Học tập đạo đức HCM

Chàng trai Mỹ gốc Việt về với cội nguồn từ đồng ruộng

Chủ nhật - 04/01/2015 22:56
“Những vết rộp chằng chịt trong lòng bàn tay như những con đường trên bản đồ, những vết gãi hằn sâu trên da thịt chẳng khác gì hình xăm, chân thì lấm lem bùn đất, và hoàn toàn kiệt sức là những gì tôi có thể mô tả về một ngày làm việc của mình ở nông thôn....” - Hùng John, chàng trai Việt kiều chia sẻ về hành trình vất vả đi tìm lại cội nguồn.

Hùng John là một thanh niên Mỹ gốc Việt. Đến năm 20 tuổi, Hùng John vẫn chưa hề biết Việt Nam ở đâu, cho đến khi anh học đại học ngành tâm lý học thì sự tò mò về dòng máu Việt đang chảy trong huyết quản của mình cứ thôi thúc Hùng John tìm hiểu về Việt Nam. Cuối cùng, anh quyết định đến Việt Nam và thực hiện một cuộc hành trình xuyên Việt 80 ngày, không mang theo ví tiền và sống qua ngày bằng cách xin ăn, làm nông để… trả nợ. Đó là thời điểm năm 2010.

John đi tìm Hùng

Hẹn gặp Hùng John vào một ngày cuối năm 2014, rất dễ nhận ra phong cách của một người Mỹ từ cử chỉ, tác phong đến vẻ bề ngoài, cho dù anh đã có 4 năm gắn bó với Việt Nam. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ hành trình tìm về nguồn cội có tên “John đi tìm Hùng”.

 


Hùng John và những ngày làm nông dân trong cuộc hành trình xuyên Việt năm 2010. (Ảnh: NVCC)

Hùng John kể, anh sinh ra và lớn lên ở Mỹ với cái tên đầy đủ của cha mẹ đặt cho là Trần Hùng John. Tuy nhiên, ở Mỹ, mọi người chỉ biết đến tên anh là John và không ai cho rằng anh là người Việt.

“Họ nói với tôi rằng, tôi không phải là người Việt Nam vì tôi không sinh ra và không sống ở Việt Nam, những lúc đó tôi đã rất tức giận”. Hùng John kể, thời thơ ấu, anh chủ yếu sống cùng mẹ và bà ngoại. “Tôi nghe về Việt Nam bắt đầu từ những câu chuyện của bà ngoại. Quê ngoại tôi ở Hải Phòng, nơi mẹ tôi sinh ra là một vùng nông thôn lam lũ. Bà ngoại kể về cuộc sống nghèo khó ở nông thôn, về những người hàng xóm nông dân thân thiện. Tôi đã cố tưởng tượng về nơi ấy và những câu chuyện đó đã để lại ấn tượng trong tôi”.

Năm 2010, Hùng John quyết định đến Việt Nam một mình và thực hiện cuộc hành trình xuyên Việt 80 ngày đêm không mang theo tiền. Ban đầu, Hùng John đi bộ trên đường quốc lộ và sau đó xin đi nhờ xe về một vùng nông thôn ở Thái Bình, từ đó là chuỗi ngày dài 80 ngày đi về các vùng miền Bắc – Trung – Nam. Đến đâu, Hùng John cũng xin người dân được ở trong nhà họ và đổi lại, anh cùng chủ nhà làm việc, vừa để trải nghiệm cuộc sống, vừa như là cách để anh “trả ơn” họ vì đã được ăn cơm.

Hùng John kể, ở Thái Bình, anh xin ở trong một gia đình nông dân nghèo. Khi nghe giới thiệu anh là Việt kiều, bác nông dân Thái Bình có vẻ ái ngại. Nhưng khi nghe Hùng John trình bày rằng, mình muốn tìm về nguồn cội và không mang theo tiền, muốn được xin ăn, ở trong nhà, người nông dân ấy vui vẻ đồng ý.

Hùng John đã có 3 ngày ở Thái Bình, anh dậy từ 4 giờ sáng, xuống đồng cùng gia đình. Anh kể: “Mới sáng sớm tinh mơ, tôi tỉnh dậy vì những âm thanh đặc trưng của đồng quê: Tiếng gà trống vọng từ xa và ngày nào cũng vang vọng, chim hót, âm thanh từ những người nông dân chuẩn bị ra đồng. Tôi luôn trân trọng cuộc sống ở vùng quê, mọi thứ đều thật yên bình êm ả, và những điều giản dị đôi khi lại là lý tưởng nhất trong cuộc đời. Bữa ăn sáng ở nông thôn cũng thật đơn giản, bát mì với một vài cọng bạc hà mới nhổ sau vườn. Và sau đó là đi làm. Gặt lúa là công việc khó khăn nhất mà tôi từng biết”.

Hùng John kể, bác chủ nhà không muốn anh làm việc đó, nhưng anh muốn giúp đỡ gia đình vì họ đã cho anh ăn. Bữa cơm của nhà chủ cũng rất giản dị, chỉ có ít rau và cá. Hùng John nhớ lại: “Đôi khi, tôi chỉ ăn cầm chừng và nói dối rằng, cả nhà cứ ăn thêm, cháu ăn đủ no rồi. Nhưng thực tế, tôi thấy họ làm việc vất vả lắm, mà đồ ăn ít sẽ không đủ sức khỏe để họ làm việc”.

Tôi hỏi Hùng John, vì sao không chọn những điểm đến là thành phố, hay thị trấn để cuộc hành trình đỡ vất vả hơn, Hùng cười cho biết: “Tôi muốn tìm lại nguồn cội từ trên đồng ruộng, người dân nông thôn hiền lành, chất phác và rất tin người. Họ dư thừa lòng yêu thương, bao bọc, cho dù họ vẫn còn nghèo. Đó là điều khác biệt của nông thôn Việt Nam với nông thôn của bất kỳ đất nước nào trên thế giới”.

Trả ơn chuyển tiếp

Những ngày trải nghiệm ở nông thôn miền Bắc và miền Trung Việt Nam, Hùng John cảm thấy một mối liên hệ mạnh mẽ và lòng yêu nước dành cho Việt Nam. Việt Nam và con người nơi đây đã cho anh quá nhiều mà không đòi hỏi nhận lại điều gì.

Hùng John chia sẻ rằng: “Việt Nam chảy trong dòng máu bơm thẳng vào trái tim tôi. Đây là nơi tổ tiên của tôi đã sống hàng nghìn năm và đây sẽ là nơi tôi sống tiếp những năm tháng sau này của tôi”. Năm 2014, Hùng John quyết định từ bỏ cuộc sống ở Mỹ, phải xa gia đình và đến Việt Nam lập nghiệp dù không có họ hàng thân thiết nào. Hiện, Hùng John đầu quân cho một tập đoàn đầu tư lớn, nhưng ngoài công việc, anh vẫn dành nhiều thời gian để làm từ thiện và nơi anh muốn giúp đỡ nhất chính là nơi anh đã từng được giúp đỡ, đó là vùng nông thôn.

Hùng John cho biết, hiện anh đang làm cố vấn cho ông Hironosi Tsuchiya- một doanh nhân Nhật Bản đã rất thành công với mô hình trồng rau xà lách ở Đà Lạt. Hùng John nói, ông Hironosi Tsuchiya đã lấy mô hình trồng xà lách sạch từ một ngôi làng thần kỳ ở Nhật Bản, nơi đó người nông dân chỉ phải làm việc 4 tháng trong một năm và thu nhập từ việc trồng xà lách đã mang lại cho họ khoản tiền lớn 125.000 USD/tháng. Đó là một khoản thu nhập lớn, là niềm mơ ước của rất nhiều nông dân trên thế giới.

Hùng John cho biết, qua quá trình hợp tác, anh vừa học hỏi được công nghệ trồng xà lách sạch, vừa đề nghị ông Hironosi Tsuchiya cung cấp công nghệ cho nông dân Việt Nam. Ông Hironosi Tsuchiya đã đồng ý và mô hình này sắp tới sẽ được nhân rộng, để nông dân Việt Nam áp dụng để tăng thu nhập.

Không dừng lại ở đó, Hùng John còn phát triển và kêu gọi mọi người tham gia vào những chương trình từ thiện lấy ý tưởng từ nước ngoài mang tên “Trả ơn chuyển tiếp”. John chia sẻ, anh hy vọng, bất cứ ai đã được giúp đỡ, giờ đây có thể “trả ơn chuyển tiếp” ở Việt Nam và khiến đất nước của chúng ta trở thành một nơi tốt đẹp hơn.

Chàng trai trẻ rất hào hứng và tràn đầy hy vọng, sẽ có nhiều người Việt Nam nghèo khổ được giúp đỡ: “Hãy coi đây là một thử thách, mọi người hãy đi ra ngoài và làm 3 việc tốt cho 3 người khác nhau. Hãy nói với họ bạn không cần họ trả ơn, chỉ yêu cầu họ hãy đi giúp 3 người khác mà họ gặp. Đây là một số ví dụ đơn giản nhưng cũng đầy sức mạnh cho những việc tốt chúng ta có thể làm”.

Trần Hùng John là cái tên đã trở nên khá quen thuộc với các bạn trẻ Việt Nam bởi chàng trai mới ngoài 20 tuổi này đã hai lần đi bộ xuyên Việt không mang theo tiền. Chuyến đi thứ nhất kéo dài 80 ngày để trải nghiệm và cảm nhận về đất nước con người Việt Nam và chuyến đi thứ hai dài 40 ngày để kêu gọi các tấm lòng thiện nguyện hỗ trợ vun đắp tương lai cho học sinh và cải thiện đời sống nông dân nghèo Việt Nam.
Theo Danviet.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập256
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm255
  • Hôm nay105,091
  • Tháng hiện tại851,826
  • Tổng lượt truy cập93,229,490
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây