Biến rừng nghèo thành rừng “vàng”
Vượt 2 con suối nhỏ, băng qua 3 quả đồi chúng tôi đến khu rừng “cấm” của ông Pày Cả Nam (SN 1964), trú tại bản Xiềng Nứa, xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An). Vừa đặt chân đến bìa rừng, chúng tôi thấy cảnh tượng hùng vĩ của cánh rừng mà ông Nam đã bỏ biết bao công sức chăm sóc bấy lâu nay. Hàng nghìn cây săng lẻ được bảo vệ hơn 20 năm nay đã trở thành một cánh rừng bạt ngàn xanh tốt. Ngoài rừng săng lẻ, ông còn đầu tư trồng hàng nghìn cây lát hoa, cây xoan, kéo... khiến cho hơn 30ha đất rừng nhận khoanh nuôi, bảo vệ trở nên xanh tốt bạt ngàn nơi núi rừng miền tây xứ Nghệ.
Ông Pày Cả Nam bên cánh rừng săng lẻ xanh bạt ngàn của mình. Ảnh: CT
Ông Pày Cả Nam kể lại: Vào năm 1997, ông cũng như bao người thanh niên khác ở xã Yên Na vác dao vào vùng rừng núi Huồi Khung làm rẫy, kiếm kế sinh nhai. Tuy nhiên khác với những người nông dân khác, ông cảm nhận được cảnh núi rừng nơi đây đã bị tàn phá, chỉ còn sót lại những cây săng lẻ non đang mọc lên chừng khoảng 3ha. Ban đầu ý định của ông định chặt phá những cây săng lẻ này để làm nương rẫy, nhưng rồi ông quyết định khoanh nuôi bảo vệ, như cách nói của ông là để “làm kỷ niệm”... Và kể từ khi ông nhận khoanh nuôi, bảo vệ cánh rừng săng lẻ này, ông không động đến một cây săng lẻ cũng như không cho bất cứ người dân nào tự ý chặt phá cây ở khu rừng này.
Trao đổi với PV Báo NTNN , ông Pày Cả Nam chia sẻ: “Ban đầu ý định của tôi là chặt phá khu rừng đó để làm nương rẫy trồng lúa. Tuy nhiên khi nhìn ngắm khu rừng này tôi chợt nảy ra ý định, nếu mình khoanh nuôi bảo vệ cánh rừng này khoảng hai, ba mươi năm nữa thì nó sẽ đẹp biết bao. Nhiều cánh rừng tự nhiên bị chính con người tàn phá rồi, mà hệ quả thì vô cùng lớn... Hàng năm người dân chúng tôi bị lũ ống, lũ cuốn nên chúng tôi cũng sợ lắm... Nghĩ là làm, tôi quyết tâm dựng lán trại nơi đây để khoanh nuôi bảo vệ cánh rừng này. Tôi nhận khoán đất rừng để trồng thêm các loại cây thân gỗ khác, đến nay cánh rừng tôi quản lý đã hơn 30ha. Tôi chăm sóc chu đáo nên rừng cũng cho tôi của ăn của để...”
Theo ông Nam, ngày trước khu vực rừng hiện giờ là rừng nghèo, bị con người tàn phá... Từ khi ông nhận khoán để chăm sóc cánh rừng ngày càng phát triển. “Ngoài trồng thêm các loại cây lấy gỗ, tôi còn trồng lúa nương, đào ao thả cá, nuôi trâu, dê, lợn gà... Hiện tại nhu yếu phẩm phục vụ cho cuộc sống gia đình tôi là vòng tròn khắp kín, hết gạo có trên nương, hết thức ăn có trong vườn và rau, củ quả thì ở trong rừng” - ông Pày Cả Nam cho biết thêm
Có của ăn của để từ rừng
Nhìn lại 20 năm về trước, ông Pày Cả Nam có cuộc sống muôn vàn khó khăn, ông cũng như bao người nông dân khác nơi đây, đều dựa vào rừng để kiếm kế sinh nhai qua ngày. Tuy nhiên dần dần những cánh rừng nơi đây bị tàn phá, “vàng tặc” đào bới khắp cả khu rừng và dòng sông để tìm vàng nên bà con nơi đây rất thiếu đất để sản xuất... Rồi bằng nghị lực, sự kiên trì ông Nam đã làm thay đổi tất cả. Bên cạnh việc khoanh nuôi bảo vệ hơn 3ha rừng săng lẻ, ông còn nhận khoán thêm đất rừng để trồng thêm các loại cây thân gỗ khác như cây lát hoa, cây xoan, keo... đồng thời còn đào ao thả cả, nuôi trâu, dê trên chính khu rừng trồng của mình.
Đến nay cuộc sống của gia đình ông Nam đã thay đổi, với trang trại rộng 30ha rừng trồng đang đến vụ thu hoạch. Hàng năm ông bán các loại cây như keo, xoan cũng cho thu hoạch xấp xỉ hơn 120 triệu đồng. Đầu năm nay, ông Pày Cả Nam đã đầu tư gần 100 triệu đồng để mở đường vào trang trại để tiện cho giao thương. “Những ngày trước do tôi chưa có đường vào nên khi thương lái đến mua gỗ xoan, keo, tôi đều bị họ ép giá. Nay tôi quyết mở đường vào khu trang trại của tôi, thì họ sẽ không có cơ hội để ép giá được nữa...” ông Nam hồ hởi cho biết.
Được biết hiện nay, ngoài cây săng lẻ, ông Nam còn trồng hơn 6.000 cây lát và 3.000 gốc xoan. Tất cả đều đã đến kỳ thu hoạch nhưng ông chưa bán. “Đợi khi hoàn thành con đường thì tôi sẽ bán một lượt luôn, chứ không bán lẻ tẻ một vài xe tải chẳng thu nhập được là bao”- ông Nam nói thêm.
Ngoài việc chăm sóc rừng, thời gian gần đây ông còn chăn nuôi thêm để cải thiện cuộc sống. Ông đào ao thả cá, nuôi trâu, gà, lợn, dê. Rau trên rừng, ngoài vườn, gạo thì có lúa nương... thịt cá cũng tự nuôi lấy, có thể nói cuộc sống của ông Pay Cả Nam đều tự túc, tự cấp trên cánh rừng của mình.
Từ cánh rừng ban đầu, ông Nam bứng cây nhỏ trồng vào các khoảng trống. Cứ vậy hàng chục năm liền, ông Nam đã cải tạo cánh rừng hoang thành một khu vườn mà các hàng cây hoang trở nên có nề nếp, hàng lối. Ông Nam cho biết thêm: Hiện nay tôi cảm thấy rất thoải mái khi sống trong “lãnh địa” rộng lớn và ngát một màu xanh của mình. Tôi có ý định gắn bó cả đời với nơi đây. Được biết thời gian gần đây gỗ săng lẻ được người dân địa phương cũng như các đầu nậu thu mua săn lùng. Tuy nhiên cánh rừng của săng lẻ được ông chăm sóc bảo vệ vẫn rất an toàn.
“Cách đây không lâu có một người địa phương tìm đến gia đình tôi để trả giá cả khu rừng của mình 3 tỷ đồng, nhưng tôi nhất quyết không bán. Dù số tiền có bao nhiêu đi nữa tôi cũng không bán, vì tôi nghĩ suốt cuộc đời còn lại tôi sẻ sống ở khu rừng này. Cuộc sống nơi đây thật thoải mái”- ông Nam cho biết thêm.
Trao đổi với NTNN ông Lương Đại Thắng – Chủ tịch UBND xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết: “Lúc trước gia đình ông Nam nghèo lắm, nhưng từ khi khoanh nuôi trong rừng nơi đây mà gia đình ông đã trở nên khá giả, cả xã ai cũng ngưỡng mộ và noi gương ông Nam làm kinh tế rừng và trang trại rừng để mưu sinh. Ông Nam không chỉ trồng thêm rừng mà còn biết phát triển kinh tế rừng, bà con ai cũng muốn học theo”.
Tác giả bài viết: Cảnh Thắng
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;