Học tập đạo đức HCM

Đẩy mạnh xã hội hóa để trường chuẩn thoát rớt chuẩn

Thứ ba - 15/08/2017 03:25
Nguy cơ rớt chuẩn đang là nỗi lo của nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân là do trường đạt chuẩn đã lâu mà không được đầu tư duy tu, sửa chữa nên xuống cấp và có nguy cơ rớt chuẩn khi tái công nhận. Cái khó là việc đầu tư để trường học giữ chuẩn không phải một mình ngành Giáo dục mà làm được!
Giờ ra chơi trong sân Trường PT Hermann Gneimer, Cà Mau
Giờ ra chơi trong sân Trường PT Hermann Gneimer, Cà Mau

Nỗi lo rớt chuẩn vì trường xuống cấp

Theo chia sẻ của lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc thiếu kinh phí đang là nỗi lo lớn của ngành giáo dục trong tái công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Đối với một trường học, phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã khó thì việc giữ chuẩn lại càng khó hơn. Thực tế đã có không ít trường chuẩn quốc gia được công nhận, nhưng qua thời gian, cơ sở vật chất xuống cấp, không được tái đầu tư kịp thời nên lại đứng trước nguy cơ “rớt chuẩn”.

Mới đây, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội trực thuộc HĐND tỉnh Cà Mau có chuyến khảo sát thực tế trong lĩnh vực giáo dục tại huyện Cái Nước, qua kiểm tra cho thấy, cơ sở vật chất tại một số điểm trường học trên địa bàn huyện đã và đang xuống cấp trầm trọng, trong đó có một số trường đạt chuẩn quốc gia.

Theo thống kê của huyện Cái Nước, toàn huyện có 58 trường học thuộc sự quản lý của Phòng GD&ĐT. Trong số đó có 24 trường đạt chuẩn quốc gia (13 trường được công nhận trước năm 2012). Hiện nay, tình trạng cơ sở vật chất của các điểm trường này đang xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo công tác dạy và học, sinh hoạt, gây khó khăn trong việc chuẩn bị khai giảng năm học mới. Rõ nhất là 2 điểm Trường THCS Tân Hưng và Trường Tiểu học 1 thị trấn Cái Nước.

Trước thềm năm học mới, ngành Giáo dục thị xã Long Mỹ, Hậu Giang cũng đang lo lắng với tình trạng xuống cấp của nhiều trường học, trong đó có cả các trường đã đạt chuẩn quốc gia. Theo tính toán, thị xã Long Mỹ cần hơn 22,3 tỉ đồng để đầu tư tái công nhận cho 8 trường đã đạt chuẩn quốc gia, song chuyện kinh phí đến thời điểm này đang là nỗi lo lớn.

Ông Võ Thiện Tâm - Phó trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Long Mỹ cho biết: Kinh phí địa phương còn hạn hẹp, riêng số tiền đầu tư cho các trường xây dựng chuẩn quốc gia mới đã là rất khó rồi, đối với các trường phải tái công nhận sau 5 năm đạt chuẩn càng khó hơn! Chưa kể, thị xã Long Mỹ có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp (tỷ lệ 43,75%) với 14/32 trường từ Mầm non đến THCS đạt chuẩn quốc gia.

Theo đó, 8 trường cần được tái công nhận trong năm 2017 là: Tiểu học Lê Văn Tám, THCS Thuận An, THCS Trịnh Văn Thì, Tiểu học Long Phú 2, THCS Long Trị A, Tiểu học Vĩnh Tường, Tiểu học Bình Thạnh và THCS Long Trị.

Trường Mẫu giáo Long Thành (Phụng Hiệp, Hậu Giang) được xây dựng khang trang từ nguồn xã hội hóa giáo dục

Từ đầu năm học 2016 - 2017 đến nay, ngành Giáo dục huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đã tập trung xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia với tỷ lệ khá cao, góp phần quan trọng vào tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành Giáo dục huyện, nhìn chung cơ sở vật chất trường lớp vẫn chưa đáp ứng nhu cầu trong khi ở nhiều trường các phòng học liên tục xuống cấp mà chưa được đầu tư nâng cấp, xây mới để đủ điều kiện công nhận hoặc đề nghị tái công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Theo ông Nguyễn Bá Tòng - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phong Điền: Mỗi năm, huyện có ít nhất 6 trường tái công nhận đạt chuẩn quốc gia nên rất cần bổ sung nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa những trường xuống cấp…

Nhìn chung, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Củu Long đang gặp khó với các trường đạt chuẩn từ năm 2011 trở về trước khi hết hạn phải công nhận lại nhưng không đủ tiêu chí. Lãnh đạo các trường cho rằng, do xuất phát điểm cơ sở hạ tầng kém, nhiều điểm trường manh mún và ngân sách hạn chế; nhiều trường rớt chuẩn là do không duy trì được điều kiện phòng học như ở thời điểm công nhận.

Chung sức đầu tư để các trường tái đạt chuẩn

Trước tình trạng cơ sở vật chất của các điểm trường ở huyện Cái Nước, Cà Mau đang xuống cấp nghiêm trọng, ngành Giáo dục huyện đã có yêu cầu với các cơ quan chức năng, xin ngân sách xây dựng, sửa chữa ở 21/58 điểm trường của huyện, trong đó ưu tiên tập trung vốn cho 13 điểm trường bức xúc nhất về cơ sở vật chất, bảo đảm trước 20/8/2017 sẽ hoàn thành để kịp khai giảng năm học mới 2017 - 2018.

Băn khoăn lớn nhất của ngành giáo dục huyện Cái Nước là nguồn vốn và phương án để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường đã công nhận đạt chuẩn song cơ sở vật chất không còn đảm bảo như trước. Ngoài ra, một số quy định về chuẩn công nhận cũng chưa sát hợp với tình hình thực tế...

Theo bà Ngô Ngọc Khuê - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Cà Mau: Qua đợt khảo sát thực tế tại huyện, đoàn công tác yêu cầu ngành Giáo dục huyện cần bám sát vào những quy định và vận dụng phù hợp vào điều kiện thực tế. Mặt khác, ban Văn hóa - Xã hội cũng sẽ có trách nhiệm đánh giá, báo cáo kết quả giám sát với các cấp thẩm quyền, từ đó xác định rõ những nguyên nhân dẫn đến khó khăn của lĩnh vực giáo dục Cái Nước để đề xuất các giải pháp khắc phục.

Bên cạnh sự trông cậy vào nguồn lực đầu tư của nhà nước, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tìm cách tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp thông qua phương thức xã hội hóa. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng chăm lo cho giáo dục, nhiều địa phương bước đầu đã tháo gỡ được ít nhiều những khó khăn.

Một trong những “điểm sáng” xã hội hóa trong việc đầu tư cho trường chuẩn quốc gia là TP Vị Thanh, Hậu Giang. Với xuất phát điểm thấp, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp gặp nhiều khó khăn, TP Vị Thanh trong thời gian qua đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục nói chung, đặc biệt là việc xã hội hóa trong xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đến nay, tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia của thành phố chiếm hơn 73%.

Ông Huỳnh Hữu Thoại - Trưởng Phòng GD&ĐT TP Vị Thanh cho biết: Trong những năm qua, kinh phí đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của thành phố gặp nhiều khó khăn. Thành phố đã tranh thủ với tỉnh trong phong trào vận động các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường lớp.

Các Trường Mầm non: Vành Khuyên, Hoa Trà Mi, Hoa Sen… đều là những công trình được thực hiện từ nguồn xã hội hóa cùng một phần kinh phí của nhà nước. Việc đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và đầu tư các trường tái đạt chuẩn góp phần tích cực trong việc tạo môi trường sư phạm tốt đẹp, thân thiện, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố.

Quận Bình Thủy, TP Cần Thơ trong những năm qua cũng đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ khác để xây dựng, mở rộng hệ thống trường lớp, mạng lưới trường đạt chuẩn quốc gia.

Đến nay, quận có 19/30 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và mức độ 2. Để đạt được kết quả này, Phòng GD&ĐT quận đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác tham mưu, chỉ đạo và đôn đốc thực hiện. Phòng tích cực chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch, rà soát, đối chiếu từng tiêu chí để phấn đấu. Đối với tiêu chí về cơ sở vật chất, Phòng tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc tuyên truyền, kêu gọi thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục…

Cũng trong năm 2017, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ được giao chỉ tiêu xây dựng 4 trường chuẩn quốc gia: Mầm non Giai Xuân, Mầm non Nhơn Nghĩa, Tiểu học Giai Xuân 1, THCS Nhơn Nghĩa. Các đơn vị sẽ đề nghị công nhận tái chuẩn gồm 4 Trường Mầm non: Phong Điền, Mỹ Khánh, Tân Thới, Trường Long; 5 trường Tiểu học: Phong Điền 2, Nhơn Ái 1, Lộ Vòng Cung, Giai Xuân 1, Nhơn Nghĩa 2; và 1 Trường THCS Mỹ Khánh.

Trước khó khăn trong việc tái công nhận trường chuẩn, giải pháp được huyện Phong Điền triển khai là UBND huyện bố trí ngân sách đầu tư xây dựng, nâng cấp 10 trường thuộc diện tái công nhận đạt chuẩn trong năm 2017. Đây là quyết tâm của huyện cũng là quyết tâm của thành phố trong việc đầu tư xây trường chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Tác giả bài viết: QUỐC NGỮ

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập279
  • Hôm nay37,008
  • Tháng hiện tại216,447
  • Tổng lượt truy cập90,279,840
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây