Theo chân Chủ tịch Hội nông dân xã tới thăm mô hình kinh tế tổng hợp của ông Tuyền, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những kết quả mà ông có được. Qua trao đổi, ông chia sẻ về quá trình xây dựng mô hình, cũng như những khó khăn ban đầu khi lập nghiệp.
Được biết, để có được kết quả trên là cả một quá trình nhiều gian khó và thất bại. Khi mới xây dựng mô hình tôi thấy không mấy khả quan, do không nắm vững khoa học - kỹ thuật nên thời gian đầu tôi chỉ đầu tư với số vốn ít ỏi. Đến năm 2010, gia đình tôi đã chuyển sang trồng cây keo lai cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc trồng rừng không mất nhiều công chăm sóc, mỗi năm chỉ phát dọn, vệ sinh rừng vài lần, không phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và tưới nước như cây chè. Hiện nay, 1ha keo lai có giá bán trung bình từ 65-75 triệu đồng.
Để kinh tế gia đình phát triển bền vững, ông Tuyền còn nghiên cứu, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác, chăn nuôi theo hướng trang trại... Ngoài việc tìm hiểu phương pháp sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông còn đi tham quan học hỏi những trại phát triển kinh tế hiệu quả ở khu vực lân cận để học hỏi cách làm. Đến nay, gia đình ông có cơ ngơi khá ổn định. Bình quân mỗi năm, thu nhập từ 10ha keo lai, hơn 1ha nếp gà gáy kết hợp chăn nuôi, vường cây ăn quả giúp gia đình ông thu về hơn 300 triệu đồng/năm. Chưa kể, hơn 1ha ao thả cá cũng đem lại nguồn thu nhập nhất định.
Mô hình kinh tế tổng hợp của ông Tuyền là một trong những hướng đi phù hợp về cách làm hiệu quả, điển hình của xã. Ông Trần Văn Khoa - Chủ tịch Hội nông dân xã nói: "Ông Tuyền là hội viên nông dân cần cù và sáng tạo. Từ việc hiệu quả sản xuất không cao nhưng qua quá trình học hỏi và tích lũy kiến thức, ông đã thành công với mô hình kinh tế tổng hợp. Ông hiện là nông dân sản xuất giỏi, là tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi để mọi người học tập và làm theo".