Học tập đạo đức HCM

Trở lại "Thung lũng đói"

Thứ ba - 04/03/2014 01:31
“Thung lũng đói’’ là tên một bài báo trên NNVN cách đây chưa lâu. Nay trở lại, "đói" đã xa vời vợi, thay vào đó là bức tranh hoàn toàn mới.
Trở lại Thung lũng đói
Đường GTNT giúp người dân đi lại thuận tiện

Vừa sáng sớm, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đức (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) Bạch Hưng Nam đã điện thoại cho tôi: Anh đến xã đi, hôm nay em ở cơ quan, không phải họp hành gì cả.

Tới nơi, Bí thư Đảng ủy xã Lục Đình Phúc bắt tay tôi mừng thắm thiết: Nghĩa Đức bây giờ khá rồi, không còn cảnh “Thung lũng đói’’ như ngày trước Báo NNVN phản ánh đâu.

Nhắc tới "thung lũng đói", tôi kể lại với Bí thư và Chủ tịch xã Nghĩa Đức: Cũng cách đây chưa xa, ngày ấy tôi đến xã, nhưng cứ đi lang thang hết làng trên xóm dưới, mãi tới tối mịt mới về trụ sở xã. Tiếp tôi, Chủ tịch xã khi đó là anh Trần Đăng Khoa và một tốp cán bộ dẫn đến một nhà dân gần đó rồi làm xôi, thịt rất thịnh soạn.

Thấy tôi không hào hứng trong việc chúc tụng rượu mà mặt mày cứ ủ rũ trầm ngâm, ông Khoa bảo: Anh này lạ, có việc gì không nên không phải thì cứ nói, chứ sao lại buồn thiu như bị gái bản hút mất hồn vậy. Buồn, nhưng tôi không thể nào nói ra được trong cuộc rượu. Sáng hôm sau tôi nhờ anh Khoa đưa đi làng Nung, làng Ráng là nơi heo hút nhất, cách trụ sở ủy ban xã hơn mười cây số, đi theo đường rừng.

Ngày ấy cũng mới ra tháng Giêng thôi, nhưng cả làng Ráng và Nung đã đói, không có nhà nào còn gạo. Đất đai rộng nhưng người dân chỉ toàn trồng cây sắn. Và từ sáng cho đến tối nhà nào cũng phải ăn sắn thay cơm. Sắn luộc ăn chán rồi thì ăn sắn phơi khô đã hông, hoặc sắn tươi hông chín rồi cho vào cối đâm ra thành bánh dẻo.

Hôm ấy đã quá trưa, xóm trưởng có ý mời cán bộ ở lại làng ăn một bữa cơm, nhưng đi khắp nơi mà xóm trưởng vẫn không vay được ống gạo nào.

Trở về nhà, suốt cả đêm tôi viết bài “Thung lũng đói’’.

Hơn một tháng sau khi Báo NNVN đăng bài, các đoàn cán bộ của tỉnh và huyện đã đến xã Nghĩa Đức để khảo sát, kiểm tra sự đói nghèo của dân. Cuối năm, ông Khoa bảo tôi: Làng Ráng và Nung đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 công trình thủy lợi tràn qua khe làng Nung và làng Ráng.

Nghe tôi kể, Chủ tịch xã Bạch Hưng Nam bảo: Chúng tôi ai cũng biết chuyện này, nhưng bây giờ thì khác hẳn. Kinh tế làng Ráng và Nung nay đã khá, bởi sau khi được huyện đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, xã đã tập trung chỉ đạo bà con nông dân vỡ hoang đất để trồng lúa nước. Diện tích đất gần 70 ha của 2 làng trồng sắn cằn cỗi trước đây nay đã được chuyển sang trồng cây mía. Mía ở đây được đầu tư chăm bón đúng bài bản, lại được bơm tưới khi trời khô hạn nên năng suất, chất lượng được đánh giá là cao nhất so với toàn xã. Theo đó đời sống của bà con đã có của ăn, của để.

Hiện trên 70% trong số 118 hộ của cả 2 làng đã có xe máy. Đặc biệt dân chúng ở đây rất vui mừng phấn khởi, bởi dù có ở xa trung tâm xã, nhưng đến nay nhà nào cũng có điện thắp sáng và mua sắm được ti vi cùng các thiết bị khác như quạt điện, máy bơm.

Kinh tế của xã nay cũng đã chuyển mình vươn lên. Cây lúa do được tưới tiêu chủ động, chăm bón đúng kỹ thuật, phòng trừ bệnh hại kịp thời nên mỗi vụ Nghĩa Đức cấy được 375 ha, năng suất đạt 86 tạ/ha. Mía là cây chủ lực của vùng đất bãi ở đây, bởi vậy nhà nào cũng có diện tích đất trồng mía. Kết thúc vụ ép mía năm 2013, bà con đã trồng được 842 ha, tổng sản lượng đạt 52 ngàn tấn (diện tích và sản lượng tăng 40,5% so với năm 2012).

Ông Nam bảo: Mía chưa phải là cây làm giàu nhưng vì nó có đầu ra ổn định nên bà con rất chăm chỉ đào đất lật cỏ, để dồn đến cuối năm có một khoản tiền tích lũy. Còn việc tiêu pha ăn uống hằng ngày và nuôi con ăn học là phải làm cách khác.

Đó là phát triển nghề chăn nuôi.

Trong đó dê rất phù hợp với địa hình đồi núi lá cây nhiều, thịt dê lại đắt tiền, muốn bán lúc nào cũng có người săn hỏi. Đầu năm ngoái xã mới xây dựng khuyến cáo vài mô hình nhưng đến cuối năm đàn dê của xã đã phát triển lên đến 679 con.

Và cũng nhờ có sự phát triển về kinh tế nên đến nay nhân dân đã đóng góp được 2 tỷ đồng để xã triển khai công tác dồn điển đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng.

Hệ thống đường GTNT của các làng cũng đã được tu sửa nâng cấp, trong đó đã đổ bê tông được 2 km.

Nhắc tới chuyện giao thông, Bí thư Đảng ủy xã Lục Đình Phúc bảo: Nghĩa Đức là vùng sâu, vùng xa nhất huyện, từ đây lên huyện hơn 30 cây số. Đây là xã mà một tiếng gà gáy thì bên kia hai huyện Qùy Hợp và Tân Kỳ đều nghe cả. Tuy nhiên, nói đến đường sá thì nan giải quá. Mùa khô tuy bụi mù trời nhưng xe cộ có thể đến xã được, nhưng về mùa mưa thì Nghĩa Đức như bị cô lập hoàn toàn, bởi đất đỏ quyện với đất sét dính thì người đi bộ còn khó, huống chi là xe máy với ô tô. Khu vực trung tâm xã cũng vậy, đến nay đất đá cứ trồi lên sạt xuống trông rất thảm.

Hỏi về nội lực thì Chủ tịch xã bảo, chúng tôi cũng đã bàn đi tính lại, cân đối nhiều rồi, nhưng giao thông khu vực trung tâm là một việc quá lớn so với sức dân.

Rời trụ sở ủy ban xã Nghĩa Đức, tôi được anh Lưu Văn Hậu ở xóm 11 đèo xe máy đi chơi các làng suốt cả sáng, đến trưa vào thăm hang Rú Ấm. Tới cửa hang thấy tôi cứ tần ngần, Hậu bảo đây là di tích lịch sử cách mạng đấy.

Vâng, tôi biết đầu tháng 10/1930 đây là nơi khai sinh Chi bộ Đảng đầu tiên ở miền Tây xứ Nghệ. Trải qua bao biến cố thăng trầm, tại hang Rú Ấm đúng ngày 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể nhân dân Nghĩa Đàn đã nhất tề đứng lên lật đổ bộ máy huyện đường, phá tan xiềng xích của chế độ thực dân Pháp. Ngày 22/8/2012, UBND tỉnh Nghệ An đã công bố hang Rú Ấm là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Tôi hiểu giá trị lịch sử to lớn tại hang động này, nhưng điều làm tôi ngơ ngác là đến nay trước cửa hang Rú Ấm vẫn hoang tàn, cỏ cây dây dại mọc um tùm. Phía trong hang đẹp như một danh thắng bởi các ngõ ngách được thạch nhũ buông mành che kín đáo. Đây chính là nơi các đảng viên tiền bối đã từng sinh sống, hội họp hằng ngày để lãnh đạo nhân dân đứng lên theo cách mạng.

Vậy nhưng đến nay sao nó vẫn cứ im lìm lạnh lẽo?

Chợt nhớ tới điều trăn trở của Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đức Lục Đình Phúc: Hệ thống đường giao thông tại trung tâm xã và đường đi tới khu di tích lịch sử đang là điều nan giải nhất.

Và tôi nghĩ, khát vọng từ Rú Ấm thì đến nay chắc mọi người ai cũng hiểu.

Theo Nongnghiep.vn

 


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập275
  • Hôm nay39,099
  • Tháng hiện tại814,377
  • Tổng lượt truy cập91,988,106
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây