Học tập đạo đức HCM

Đã hết thời của một nền nông nghiệp giá rẻ

Thứ hai - 02/04/2012 00:14
Không nên công nghiệp hóa kiểu phong trào và bằng bất cứ giá nào, công nghiệp hóa kiểu thâm dụng lao động, và nguy hiểm hơn nữa, coi đó là giải pháp cho việc giải quyết gốc rễ vấn đề nông thôn và nông dân, chứ không phải dùng nông nghiệp để giải quyết bài toán này. Nông nghiệp phải là nền tảng, để trên cái nền đó phát triển công nghiệp chế biến và các dịch vụ liên quan để gia tăng giá trị cho nông sản. - GS Peter Timmer.
LTS: Nghị quyết 26 của Trung ương Đảng về Tam nông, được thông qua tại hội nghị lần 7 của BCH TW khoá 10 vào đầu tháng 8.2008, đã nêu rõ:
 
"Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt..."
 
Kể từ đó đến nay, một chương trình hành động của chính phủ đã được ban hành và nhiều nỗ lực cụ thể không chỉ của chính phủ đã được thực hiện. Giới chuyên gia cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc làm nóng lên các cuộc tranh luận về chủ đề này.
 
Mục "Gặp gỡ & Đối thoại" của Tuanvietnam tuần này xin được giới thiệu cuộc trao đổi giữa phóng viên Huỳnh Phan và Giáo sư Peter Timmer, thành viên không thường trực của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Develoment - CGD), người hiện đang giữ ghế danh dự Giáo sư Thomas D. Cabot về nghiên cứu phát triển tại Đại học Harvard, trong hai dịp ông sang dự hội thảo ở Việt Nam vào đầu và cuối năm 2011.
 
GS. Timmer là chuyên gia hàng đầu thế giới về kinh tế nông nghiệp và kinh tế phát triển với số lượng lớn đóng góp nghiên cứu khoa học và uy tín quốc tế thông qua các hoạt động cố vấn chính sách phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực và mô hình phát triển kinh tế nông thôn cho chính phủ các quốc gia Đông Á, trong đó có Indonesia, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam.
 
Trong lần tới thăm Việt Nam vào năm 2008, thời điểm thế giới đối diện với khủng hoảng lương thực, thị trường gạo Việt Nam đang có nhiều biến động, GS Timmer đã nhận định giá gạo tuy đang tăng cao, nhưng sẽ nhanh chóng đảo chiều. Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã thực hiện các điều chỉnh chính sách, tuy hơi muộn...
 
Phóng viên Huỳnh Phan: Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu giá lương thực tăng có thể đẩy nhanh lạm phát hay không?
GS. Timmer
Giáo sư Peter Timmer: Tôi xin trả lời là không.
 
Tôi nghĩ ngành sản xuất lúa gạo ở Việt Nam luôn có mối liên quan chặt chẽ với những gì diễn ra trên toàn cầu. Tất nhiên, Việt Nam có khoảng 10-15% dân sô thực sự rất nghèo, và giá lương thực tăng sẽ làm cho cuộc sống của họ đã khó lại càng khó hơn.
 
Nhưng bạn không thể giải quyết câu chuyện giảm nghèo bằng cách kìm giữ giá lúa gạo ở mức thấp, bởi vì vẫn có một tỷ lệ lớn hơn những người nông dân làm ăn rất giỏi và được hưởng lợi do giá gạo trên thế giới tăng lên. Đất nước cũng được lợi khi có thêm ngoại tệ.
 
Nói một cách ngắn gọn, chính phủ nên nghĩ cách khác hợp lý hơn để giải quyết vấn đề đói nghèo.
 
 
GS. Timmer
Giáo sư có gợi ý gì không?
 
Về ngắn hạn, nên dùng một phần giá trị gia tăng, do yếu tố tăng giá, từ xuất khẩu gạo để giúp cho những người dân nghèo, để họ không bị đói và con cái họ vẫn có thể đến trường, vẫn được chữa bệnh khi ốm đau.
 
Còn về lâu dài, phải tìm cách tạo việc làm. Đây là yếu tố cơ bản để chuyển bớt lao động nông nghiệp sang những khu vực ngành nghề khác, và diện tích thực tế mà mỗi người nông dân có để canh tác lớn hơn. Bởi như vậy mới áp dụng được những kỹ thuật mới một cách hiệu quả, cũng như giảm chi phí sản xuất.
 
Ý ông nói là Việt Nam nên tách riêng câu chuyện xuất khẩu gạo và việc đảm bảo đời sống tối thiểu cho người nghèo do giá cả tăng lên theo giá lúa gạo? Tức là không nên nhân danh người nghèo để hạn chế nguồn lợi chính đáng của những người lao động khác?
 
Đúng vậy. Xuất khẩu là kinh doanh, còn giảm nghèo là câu chuyện kết hợp của công ích trong ngắn hạn, và tạo công ăn việc làm trong trung và dài hạn.
 
Vào tháng 5.2008, chúng tôi cố gắng ngăn chặn đà tăng giá gạo, và tôi nói rằng Việt Nam cũng là một phần của giải pháp này. Thế nhưng giới chức Việt Nam đã không thay đổi chiến lược xuất khẩu gạo của mình kịp thời. Gặp tôi hồi đầu năm 2011, Bộ trưởng Cao Đức Phát có bảo đảm với tôi rằng ông sẽ không lặp lại sai lầm đó nữa.
 
Xin Giáo sư, theo những nguồn thông tin riêng và góc nhìn của mình, cho biết liệu chính sách tạm dừng xuất khẩu gạo vào thời điểm đó có hoàn toàn vì mục tiêu kiềm chế lạm phát, như không ít chuyên gia kinh tế ở Việt Nam vẫn nghĩ, không?
 
Hay như đánh giá của một chuyên gia về nông nghiệp, đề nghị không nêu tên, chính những nhà xuất khẩu gạo cũng tác động vào chính sách này theo hướng có lợi cho họ. Chả là cuối năm 2007, họ đã lỡ ký trước những hợp đồng xuất khẩu gạo với giá thấp, và vì vậy họ sẽ lỗ nặng khi phải thu mua lúa gạo của nông dân với giá cao.
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát có giải thích với tôi rằng trước đó miền Bắc chịu một đợt rét khủng khiếp và kéo dài, phải gieo cấy lại, và ông sợ rằng vụ lúa Đông Xuân sẽ thất thu, sẽ có nạn đói, nếu Việt Nam duy trì xuất khẩu gạo.
 
Mặc dù, cuối cùng, ông bộ trưởng cũng đã nhận thấy rằng bản báo cáo mang tính dự báo đã thổi phồng lên các nguy cơ. Giờ thì ông ta đã hiểu rằng đợt rét diễn ra ở miền Bắc, chứ không phải ở miền Nam - "vựa lúa" chính của Việt Nam. Hơn nữa, sau đợt rét lúa kéo dài, lúa cấy lại vẫn phát triển tốt, và vụ còn lại (vụ hè thu) hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì. Thế nhưng, quyết định đã được đưa ra dựa trên sự thổi phồng đó.
 
Tất nhiên, mục tiêu kiềm chế lạm phát, theo tôi hiểu, cũng là một lý do khác liên quan đến điều hành kinh tế vĩ mô của chính phủ Việt Nam. Còn cái giả định rằng các nhà xuất khẩu gạo đã tác động đến chính sách thì tôi không biết cụ thể, nên xin miễn bình luận. Mặc dù, với những hiểu biết về Việt Nam hơn hai thập kỷ qua, tôi hoàn toàn có thể tin vào điều đó.
 
Ở Việt Nam có ý kiến cho rằng giá lúa gạo luôn được giữ ở mức đủ thấp, ngoài câu chuyện kiềm chế lạm phát, để giúp duy trì lợi thế nhân công giá rẻ khi thu hút đầu tư nước ngoài để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Liệu Giáo sư có thể hình dung chuyện gì sẽ xảy ra với đội ngũ nhân công giá rẻ này, nếu giá lương thực tăng cao, không?
 
Anh còn phải hỏi tôi nữa. Quá đúng! Và điều đó đã giúp Việt Nam có thể thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa theo hướng thâm dụng lao động giá rẻ.
 
Tôi nghĩ, công bằng mà nói, Việt Nam cũng có những thành công nhất định. Nhưng, rõ ràng với định hướng công nghiệp hóa mới, trong đó sẽ giảm dần tỷ lệ tận khai tài nguyên thiên nhiên và sức lao động giá rẻ, theo Giáo sư, liệu Việt nam có nên định hướng lại nền sản xuất nông nghiệp của mình không?
 
Tôi không nghĩ là Việt Nam còn có sự lựa chọn trong việc tiếp tục một chiến lược duy trì lương thực ở giá rẻ, bởi lương thực trên thị trường thế giới đã không còn rẻ nữa rồi. Hơn nữa, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, và việc ngưng xuất khẩu gạo như hồi đầu năm 2008, để kiềm chế lạm phát trong nước, là một ý tưởng tồi. Thế giới nhìn Việt Nam bằng con mắt thiếu thiện chí, nông dân không được hưởng lợi mấy từ thành quả của họ, còn gạo thì bị tồn kho với số lượng lớn.
 
Như vậy, vấn đề ở đây đã không còn chỉ liên quan tới chính sách phát triển nông nghiệp nữa, mà phụ thuộc vào chiến lược phát triển mới của Việt Nam.
 
Vậy, theo quan điểm của Giáo sư, điều cốt lõi cần phải nhấn mạnh trong chiến lược phát triển mới của Việt Nam là gì?
 
Trước hết, tôi muốn điểm lại cách mà xưa nay Việt Nam vẫn làm trong chiến lược công nghiệp hóa. Đó là rút lao động ra khỏi nông thôn, chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp. Họ muốn dùng công nghiệp hóa để giải quyết vấn đề nông thôn, nông dân, chứ không phải dùng nông nghiệp để giải quyết bài toán này.
 
Khi công nghiệp hóa và đô thị hóa, người ta cho rằng sự đền bù đất nông nghiệp bị thu hồi cao gấp bội như vậy là có lợi cho người nông dân lắm rồi. Chả phải làm gì cả tự nhiên có một món tiền lớn. Bài toán tính đơn giản quá, bởi "tiếp theo những người nông dân mất đất sẽ làm gì để kiếm sống, sau khi tiêu hết tiền?"
 
Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, mà tại sao lại không sử dụng thế mạnh đó để làm ra những gì mà thế giới đang khát khao. Bởi có những nước có tiền, nhưng không có được lương thực, nông sản...
 
Chẳng hạn, ở Mỹ thu nhập của người nông dân thấp hơn nhiều so với luật sư, mà Mỹ vẫn phải hỗ trợ nông dân để duy trì được nền nông nghiệp hùng mạnh như thế. Mặc dù nông nghiệp không phải là ngành mang lại nhiều tiền cho nước Mỹ, nhưng trình độ, chất lượng của ngành nông nghiệp Mỹ lại rất cao. Tại sao vậy?
 
Tại vì đó là cách để đảm bảo một sự cân bằng nhất định trong quan hệ của Mỹ với các nước khác. Nước Mỹ cần phải làm chuyện đó, để khỏi phụ thuộc vào nước ngoài.
 
Nhiều nước cũng muốn làm như vậy, nhưng điều kiện tự nhiên không ưu đãi. Vậy tại sao Việt Nam lại từ bỏ cái sở trường của mình và chạy theo cái sở đoản, và luôn phải chấp nhận vị trí kẻ lẹt đẹt ở đằng sau?
 
 
 
Thế là Việt Nam phải từ bỏ "giấc mộng vàng" công nghiệp hóa hay sao?
 
Đừng cực đoan như vậy. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng không nên công nghiệp hóa kiểu phong trào và bằng bất cứ giá nào, công nghiệp hóa kiểu thâm dụng lao động, và nguy hiểm hơn nữa, coi đó là giải pháp cho việc giải quyết gốc rễ vấn đề nông thôn và nông dân.
 
Việt Nam vẫn nên coi nông nghiệp là nền tảng, để trên cái nền đó phát triển công nghiệp chế biến và các dịch vụ liên quan để gia tăng giá trị cho nông sản, như khai thác tính cộng đồng, hay phát triển dịch vụ du lịch.
 
Chỉ có phát triển nông nghiệp bền vững mới thực sự giúp nông dân thoát đói nghèo. Chứ còn làm nông nghiệp theo kiểu tàn phá môi trường, hay thâm canh, trước sau sẽ kéo nông dân quay lại với đói nghèo.
 
Tôi muốn nhấn mạnh rằng thâm canh quá mức tạo ra những khí thải tác động đến môi trường, và thực sự nông nghiệp Việt Nam đang có một bước lùi khi sau một vụ canh tác lại cần tới 1,5 vụ để tái tạo lại đất như trạng thái ban đầu.
 
Giáo sư nghiên cứu khá kỹ về nền nông nghiệp Việt Nam, nhất là lịch sử nông nghiệp, từ hơn hai thập kỷ qua. Vậy Giáo sư có thể nêu nguyên nhân tại sao ở Việt Nam, cho tới nay, người ta ít quan tâm đến nông nghiệp?
 
Ở Việt Nam xưa nay nông nghiệp luôn bị coi là một ngành có giá trị lợi nhuận thấp, mà rủi ro cao. Vì thế, chả ai muốn đầu tư cho nông nghiệp cả.
 
Còn bản thân người nông dân, lẽ ra là nhân vật trung tâm trong nông nghiệp, lại không đủ năng lực cần thiết. Trong chuyến khảo sát ngắn ở Tây Nguyên, trước khi diễn ra hội thảo về cà phê (3.2011), tôi thấy nông dân còn nghèo lắm.
 
Tôi sẽ cố gắng đưa các chương trình nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Viện Khoa học Công - Nông nghiệp Tây nguyên, hay Đại học Tây nguyên, đến với nông dân Tây Nguyên. Bởi nếu không được đào tạo để nhận chuyển giao công nghệ, người nông dân sẽ đứng bên lề quá trình chuyển đổi trong nông nghiệp.
 
Theo tôi một thách thức rất lớn của Việt Nam khi chuyển đổi sang nền nông nghiệp kỹ thuật cao là vấn đề tích tụ ruộng đất. Ở Mỹ một trang trại rộng bốn, năm trăm héc ta nên rất dễ áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, như phun thuốc, haygieo hạt bằng máy bay. Ở Việt Nam nếu mỗi hộ nông dân có được 5 héc ta đất chắc cũng là chuyện cực kỳ khó khăn, bởi theo tôi biết mỗi hộ bây giờ chỉ được giao 1/5, hay thậm chí 1/10 diện tích đó.
 
(Còn tiếp...)
Nguồn vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập77
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm74
  • Hôm nay25,037
  • Tháng hiện tại1,105,920
  • Tổng lượt truy cập92,279,649
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây