Theo Nhân Dân, buổi lễ công bố đươc tổ chức tại xã Mường Thải, huyện Phù Yên (Sơn La), với sự tham dự của đại diện lãnh đạo tỉnh Sơn La, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ), Viện nghiên cứu rau, quả Trung ương và đông đảo bà con nhân dân trồng cam trong khu vực.
Tại đây, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Sơn La đã gắn nhãn hiệu cho sản phẩm cam Phù Yên. Đồng thời trao quyền sử dụng nhãn hiệu cam Phù Yên cho các tập thể và cá nhân ở xã Mường Thải và xã Mường Cơi.
Được biết, hiện nay, huyện Phù Yên có trên 785 ha trồng cây ăn quả có múi, trong đó diện tích trồng cam khoảng 200 ha. Trồng tập trung nhiều ở các xã: Mường Thải, Mường Cơi và Tân Lang. Diện tích cam mới trồng năm 2017 là 56 ha; năng suất trung bình đối với giống cam Vinh đạt 21 tấn/ha, cam đường canh 20 tấn/ha. Cây cam đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, với nhiều hộ trồng cam có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Một số hộ có thu nhập một đến hai tỷ đồng/năm từ trồng cam.
Theo Báo Dân tộc và Miền núi, riêng xã Mường Thải, Cam đã có mặt ở 8/10 bản của xã với khoảng 180 ha, trong đó có khoảng 100 ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước tính năm 2017 là hơn 3.000 tấn.Ông Nguyễn Văn Ngân (bản Văn Yên, xã Mường Thải) cho biết, nhà ông bắt đầu trồng cam vinh và cam đường canh từ năm 2011, đến nay vườn cam nhà ông rộng khoảng 2ha, bình quân mỗi năm đạt sản lượng 20 - 30 tấn, mang lại thu nhập khoảng 600 – 700 triệu đồng.
Cùng với Mường Thải, cây ăn quả có múi đã được xã Mường Cơi chú trọng phát triển. Từ một số mô hình ban đầu, đến nay tại Mường Cơi có khoảng 100 ha cây ăn quả có múi, chủ yếu là cây cam, quýt ngọt.
Theo anh Nguyễn Văn Sử ở bản Nghĩa Hưng (xã Mường Cơi), gia đình anh trồng quýt ngọt từ năm 2010 với diện tích khoảng hơn 2ha. Sản lượng quýt của gia đình anh Sử luôn đạt khoảng 25 tấn/năm, giá bán tại vườn khoảng 25.000 đồng/kg. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh Sử đã được cải thiện rất nhiều.
Báo Dân tộc và Miền núi dẫn lời bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên cho biết, thời gian tới, huyện Phù Yên sẽ tập trung nhân rộng và phát triển cây ăn quả có múi, nhất là cây cam trồng rải vụ với các loại giống ít hạt, chín muộn, chín sớm để kéo dài thời gian thu hoạch. Cùng với đó, huyện Phù Yên sẽ quan tâm quản lý về chất lượng, tiến tới xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư và tiêu thụ nông sản cho nông dân, góp phần đẩy mạnh thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân, tạo thêm nguồn lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Trần Minh (t/h)/ VietQ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã