còn nhưng xã Đông Hòa Hiệp hiện đang sở hữu hai vốn quý hình thành từ xa xưa. Đó là Làng cổ Đông Hòa Hiệp và làng nghề bánh phồng mì hết sức nổi tiếng, được du khách trong và ngoài nước biết đến. Đặc biệt, Làng cổ Đông Hòa Hiệp đã được công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia và là một trong 03 làng cổ tiêu biểu của Việt Nam được Tổng cục Du lịch và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Còn làng bánh phồng mì thu hút hàng trăm hộ dân làng nghề cha truyền con nối cũng được công nhận là một trong những làng nghề tiêu biểu của tỉnh. Đây là những lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở xã Đông Hòa Hiệp hôm nay.
Ông Võ Minh Nhựt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Hòa Hiệp cho biết, toàn xã có diện tích tự nhiên gần 1.300 ha, trong đó có trên 1.000 ha đất nông nghiệp với trên 3.900 hộ dân và khoảng 13.300 nhân khẩu đang sinh sống trên địa bàn 07 ấp là: An Bình Đông, An Hiệp, An Hòa, An Lợi, An Ninh, An Thạnh, Phú Hòa. Địa phương có tiềm năng về phát triển nông nghiệp gắn với dịch vụ, du lịch, mở mang công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động.
Đánh thức các tiềm lực kinh tế, giúp nhân dân an cư lạc nghiệp, giàu có, thịnh vượng là một trong những yếu tố giúp xã Đông Hòa Hiệp xây dựng nông thôn mới thành công. Với định hướng như trên, xã đã cơ bản chuyển đổi 100% diện tích vườn sang trồng chuyên canh các cây ăn trái đặc sản như: Xoài cát Hòa Lộc, cây có múi, mít Thái siêu sớm,... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng trái cây các loại đạt trên 20.000 tấn/năm. Ngành chăn nuôi cũng phát triển, với tổng đàn lợn 37.500 con, đàn gia cầm 225.000 con và nhiều vật nuôi có giá trị kinh tế khác.
Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trong những năm qua được chú trọng mở mang, thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển địa phương. Cụm công nghiệp An Thạnh đầu tư xây dựng trên địa bàn ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp đã thu hút trên 70 cơ sở xay xát, chế biến lương thực, thực phẩm, kinh doanh thương mại - dịch vụ, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Nhờ vậy, giúp nâng thu nhập bình quân đầu người hiện nay lên 62,2 triệu đồng/người/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức 2,13%. Xã hiện không còn hộ chính sách nằm trong diện hộ nghèo.
Ngoài ra, xã Đông Hòa Hiệp là một trong những địa phương đi đầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới tại huyện Cái Bè. Năm 2016, xã được công nhận đạt 100% tiêu chí và ra mắt xã nông thôn mới. Đầu năm 2021, địa phương tiếp tục được công nhận và ra mắt xã nông thôn mới nâng cao. Thành quả trên có sự đóng góp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là huy động được các nguồn lực kiến thiết hạ tầng, kiện toàn cơ sở vật chất, tạo diện mạo nông thôn mới xanh - sạch - đẹp và văn minh.
Theo lãnh đạo xã Đông Hòa Hiệp, để đạt xã nông thôn mới, nhân dân địa phương đã góp hàng chục tỷ đồng kiến thiết hạ tầng, phát triển giao thông nông thôn, hoàn thiện cầu cống theo chuẩn quốc gia. Còn để ra mắt xã nông thôn mới nâng cao, xã tiếp tục huy động nguồn lực gần 100 tỷ đồng, trong đó riêng nhân dân địa phương đóng góp gần 20 tỷ đồng, chiếm 20% tổng nguồn vốn đầu tư. Nhờ vậy, mạng lưới kênh, mương thủy lợi và đê bao ngăn lũ hoàn thiện phục vụ tốt sản xuất và đời sống, góp phần giảm nhẹ thiên tai; đường sá, giao thông phát triển giúp kết nối giao thương, thuận lợi để mở mang ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch phục vụ du khách tham quan làng cổ và các làng nghề tại địa phương. Từ đó, tạo diện mạo mới cho miền đất từng trải qua những thăng trầm lịch sử ở Nam bộ đang thực sự chuyển mình, vươn lên giàu đẹp.
Ông Trần Nghĩa Hiệp, cư ngụ tại ấp An Bình Đông, xã Đông Hòa Hiệp bộc bạch, đây là chương trình mang lại lợi ích thiết thực mà người dân trực tiếp thụ hưởng, góp phần thay đổi diện mạo, đời sống mọi mặt, xóa dần sự tách biệt giữa thành thị và nông thôn, đưa nông thôn phát triển theo hướng hiện đại hóa. Từ khi ra mắt xã nông thôn mới nâng cao, môi trường sống nơi đây ngày càng tốt hơn, nhà cửa khang trang, hộ nào cũng xây dựng ba công trình vệ sinh đạt chuẩn, rác thải được thu gom, cảnh quan nông thôn luôn xanh - sạch - đẹp, đường sá phẳng phiu, an ninh trật tự và an toàn giao thông được đảm bảo; hệ thống y tế và giáo dục phát huy hiệu quả chăm sóc tốt sức khỏe, tạo điều kiện học hành nâng cao dân trí, nông dân nâng cao ý thức về phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi sinh, môi trường,...
Ông Võ Minh Nhựt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Hòa Hiệp chia sẻ, ngày nay, diện mạo kinh tế - xã hội địa phương có nhiều thay đổi sâu sắc, mạnh mẽ từ Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nông thôn khoác lên mình màu áo mới, các tiềm lực kinh tế được phát huy vì cuộc sống người dân an cư lạc nghiệp,...Chỉ tính riêng về du lịch, mỗi năm, xã thu hút từ 120.000 đến 150.000 du khách, chủ yếu tham quan Làng cổ và làng nghề bánh phồng mì.
Làng cổ Đông Hòa Hiệp tập trung dọc sông Cái Bè và rạch Bà Hợp với 10 ngôi nhà cổ có tuổi đời vài trăm năm còn giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc đặc trưng Nam bộ. Hàng năm, Lễ hội Làng cổ được tỉnh Tiền Giang tổ chức vào tháng 11 thu hút hàng chục ngàn lượt du khách tham quan, góp phần quảng bá, giới thiệu về đất và người Đông Hòa Hiệp giàu bản sắc văn hóa, chân tình, mến khách. Ông Võ Minh Nhựt khẳng định, với việc xây dựng nông thôn mới thành công và ra mắt xã nông thôn mới nâng cao đang mở ra cơ hội phát triển có một không hai cho xã Đông Hòa Hiệp, đặc biệt là tạo điều kiện để "du lịch Làng cổ" cất cánh, bay cao, bay xa hơn trong tương lai.
Theo Mộng Tuyết/tiengiang.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;