Xã Hồng Giang (Lục Ngạn) là xã duy nhất của tỉnh Bắc Giang chuyển đổi 100% đất lúa sang trồng cây có múi. Từ “cú bẻ ghi” này, sau 2 năm, hàng chục hộ nông dân xã Hồng Giang đã trở thành tỷ phú và địa phương trở thành “thủ phủ” cây có múi, góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Định hướng đúng và trúng
Những năm gần đây, xã Hồng Giang không chỉ được biết đến là vùng vải ngon nhất huyện Lục Ngạn. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đặt hàng các nhà vườn phục vụ nhu cầu và làm quà biếu, với giá cao hơn khoảng 20.000 đồng/kg so với giá thị trường. Và gần đây, cũng chính mảnh đất này là nơi cung cấp vải thiều xuất khẩu đi Mỹ, Nhật, Úc.
Năm 2015, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Lục Ngạn, xã Hồng Giang đã mạnh dạn chỉ đạo người dân chuyển đổi 100% đất lúa và một phần diện tích vải già cỗi kém năng suất, chất lượng sang trồng cây có múi. Sau nhiều lần sàng lọc, 4 loại cây có múi được ưu tiên phát triển là: Cam Vinh, cam Canh, bưởi Diễn và bưởi da xanh.
Những ngày đầu chuyển đổi, người dân vốn chỉ quen với cây vải, cây lúa, nay chuyển sang trồng cây có múi đã không khỏi bỡ ngỡ. Để trau dồi kiến thức, KHKT cho người dân, Hội ND xã Hồng Giang đã phối hợp với Phòng NNPTNT huyện Lục Ngạn, các đơn vị chuyển giao công nghệ tổ chức nhiều buổi tập huấn, tham quan trong và ngoài tỉnh. Khi thấy cây cam, bưởi phát triển xanh tốt, cho lứa quả đầu tiền ngọt lịm, thì tất cả vỡ òa phấn khởi.
Ông Bùi Cao Huy – Chủ tịch Hội ND xã Hồng Giang cho biết, chủ chương chuyển đổi là thế, nhưng xã phải cụ thể hóa, quy hoạch cho từng loại cây. Cụ thể, cây cam Vinh, cam Canh trồng ở đâu cho hợp lý, diện tích bao nhiêu. Rồi bưởi Diễn, bưởi da xanh trồng ở thôn nào, diện tích ra sao… không phải là việc dễ.
Nhờ phát triển cây có múi, mà đời sống của người dân đã không ngừng được nâng lên. Đây cũng chính là “chìa khóa” giúp Hồng Giang về đích nông thôn mới vào năm 2015”.
Ông Bùi Cao Huy
“Hiện xã Hồng Giang có 350ha, trong đó cam Canh 220ha, cam Vinh 80ha, còn lại là các loại bưởi. Hiện đa phần các diện tích cây có múi đã và đang cho thu hoạch. Cam Canh có năng suất khoảng 15 – 20 tấn/ha, bán với giá 40.000 – 50.000 đồng/kg, dịp Tết dự kiến khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg. Cam Vinh năng suất 25 - 30 tấn/ha, giá khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg” – ông Huy cho biết.
Theo ông Huy, khác với những vùng khác trồng cam từ cây giống nhỏ, người dân ở Hồng Giang chủ yếu trồng cam đã 1 – 3 năm tuổi, nên chỉ sau 1 – 2 năm là có thể cho thu hoạch. Ông Huy giải thích: “Cây giống chủ yếu được người dân mua ở Hưng Yên. Với loại cây giống này, ưu điểm là nhanh cho thu hoạch, tiết kiệm được thời gian chăm sóc, thu hồi vốn, nhưng chỉ sau khoảng 3 năm lại phải phá đi trồng lứa mới. Mặc dù được lấy giống từ nơi khác, nhưng cam trồng ở Hồng Giang có mẫu mã đẹp và chất lượng cao hơn hẳn nhiều nơi khác, bởi chất đất và khí hậu nơi đây rất thích hợp cho sự phát triển của cây có múi”.
Thực tế, trước khi có chủ trương chuyển đổi 100% đất lúa sang trồng cây có múi, một số hộ dân ở Hồng Giang đã mạnh dạn tiên phong chuyển đổi. Một trong những người đi đầu là ông Bùi Đức Long ở phố Kép. Ông Long bắt đầu chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cam từ năm 2010 trên diện tích vài sào với suy nghĩ làm… thí nghiệm. Năm 2013, lứa cam Canh đầu tiên được thu hoạch, gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng. Thành công này đã kích thích ông quyết tâm chuyển đổi 100% đất lúa của gia đình và thầu, mua thêm gần 5ha đất để trồng cam.
“Hiện gia đình tôi có gần 5ha cam Canh, 80% diện tích đã và đang cho thu hoạch. Năm nay dự kiến thu khoảng 90 tấn cam Canh, với giá như hiện nay, gia đình thu về hơn 4 tỷ đồng, trừ chi phí lãi hơn 2 tỷ đồng” – ông Long vui vẻ cho biết.
Ông Đặng Văn Tiến, thôn Hiệp Tân, cũng đang có gần 4ha cam Canh đã bắt đầu cho thu hoạch. Dự kiến năm nay ông Tiến sẽ thu hoạch khoảng 70 – 80 tấn cam Canh, thu về gần 4 tỷ đồng.
“Cây cam rất thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở nơi đây. Nếu cứ duy trì cây lúa mãi, người dân trong xã không biết bao giờ mới thoát nghèo, nói gì đến làm giàu. Từ khi chuyển sang trồng cam, bưởi, đời sống người dân đã được nâng lên, xây được nhà cao cửa rộng, mua được tivi, xe máy, thậm chí nhiều hộ đã mua được ôtô nhờ tiền bán cam, bưởi” – ông Tiến cho biết.
Cùng là trồng cây có múi, nhưng ông Bùi Văn Cánh, ở phố Kép lại chọn cho mình cách đi riêng, khi chọn cây cam Vinh để phát triển. Ông Cánh cho biết, giống cam Vinh rất khỏe, cho quả ngọt, sai và đặc biệt là có thời gian thu hoạch và bảo quản được rất lâu, mà không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng.
Ông Cánh chia sẻ: “Hơn 3ha cam Vinh của gia đình tôi đều được trồng theo quy trình VietGAP, nên có năng suất và chất lượng rất cao. Sản lượng cam năm nay ước đạt khoảng 80 tấn, với giá khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg, gia đình sẽ thu về khoảng 2 tỷ đồng. Số tiền này nếu không trồng cam thì chúng tôi có nằm mơ cũng không thấy”.
Ở Hồng Giang, không chỉ có gia đình ông Long, ông Tiến, ông Cánh, mà còn có hàng chục, thậm chí hàng trăm gia đình khác đã và đang trồng hàng hécta cam, bưởi, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã