Chi hội nông dân bảo vệ môi trường
Người dân ấp 2, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa (Long An) thu gom rác thải đưa về bể chứa tập trung. Ảnh: K.P |
Từ năm 2013 đến nay, cảnh quan môi trường từ mỗi gia đình, đường xóm cho đến ngoài đồng ruộng ở ấp 2, xã Mỹ Thạnh (Thủ Thừa) cải thiện rõ rệt. Có được kết quả này là bởi chi hội ND của ấp là lực lượng “chủ trì” trong các hoạt động bảo vệ môi trường của ND. Người dân trong ấp đã có ý thức thu gom rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tập trung vào 2 hố rác xây dựng bằng ngân sách của xã và kinh phí hỗ trợ từ ngành nông nghiệp.
Ông Hoàng Đình Sơn-chi hội trưởng ND ấp 2 cho biết: “Hầu hết các hộ dân đều làm hàng rào bằng cây xanh, tạo vẻ mỹ quan sạch đẹp cho đường làng, ngõ xóm. Chi hội ND còn phối hợp vận động nhân dân góp tiền, hiến đất, trải đá mở rộng đường và trang bị hệ thống đèn chiếu sáng, đảm bảo nếp sống văn minh, an ninh trật tự trên 2 trục đường liên ấp. Những hộ dân làm nòng cốt trong mô hình bảo vệ môi trường còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân gia cố đê bao lửng nên đã hạn chế việc ngập úng, góp phần tăng sản lượng nông nghiệp và bảo vệ môi trường”.
Hiện, ấp 2 xã Mỹ Thạnh phần nhiều các hộ xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong ấp còn có 4 giếng khoan đủ cung cấp nước sạch cho 100% hộ sử dụng; 21/27 hộ chăn nuôi heo xây được hầm khí biogas và nuôi cá...
Lợi ích chung cho cộng đồng
Theo ông Nguyễn Tiến Như - Chủ tịch Hội ND huyện Thủ Thừa, không riêng gì xã Mỹ Thạnh, các xã, thị trấn khác đều xây dựng tối thiểu 1 chi, tổ hội bảo vệ môi trường lấy làm điểm để tuyên truyền nhân rộng. Điển hình như ở ấp 1 và ấp 3 xã Mỹ An. Chi hội ND ở đây đã tổ chức thu gom vỏ chai thuốc BVTV; trồng cây xanh, xử lý rác tại nguồn và xây hầm khí biogas trong chăn nuôi. Ở ấp 3, xã Tân Thành, chi hội còn tập hợp 11 hộ hội viên nòng cốt gắn hoạt động bảo vệ môi trường với an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các hộ nòng cốt đi đầu trong sản xuất an toàn, tiết kiệm điện theo mô hình “3 sạch-ăn sạch, ở sạch, sản xuất sạch”. Hay như ở xã Mỹ Phú còn phát động cam kết các hộ chăn nuôi không sử dụng chất cấm, không đốt đồng gây khói ô nhiễm… “Hội ND tham gia chỉ đạo, hướng dẫn ở tất cả các xã, thị trấn đều phải lấy đơn vị thôn, ấp làm địa bàn tuyên truyền, vận động, xây dựng điểm về bảo vệ môi trường. Kèm với đó là xây dựng, tập hợp các hộ hội viên nòng cốt, hội viên là đảng viên đi trước để kéo phong trào chung của ấp đi lên…”-ông Nguyễn Văn Như, Chủ tịch Hội ND huyện Thủ Thừa chia sẻ.
Một trong những kinh nghiệm rút ra trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn ở huyện Thủ Thừa là có sự tham gia chủ động, tích cực của từng hộ dân. Bà Trần Thị Láng- Bí thư chi bộ ấp 2, xã Mỹ Thạnh cho biết: “Khi người dân thấy được lợi ích của hoạt động bảo vệ môi trường thì ai cũng hưởng ứng. Lợi ích của mỗi nhà cũng là lợi ích chung của cộng đồng…”