Hợp tác xã rau an toàn Trà Tân là đơn vị kinh tế tập thể đầu tiên chuyên sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Từ hình thức sản xuất đơn lẻ, mạnh ai nấy làm, hiện nay nông dân xã Trà Tân cùng nhau vào hợp tác xã để liên kết xây dựng thương hiệu rau an toàn của địa phương. Đây là hướng đi mới nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững vùng chuyên canh cây rau ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.
Anh Chu Quang Nhiên ở thôn 1B, xã Trà Tân theo nghề trồng rau truyền thống từ 15 năm qua. Khu vườn rộng hơn 1.500m2 trồng cải, xà lách, rau muống và một số loại rau vị khác, mỗi tháng cho thu nhập trên 15 triệu đồng. Đất vườn còn nhiều, nhưng anh chưa thể mở rộng thêm diện tích do còn hạn chế đầu ra. Mới đây, anh cùng 24 hộ dân trồng rau trong xã đã mạnh dạn tham gia Hợp tác xã rau an toàn Trà Tân do Hội nông dân và Ủy ban nhân dân xã thành lập.
Xã Trà Tân là nơi đã hình thành vùng chuyên canh cây rau ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Trong ảnh là vườn rau của gia đình anh Chu Quang Nhiên. |
Hợp tác xã rau an toàn Trà Tân được thành lập vào tháng 6/2017 với 25 thành viên. Hợp tác xã thực hiện hai khâu chiến lược, đó là cung ứng vật tư nông nghiệp và liên kết với doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho xã viên với mức giá ổn định. Trong quá trình sản xuất, các thành viên của hợp tác xã được cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật sản xuất rau an toàn thông qua các lớp tập huấn. Và ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm đầu ra ổn định.
Ông Phạm Ngọc Hạnh, một xã viên trồng rau an toàn nói: “Trước mắt là phải có đầu ra. Tôi cũng có ngồi hội thảo nhiều lần thì tất cả bên chính quyền và Chủ tịch hội nông dân khuyến khích vào rau an toàn. Tôi có yêu cầu là phải có đầu ra, chứ đừng để hàng trôi nổi vàng thau lẫn lộn, thì nhiều lúc chúng tôi bị thua thiệt".
Các xã viên đều có cam kết thực hiện đúng quy trình sản xuất để giữ vững thương hiệu rau an toàn Trà Tân. |
Ông Phan Xuân Thông, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Trà Tân, huyện Đức Linh cho biết, mặc dù chỉ mới vào hoạt động khoảng 2 tháng, nhưng nhiều đơn vị có nhu cầu về rau an toàn đã đến đặt hàng với hợp tác xã Trà Tân. Đó là tín hiệu đáng mừng.
Ông Thông chia sẻ: "Vừa rồi có các doanh nghiệp ở Đồng Nai và TP HCM đặt vấn đề với hợp tác xã rau an toàn chúng tôi cung cấp rau với sản lượng khoảng 20 tấn một ngày. Nhưng hiện tại chúng tôi mới cung cấp được một phần nào đó số lượng đặt ra, do vậy tới đây chúng tôi sẽ mở rộng thêm diện tích để cung cấp đủ số lượng đó”.
Khi sản xuất rau an toàn, mối quan tâm lớn nhất của ông Phạm Ngọc Hạnh (thôn 1B, xã Trà Tân) và bà con nông dân trong hợp tác xã là đầu ra ổn định. |
Ông Đỗ Đức Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trà Tân cho biết: “Địa phương Trà Tân chúng tôi rất thuận lợi để phát triển cây rau. Hiện nay cây rau chúng tôi đã có diện tích 30 ha mở rộng tại thôn 1B, thôn 4 và thôn 5. Trong thời gian vừa qua, bà con nông dân đã được các cấp các ngành về chuyển giao khoa học, tập huấn làm sao để đi đúng hướng quy trình an toàn VietGAP".
Toàn xã Trà Tân có 25 hộ trồng rau với tổng diện tích 30 ha, đến nay tất cả bà con đã vào hợp tác xã rau an toàn. Ngoài rau, địa phương này còn có 35 hộ trồng củ quả (như dưa leo, bí đao, mướp đắng...) với tổng diện tích 50 ha. Tới đây, các hộ này cũng sẽ kết nạp vào hợp tác xã rau an toàn để hình thành nên vùng sản xuất rau củ quả mang thương hiệu chung Trà Tân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của xã thuần nông này./.
Theo Việt Quốc/VOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã