Mong muốn thu về 1,5 triệu tỉ đồng
Sau hội nghị Thành ủy TP diễn ra cuối tuần trước, đây là lần thứ hai ông Nhân thông tin rộng rãi về việc TP kiến nghị chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ và Thủ tướng đã đồng ý. Theo ông Nhân, nguồn lực đất đai của TP dành cho công nghiệp, dịch vụ, đô thị chưa tương xứng, trong khi đó đất đai dành cho nông nghiệp còn nhiều nhưng chưa biết cách khai thác. Do đó, TP đã kiến nghị T.Ư giảm tỷ lệ đất nông nghiệp và tăng đất cho công nghiệp. Nếu việc chuyển đổi được thực hiện qua đấu giá dự kiến thu về 1,5 triệu tỉ đồng.
Trao đổi với PV Thanh Niên tối qua, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, cho hay vừa rồi UBND TP trình Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối giai đoạn 2016 - 2020. Theo Nghị quyết 80 của Chính phủ ngày 19.6.2018 thì TP được chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp các loại. Việc chuyển đổi này nhằm phục vụ phát triển cơ cấu kinh tế, xã hội TP.
Ông Thắng cho biết khi trình Chính phủ về việc chuyển đổi đất, UBND TP kèm theo danh mục một loạt các dự án cụ thể đã được chấp thuận về mặt chủ trương. Việc chuyển đổi đất này sẽ được thể hiện bằng các giai đoạn cụ thể mà TP thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Về lộ trình, mỗi năm TP sẽ duyệt kế hoạch sử dụng đất theo lộ trình chuyển đổi. Trước khi trình Thủ tướng, UBND TP đã tính hết chỉ tiêu, cơ cấu diện tích đất dành cho hạ tầng, cây xanh, đất rừng, đất nông nghiệp phải giữ lại… chứ không phải muốn chuyển bao nhiêu thì chuyển.
Tại kỳ họp này, sau khi có đề xuất của UBND TP, HĐND TP ban hành tờ trình Nghị quyết về thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất; dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa ở TP. Cụ thể, chấp thuận 31 dự án chuyển mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên với tổng diện tích hơn 1.893 ha; 3 dự án chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa với tổng diện tích 9,36 ha; 1 dự án có diện tích thu hồi đất là 22,8 ha. Ngoài ra, chấp thuận điều chỉnh diện tích đất thu hồi tại 18 dự án (tại quận 2, 6, 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Bình Chánh), điều chỉnh ranh thu hồi đất với tổng diện tích thu hồi hơn 247 ha…
Phá rào để tìm nguồn lực phát triển
PGS Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa Kinh tế - Luật (Đại học Kinh tế TP.HCM), cho biết ông và một số chuyên gia kinh tế như Trương Minh Huy Vũ, Vũ Thành Tự Anh cũng được TP lấy ý kiến về việc chuyển đổi đất. Bản thân ông Hảo ủng hộ chủ trương này, bởi ở TP có nhiều vùng đất trên sổ sách, giấy tờ là đất nông nghiệp nhưng thực tế sử dụng không còn là đất nông nghiệp nữa. Tiếp nữa, TP cần rất nhiều vốn để thực hiện các chương trình chống kẹt xe, ngập nước, chỉnh trang đô thị... Ngoài ra, tương lai dân số TP tăng lên con số 20 triệu dân, do đó bây giờ cho phép chuyển đổi diện tích lớn đất nông nghiệp sang đất dịch vụ, đô thị như vậy sẽ tránh hiện tượng khan hiếm giả tạo về nhà đất. Việc chuyển đổi này sẽ giúp cho quy hoạch các khu đô thị không rơi vào tình trạng tủn mủn, vụn vặt thiếu đến đâu chuyển đổi đến đó.
“Tuy nhiên, việc chuyển đổi cần nên giữ gìn mảng xanh Cần Giờ và việc quy hoạch cần phải được tính toán kỹ lưỡng, công khai với người dân”, ông Hảo nói.
Ưu tiên xây nhà cao tầng ở quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân Tại kỳ họp, UBND TP cũng trình tờ trình dự thảo chương trình phát triển nhà ở TP từ 2016 - 2020. Đáng chú ý, dự thảo nêu khu vực quận 1, 3 sẽ không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2020. Khu vực 11 quận nội thành hiện hữu gồm quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh sẽ tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị, tập trung hoàn thiện các dự án dở dang. Hạn chế chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng. Khu vực 6 quận nội thành phát triển gồm quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân sẽ ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn, như metro 1 tại quận 2, 9, Thủ Đức hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng. Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở của các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Theo Thanh niên |