Sáng trung tuần tháng 7 nắng như đổ lửa nhưng hàng chục hộ dân xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên vẫn say sưa cuốc cuốc, xới xới, cắt cỏ, tưới nước chống hạn cho cây ăn quả trong vườn.
Ông Nguyễn Văn Trung, thôn Tân An dù đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng khí thế lao động vẫn còn hừng hực trong vị nguyên Bí thư Đảng ủy đã có 53 tuổi Đảng.
Ông Trung bảo, vai đã mỏi, gối đã chùn vì tuổi tác nhưng tinh thần gương mẫu trong phát triển sản xuất, xây dựng quê hương của ông vẫn vẹn nguyên như lời bài thơ “Tặng các cụ phụ lão” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Càng già càng dẻo, lại càng dai/ Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai/ Đôn đốc con em làm nhiệm vụ/ Vuốt râu mừng xã hội tương lai”.
Ông Trung là người gốc Cẩm Bình, sau khi lập gia đình với bà Trần Thị Hữu (75 tuổi) vào năm 1960, ông đầu quân cho HTX Cẩm Bình rồi làm Bí thư Đảng ủy xã. Quãng thời gian đó, vợ chồng ông vừa lo việc tập thể vừa tăng gia sản xuất nông nghiệp nuôi 5 người con ăn học.
Năm 2009, khái niệm xây dựng xã NTM lần đầu tiên xuất hiện trong Nghị quyết Đảng bộ xã Cẩm Bình. Tuy nhiên, việc định hình xây dựng xã NTM như thế nào thì chưa ai xác định được.
Đến 2010, khi Bộ tiêu chí Quốc gia về Chương trình MTQG xây dựng NTM ban hành, Cẩm Bình bắt đầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Các cán bộ, đảng viên trong xã là những người được “chọn mặt gửi vàng”, chịu trách nhiệm truyền tải chủ trương của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đến với quần chúng nhân dân.
Phát huy vai trò tiên phong của một đảng viên, nguyên cán bộ xã, ông Trung bàn với vợ thí điểm thực hiện mô hình cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu.
Khi đã “thuận vợ thuận chồng”, ông chặt bỏ toàn bộ tre, tro trên diện tích 5.000m2 đất chuyển sang trồng cây ăn quả, sản xuất rau màu theo thời vụ và chăn nuôi lợn, gà, vịt, cá.
Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm thu nhập từ vườn mang lại cho gia đình ông hơn 200 triệu đồng. Đáng mừng hơn, mô hình mẫu của gia đình ông tạo sức lan tỏa cho hơn 20 hộ trong thôn Tân An nhân rộng.
“Khi thực hiện thành công mô hình vườn mẫu, tại các cuộc họp chi bộ, họp thôn, tôi thường chia sẻ kinh nghiệm làm vườn cho bà con; đồng thời sản xuất, cung cấp cây giống để người dân nhân rộng mô hình. Tôi nghĩ tuyên truyền bằng kết quả thực tiễn là hiệu quả nhất, bền vững nhất”, ông Nguyễn Văn Trung nói.
Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên Đặng Quốc Hải: “Toàn xã có 4.800 nhân khẩu; trong đó, có hơn 450 đảng viên. Đây là lực lượng nòng cốt thường xuyên đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương, đặc biệt là “cuộc cách mạng” xây dựng NTM.
Họ không chỉ là “tuyên truyền viên” trong gia đình, dòng họ mà còn là hạt nhân hỗ trợ đắc lực cho thôn xóm vận động người dân thực hiện theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa đảng viên và quần chúng, giữa cán bộ và nhân dân”.
Không chỉ tiên phong làm vườn mẫu, gia đình ông Trung còn đi đầu phong trào hiến đất mở đường trong giai đoạn đầu (2011 – 2015) phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM.
Theo đó, hơn 250m2 đất thổ cư cha ông để lại ông nhường cho tập thể mở rộng đường từ 2m lên 3m.
Đến giai đoạn 2016 – 2020, khi xã, thôn nâng cấp tiêu chí giao thông theo Quyết định 05 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, không phải góp đất nữa thì gia đình ông góp công mở rộng mặt đường bê tông lên 5m.
“Đây là trách nhiệm một người cán bộ, đảng viên phải làm. Đành rằng, cho đi một tấc đất tổ tiên để lại rất tiếc nhưng vì tập thể, vì cái chung phải gạt cái riêng, cái cá nhân sang một bên”, ông Trung trải lòng.
Với những cán bộ, đảng viên đang đương nhiệm, vai trò tiên phong của họ được thể hiện thông qua việc “cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân”, sẵn sàng xuống “cầm tay chỉ việc”, không phân biệt cán bộ hay quần chúng nhân dân.
Chia sẻ của chân thực của cán bộ nông nghiệp xã Nguyễn Huy Lợi là bài học kinh nghiệm cho việc thắt chặt tình đoàn kết, phát huy dân chủ cơ sở và huy động sức dân ở xã Cẩm Bình.
Cụ thể, những năm 2011 – 2012 khi phát động phong trào hiến đất, hiến tài sản mở đường, rất nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng tự nguyện đem tài sản cá nhân đóng góp cho tập thể.
Tuy nhiên cũng không ít hộ vì nhận thức còn hạn chế nên nhất quyết không chịu hiến đất.
Để vận động được những trường hợp này, cán bộ xã, thôn không chỉ “đến từng ngõ, gõ từng nhà” mà còn huy động cả các bộ lão, đoàn thể trong thôn đến vận động, thậm chí cán bộ xã phải ngồi nhâm nhi “chén chú chén anh” với người dân mới tìm được tiếng nói chung, huy động được sự đồng thuận 100%.
“Một số trường hợp, để chia sẻ với người hiến đất là hộ nghèo, cận nghèo, chính quyền xã huy động các đoàn thể đến giúp gia đình xây lại tường rào hoặc vận động những hộ có điều kiện khá giả hơn, không phải hiến đất đóng góp một phần kinh phí, vật liệu xây lại cổng, tường rào cho các hộ đã hiến đất”, ông Lợi nói.
Từ việc chú trọng công tác tuyên truyền, phát huy tối đa dân chủ cơ sở, ý thức tự giác của người dân Cẩm Bình trong việc đóng góp xây dựng NTM được nâng lên rõ rệt. Chỉ trong vòng 3 năm kể từ thời điểm được chọn là một trong 13 xã trong toàn tỉnh thực hiện thí điểm xây dựng NTM (2011), xã Cẩm Bình đạt chuẩn NTM vào năm 2013, về đích trước kế hoạch 2 năm.
Năm 2014 Cẩm Bình tiếp tục xây dựng xã NTM nâng cao. Lúc bấy giờ, vẫn là đơn vị được tỉnh chọn chỉ đạo điểm nên lộ trình thực hiện phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tiêu chí khó khăn nhất giai đoạn này là việc nâng cấp tiêu chí giao thông đạt chuẩn theo Quyết định 05 của UBND tỉnh.
Theo đó, 11 km đường trục thôn; 25 km đường ngõ thôn cơ bản phải mở rộng hết mặt đường; một số thôn như Bình Quang, Bình Luật, Yên Bình phải phá bỏ, xây dựng lại nhà văn hóa…
“Thời gian huy động đóng góp xây dựng xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao quá gần nhau nên có phần tạo gánh nặng cho bà con.
Tuy nhiên, nhờ sự đoàn kết giữa chính quyền và người dân; chính sách kích cầu của tỉnh, huyện ban hành kịp thời nên Cẩm Bình đã hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2019, tạo tiền đề cho việc phấn đấu đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu vào năm 2021”, ông Nguyễn Thiên Toàn, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình thông tin.
Theo ông Toàn, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2011 – 2015 trên địa bàn xã đạt hơn 250 tỷ đồng, trong đó đóng góp của nhân dân gần 31 tỷ đồng; giai đoạn 2016 – 2019 là 60 tỷ đồng; trong đó, đóng góp của người dân gần 16 tỷ; con em xa quê ủng hộ hơn 550 triệu đồng.
“Sở dĩ Cẩm Bình huy động được tối đa đóng góp của người dân là nhờ phát huy tốt vai trò dân chủ cơ sở. Mọi đầu việc đều được đưa ra bàn bạc tại chi bộ, các cuộc họp thôn. Khi triển khai thực hiện cũng chính người dân đứng ra giám sát, thanh, quyết toán”, ông Toàn nói.
Đồng thời, nhấn mạnh thêm, đối với việc sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế, có thể khẳng định, hiếm có địa phương nào người dân sử dụng hiệu quả nguồn tiền chính sách như Cẩm Bình.
Đơn cử, từ chính sách hỗ trợ xây dựng thí điểm 10 mô hình vườn mẫu của tỉnh, huyện (giai đoạn 2011 – 2015), đến nay, toàn xã Cẩm Bình phát triển được 210 vườn mẫu đạt chuẩn các cấp tỉnh, huyện, xã.
Trong đó, không ít mô hình được chọn làm mẫu để các địa phương khác trên toàn tỉnh đến học tập kinh nghiệm. Mô hình khu dân cư kiểu mẫu ở tất cả các thôn đều có chuyển biến mạnh. Giai đoạn 2011 – 2015 chỉ có thôn Tân An xây dựng mẫu cho tỉnh, nhưng từ 2016 đến nay, Cẩm Bình có thêm 4 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Thanh Nga/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã