Sau mỗi lần chao vợt, bà Việt lại dừng bước bắt những con nòng nọc béo tròn trùng trục từ trong vợt bỏ vào giỏ. Bà Việt biết săn nòng nọc từ khi còn là cô bé, khi bản làng còn chưa có đường đi. Vậy mà, giờ đây Quang Phong đã có điện lưới quốc gia, có đường nhựa, ô tô khách chạy thẳng từ đây về huyện, về tỉnh.
Vào những ngày nắng, trên những thửa ruộng rộng lớn đang chuẩn bị vào mùa gieo cấy, thuộc các xã vùng cao miền Tây Nghệ An có hàng trăm người đổ ra đồng săn nòng nọc. Bên cạnh nhu cầu thực phẩm hàng ngày, việc bắt, chế biến các món ăn từ nòng nọc tạo nên nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái ở huyện vùng cao biên giới này.
Bà Lô Thị Việt là một thợ săn nòng nọc có tiếng của xã Quang Phong. Ảnh: Viết Lam
Bức tranh đẹp trên cánh đồng
Sau những ngày mưa kéo dài, nắng lên, rất đông bà con người dân tộc Thái, thuộc các xã Quang Phong và Cắm Muộn, huyện Quế Phong, Nghệ An đổ xô ra đồng săn nòng nọc. Khi những cánh đồng vùng cao vào vụ gieo cấy hè thu muộn cũng là thời điểm loại nòng nọc trên ruộng sinh sôi nảy nở. Người dân ra đồng săn loại động vật lưỡng cư về chế biến những món ăn mình yêu thích.
Phần lớn số người săn nòng nọc trên cánh đồng là phụ nữ. Họ mang bên hông một cái giỏ nhỏ được đan bằng tre, nứa rất kỳ công, tay xách những chiếc vợt được làm từ lưới cước dày. Chiếc vợt được thiết kế tùy theo tuổi tác của người dùng, người lớn tuổi thường sử dụng những chiếc vợt có vành rộng để có thể ủi được diện tích mặt nước rộng bù đắp cho sự chậm chạp do tuổi tác. Ngược lại, những phụ nữ trẻ hơn sẽ sử dụng chiếc vợt nhỏ thích hợp cho sự cơ động, nhanh nhẹn.
Trên những thửa ruộng bằng phẳng đã được làm nhuyễn chuẩn bị gieo cấy, họ liên tục chao tay đưa mép vợt sát mặt bùn để bắt nòng nọc. Trong số hàng trăm người, với đầy đủ lứa tuổi, có những em bé mới lên 3-4 tuổi cũng theo mẹ men theo những bờ ruộng. Chúng được bố mẹ trang bị cho những chiếc giỏ, chiếc vợt nhỏ xinh xắn cho ra dáng người lớn. Từ quần áo đến chân tay, mặt mũi đều lấm lem bùn, nhưng các cháu và bố mẹ luôn nở nụ cười rất tươi.
Nòng nọc có khá nhiều loại, nhưng nhiều nhất là nòng nọc sinh sống ở khe suối và nòng nọc sống ở đồng ruộng. Chúng cũng có những đặc điểm và mùa xuất hiện khác nhau. Nòng nọc suối chủ yếu xuất hiện vào mùa Đông (tháng 10-11 âm lịch), có màu đen, to. Nòng nọc ruộng chủ yếu xuất hiện vào đầu mùa mưa (tháng 6-7 âm lịch), có màu trắng và bé hơn.
Đối với nòng nọc sống ở ruộng đồng thì việc săn bắt dễ dàng hơn vào thời gian người dân bản địa làm ruộng chuẩn bị gieo cấy lúa, đặc biệt là những ngày trời nắng nhiều, nước ruộng đục, lại nóng buộc loại động vật này hoạt động liên tục, người săn sẽ dễ phát hiện. Những ngày thời tiết đẹp, trên cánh đồng có hàng trăm người săn bắt loại động vật này, nói cười rôm rả tạo nên bức tranh sinh động, đẹp mắt.
“Nhiều người ở địa phương dù gia đình khá giả vẫn ra đồng săn bắt nòng nọc. Đây không đơn thuần là công việc kiếm thực phẩm mà họ xem đó là một thú vui, một nét văn hóa” – Ông Lô Văn Lương, người dân bản Cảo, xã Quang Phong cho biết.
Người dân xã Quang Phong, huyện Quế Phong ra đồng săn bắt nòng nọc. Ảnh:Viết Lam
Những món ăn mang đậm văn hóa bản địa
Việc săn, chế biến những món ăn từ nòng nọc của đồng bào dân tộc Thái có từ lâu đời. Nó xuất phát từ nhu cầu thực phẩm hàng ngày, khi mà cuộc sống của người dân chủ yếu còn tự cung, tự cấp, dựa vào tự nhiên là chủ yếu. Thế nhưng, trải qua thời gian dài, khi cuộc sống của người dân đang ngày một đủ đầy thì việc săn nòng nọc vẫn tồn tại và được xem là một nét văn hóa của người dân bản địa.
Từ nòng nọc, họ có thể chế biến ra nhiều món ăn đơn giản như rang, xào với lá tía tô, nấu với măng chua... Nếu có sự chuẩn bị công phu, đồng bào dân tộc Thái có thể chế biến được những món ăn thuộc hàng đặc sản như canh ột hay chả nòng nọc. Đây là những món ngon để đãi khách quý hoặc những dịp gia đình có việc quan trọng.
Để nấu canh ột, nòng nọc sẽ được làm sạch ruột rồi đem ướp với các loại gia vị như mắc khén, hành tăm, mắm, muối... Trong lúc chờ đợi nòng nọc ngấm gia vị, người nấu tranh thủ rang gạo nếp, giã nát làm bột thính, đồng thời hái một nắm tía tô rửa sạch... Khi đã chuẩn bị xong, cho nồi nòng nọc đã ướp gia vị lên bếp đảo vừa chín, rồi đổ một lượng nước vừa đủ. Khi nước sôi, nồi nòng nọc chín, tiếp tục bỏ bột thính vào khuấy thật đều, bỏ lá tía tô vào rồi múc ra thưởng thức.
Ở xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An, việc săn bắt, chế biến những món ăn từ nòng nọc đã trở thành một nét văn hóa từ lâu đời. Vào những ngày cuối năm, sát Tết Nguyên đán, người dân đổ ra những con khe, suối để bắt nòng nọc về chế biến các món ngon, yêu thích. Nhân dân địa phương đã đề ra những quy định rất chặt chẽ về việc đánh bắt nòng nọc để bảo vệ loại động vật lưỡng cư này. Mọi hình thức săn bắt bố, mẹ nòng nọc (ếch, ễnh ương, chẫu chuộc...) đều bị cấm, nếu ai vi phạm, bị phát hiện sẽ bị xử phạt. Những quy định này được đưa vào hương ước của bản làng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;