Theo Bộ trưởng, tín hiệu khả quan trong 7 tháng qua là giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,89 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả đạt 2,03 tỷ USD, tăng 48,9% so với cùng kỳ 2016. Nhờ vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu rau quả tăng mạnh, khai thác hải sản duy trì
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), năm nay đầu ra cho rau quả rất khả quan khi giá hầu hết các loại quả đều tăng, giá lúa ổn định. Một số loại có giá bình quân tăng mạnh như vải đạt 38.000 đồng/kg, điều khoảng 45.000-50.000 đồng/kg... tăng gần gấp đôi so với năm trước. Thị trường xuất khẩu rau quả cũng đang có nhiều triển vọng tốt với sự chấp thuận của một số thị trường trọng điểm, tiềm năng. Với những yếu tố này, Cục Trồng trọt khẳng định sẽ bảo đảm mức tăng trưởng của ngành trồng trọt năm 2017 từ 2-2,05%.
Đối với lĩnh vực khai thác hải sản, mặc dù thời tiết không thuận lợi do bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra liên tiếp, nhưng sản lượng khai thác hải sản trong tháng vẫn đạt 315,8 triệu tấn, tăng 2,5%. Lũy kế 7 tháng, sản lượng ước đạt 1,96 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 1,85 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng nuôi trồng tháng 7 ước đạt 375.000 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng nuôi trồng 7 tháng đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 5,6%. Tính chung, tổng sản lượng thủy sản 7 tháng đạt hơn 4 triệu tấn, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 57,4% mục tiêu cả năm.
Chăn nuôi bảo đảm mức tăng trưởng 3%
Trong tháng, chăn nuôi là lĩnh vực có nhiều biến động, đặc biệt giá thịt lợn và trứng có lúc đã gần tăng gấp đôi nhưng không ổn định. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), từ ngày 11-23/7, giá lợn hơi tăng lên 2 lần, từ 20.000-25.000 đồng/kg lên 40.000-45.000 đồng/kg, thậm chí có nơi lên 50.000 đồng/kg. Từ ngày 24/7, giá thịt lợn lại giảm xuống từ 32.000-38.000 đồng/kg. Việc giá lợn biến động trong tháng 7 được đánh giá là do lợn đến lứa không còn nhiều nên có hiện tượng thiếu cục bộ; thứ hai khi giá lợn tăng nhiều chủ trang trại không bán lợn ra mà chờ giá tăng; thứ ba do các doanh nghiệp FDI tăng giá thu mua.
Số lượng lợn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng nhẹ, nhưng tỷ trọng thấp nên thực tế ít ảnh hưởng tới thị trường trong nước. Đến thời điểm hiện nay, lượng lợn vẫn đủ cung cấp ra thị trường nên sẽ không có đột biến về giá.
Do đó, Cục Chăn nuôi khuyến cáo, người chăn nuôi cần thận trọng trong việc đầu tư tái đàn. Về giá trứng, giá đã tăng gấp đôi so với đầu tháng 7 và hiện đang ở mức 1.900- 2.000 đồng/quả đối với trứng gà. Nguyên nhân có thể do nhu cầu sử dụng trứng để sản xuất bánh trung thu.
Ước đến hết tháng 7, đàn lợn cả nước giảm 3,3%, đàn trâu giảm 0,8%, đàn bò tăng 2,2%, đàn gia cầm tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2016. Với tốc độ tăng trưởng và thị trường như hiện nay, năm 2017 ngành chăn nuôi sẽ đảm bảo mức tăng trưởng 3%.
Liên tục có giải pháp thị trường
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị tiếp tục ráo riết, tập trung thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 cũng như những tháng cuối năm, các hoạt động phải gắn với tái cơ cấu ngành và giải pháp thị trường.
Về lĩnh vực phòng chống thiên tai, Tổng cục Thuỷ lợi cần đôn đốc các địa phương tổng hợp, có giải pháp hỗ trợ những lồng bè cá bị thiệt hại, đồng thời khẩn trương rà soát ngay các điểm sạt lở để xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mùa mưa lũ, các lực lượng sẵn sàng ứng phó kịp thời và có hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Bộ trưởng giao Tổng cục Thủy sản hoàn thành chương trình hành động chiến lược nuôi tôm trong tháng 8, đồng thời thúc đẩy việc hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển nuôi tôm ở Bạc Liêu và mô hình doanh nghiệp xã hội tại Cà Mau. Khẩn trương xây dựng báo cáo tổng quan riêng về việc thực hiện Nghị định 67 và trong tháng 8 phải hoàn thành việc sửa 19 tàu ở Bình Định.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Chăn nuôi chuẩn bị tổ chức hội nghị tháo gỡ tiêu thụ thịt lợn, cũng như họp bàn về chiến lược ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, Cục phối hợp với các đơn vị của Bộ và địa phương chuẩn bị tốt việc xuất khẩu lô thịt gà sang Nhật vào ngày 9/9 tới.
Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh đàm phán, tìm thị trường cho các mặt hàng nông sản. Đối với những thị trường mới, tiềm năng, trước mắt chưa đặt mục tiêu về số lượng mà phải bảo đảm về chất lượng.
Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ NN&PTNT cần tập trung nguồn lực để chủ động triển khai các giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa kịp thời bệnh dịch đối với cây trồng, vật nuôi.
Phương Liên - Chinhphu. | ||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;