Báo NNVN phối hợp với Ban Quản lý dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp Trung ương (LCASP) triển khai chuyên mục với hi vọng “giải” bài toán xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp ở Việt Nam đi đôi với bảo vệ môi trường.
Chúng tôi chọn câu chuyện ở Phú Thọ để mở màn cho seri bài này, bởi “vùng đất Tổ” hiện đang sở hữu một kho sáng kiến về các mô hình nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính.
Năm 2014, khi bà Đỗ Thị Hương (50 tuổi) ở khu 6, xã Phương Viên, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng vay tiền đầu tư công trình khí sinh học xử lý chất thải khu chuồng lợn và hệ thống bể lọc nước “khủng” 3 cấp phục vụ tưới cho đồi chè rộng 1,5ha, xóm làng xôn xao những lời bàn tán chướng tai.
Nhờ tưới nước thải xử lý phân lợn của hầm biogas, vườn chè của bà Hương phát triển tốt |
Bà Hương nhớ lại: “Hồi đó, 10 người nhìn thấy tôi làm thì 9 người bảo tôi rồ dại. Thậm chí, mấy cánh thợ tôi thuê về xây bể cũng bảo tôi thần kinh. Ai nói ngược nói xuôi mặc kệ, việc mình mình cứ làm. Bởi mỗi ngày lượng phân thải ra rất lớn, trong khi đó, khu vực này lại không có sông ngòi, mương máng nên rất bẩn thỉu”.
Với tổng số tiền đầu tư khoảng 50 triệu đồng, cộng thêm 3 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, bà Hương đầu tư xây một hầm biogas dung tích 16,3m3, 1 bể áp 4m3 sát khu chuồng nuôi lợn (luôn duy trì 5 lợn nái và khoảng 50 con lợn thịt).
Chất thải chăn nuôi sau khi được xử lý qua hầm biogas trong môi trường yếm khí sẽ được tách bã phân và nước lỏng thông qua một bể lọc dung tích 30m3. Ngoài bể lọc này, bà Hương tiếp tục xây dựng thêm 2 bể chứa nước của hầm biogas (một cái đặt tại lưng chừng đồi và 1 cái trên đỉnh đồi), chúng liên hết với nhau thông qua hệ thống ống dẫn nước và máy bơm áp lực cao có tên “Củ Tõm”, được bà nhập về từ miền Nam.
Nước thải từ chuồng trại chăn nuôi được tích luỹ tại các bể chứa. Khoảng 10 ngày, bà Hương tưới một lần cho đồi chè bằng hệ thống máy bơm. Ngoài ra, lượng bã thải rắn từ hầm biogas cũng được bà thu gom lại ủ phân compost (theo quy trình được cán bộ dự án hướng dẫn thông qua các lớp tập huấn) để bón cho cây trồng.
Người phụ nữ này cho biết: “Từ khi tưới nước hầm biogas, cây chè phát triển vượt trội so với các vườn chè lân cận sử dụng phân hoá học. Chè nẩy búp nhanh hơn, non hơn, sản lượng và chất lượng đều tốt hơn nên giá luôn cao hơn các vườn khác từ 300 - 400 đồng/kg”.
Do không phải sử dụng phân bón hoá học như trước đây, vì thế mỗi năm bà Hương tiết kiệm được hàng chục triệu đồng. Đáng chú ý hơn, cây chè được tưới nước thải từ hầm biogas rất ít sâu bọ, bởi vậy lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tại đồi chè của bà cũng giảm một nửa.
Ngoài lợi ích trên, bà Hương còn tận dụng nguồn khí gas để nấu cám lợn, vận hành hệ thống bóng đèn để thắp sáng và vận hành bình nóng lạnh phục vụ sinh hoạt gia đình. “Trước đây, người ta bảo tôi rồ dại, nhưng giờ họ mơ được như tôi”, bà nói.
Tưới cây bằng nước thải xử lý qua hầm biogas giúp cây trồng lớn nhanh |
Mô hình chăn nuôi, xử lý chất thải qua hầm biogas và sử dụng để tưới cho cây chè của bà Hương đã bắt đầu lan toả ra các hộ lân cận. Điển hình như gia đình ông Phùng Văn Hưng và ông Trần Đình Doan ở khu 6, xã Phương Viên. Ông Hưng khẳng định: “Từ khi tôi sử dụng nước thải từ chuồng lợn đã qua xử lý hầm biogas để tưới cho hơn 1ha chè, cây nẩy chồi rất nhanh. Lượng phân vô cơ sử dụng giảm tới 80 - 90% so với trước khi xây hầm biogas”.
Ông Trần Văn Thao, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Hạ Hoà cho biết: Trong những năm qua, diện tích chè trên địa bàn huyện luôn ổn định khoảng 1.900ha. Việc người dân sử dụng nguồn nước thải chăn nuôi sau khi xử lý từ hầm biogas để tưới chè đạt năng suất, chất lượng cao, giảm đáng kể nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Nguyễn Quang Khoa, kỹ thuật viên dự án LCASP Phú Thọ, từ mô hình trồng chè của bà Đỗ Thị Hương, dự án đã khảo sát và đang nghiên cứu để xây dựng mô hình điểm về mô hình sản xuất chè an toàn, sử dụng phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi xử lý qua hầm biogas. Tin rằng, mô hình này sẽ được đông đảo bà con vùng trung du hưởng ứng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;