Ông Đặng Kim Sơn.
PV: 10 năm có Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về tam nông, hẳn khu vực này có những bước chuyển mình ấn tượng, thưa ông?
TS Đặng Kim Sơn: Chúng ta vui mừng nhận thấy đây là một trong những nghị quyết đặc biệt đi thẳng vào thực tế cuộc sống, được người dân và được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương. Theo cá nhân tôi, có 2 thành tựu nổi bật.
Thứ nhất, trải qua rất nhiều biến động về thiên tai, thị trường, khủng hoảng kinh tế, nhưng nông nghiệp vẫn là điểm sáng rõ rệt nhất trong toàn bộ sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong 30 năm qua. Nông nghiệp không những đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo thu nhập của người dân, mà trong suốt 10 năm qua tăng lên gấp 3,5 lần, lại đạt được mức rất cao về xuất khẩu, đây là ngành duy nhất chúng ta liên tục xuất siêu đó là những thành tích ấn tượng.
Thứ hai, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới bước vào giai đoạn 2 đã có những biến chuyển mới, chúng ta thay đổi linh hoạt hơn các tiêu chí, gắn bó chặt chẽ hơn với quyền của nhân dân, nhờ đó bộ mặt nông thôn đã thay đổi đáng kể. Đầu tiên cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm sau đó là trở thành phong trào thi đua bắt đầu nhắm vào sinh kế, thay đổi nếp sống, thực sự từ người dân ở đô thị lẫn nông thôn. Người ta đã nhận thức được tầm quan trọng của nông nghiệp, thấy yêu mến nông nghiệp, đã hiểu rằng đấy chính là nền kinh tế, chính là sức mạnh của đất nước.
Để tạo sức bật về tam nông, chúng ta đã quyết liệt tái cơ cấu để nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ mà còn là mũi nhọn của nền kinh tế. Vậy trong 5 năm tái cơ cấu việc ưu tiên cho mũi nhọn nông nghiệp này đã được thực hiện thế nào, thưa ông?
- 5 năm qua, thời gian rất ngắn để ngành nông nghiệp vượt lên từ bước khởi đầu khó khăn. Như chúng ta biết, thời điểm 2008 là thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới, khi Nghị quyết về nông nghiệp ra đời đã nhấn mạnh rằng, nguy cơ giảm tăng trưởng có thể xảy ra. Nhưng nông nghiệp đã khắc phục được những khó khăn, đã đạt được những thành tích ấn tượng. Chúng ta làm được điều đó là do thay đổi về cơ cấu sản xuất. Kỳ tích hơn 36 tỷ USD thu về từ xuất khẩu nông nghiệp năm 2017, và chắc chắn sẽ thu về nhiều hơn nữa trong năm 2018 đã cho thấy hiệu quả từ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp
Tuy nhiên, mặt mang tính chất gốc rễ hơn như tăng trưởng về năng suất lao động, khoa học công nghệ, tăng trưởng về tổ chức sản xuất… chưa có bước đột phá. Cho nên nông nghiệp tiềm năng cực kỳ to lớn, mức đầu tư xã hội cho khu vực này rất ít, vẫn chỉ có 5%. Các chính sách vĩ mô chưa hẳn đã thuận lợi cho nông nghiệp so với công nghiệp, kinh tế đô thị, nhưng nông nghiệp vẫn có bứt phá. Nếu chúng ta làm tốt hơn trong giai đoạn tới, chắc chắn, nông nghiệp thực sự là thế mạnh của đất nước, nông thôn sẽ trở thành địa bàn phát triển quan trọng cho nền kinh tế đất nước.
Cơ giới hóa nông nghiệp là đòi hỏi tất yếu của sự phát triển.
Ông nhìn nhận thế nào về nguồn vốn từ ngân sách đầu tư cho tam nông trong thời gian qua?
- Thời gian qua đã có sự nỗ lực rất lớn về ngân sách, nhưng trong báo cáo tổng kết nói: Mức thu hút ngân sách cho lĩnh vực nông nghiệp chưa đạt kế hoạch, kèm theo đó mức đầu tư của xã hội, đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp (DN) chỉ có 1% trực tiếp làm nông nghiệp, còn đầu tư nước ngoài thì không đáng kể. Có thể nói, phát triển thành công của nông nghiệp thời gian qua chủ yếu là nội lực của 9 triệu nông dân nhỏ lẻ và vài vạn DN cũng nhỏ lẻ. Khó khăn về vốn, đầu tư vẫn cản trở.
Nguyên nhân của thực trạng này là nghị quyết ra đời đúng vào năm chuyển mình, kinh tế thế giới suy giảm, kinh tế trong nước gặp khó khăn chúng ta phải thắt chặt ngân sách. Giai đoạn đầu, hàng loạt chủ trương cứng nhắc về mặt hành chính trong điều hành hệ thống ngân hàng nên thắt chặt tín dụng gây khó khăn rất lớn. Nhiều chương trình chúng ta đã định ra như, chương trình phục vụ đóng tầu đánh bắt xa bờ, tái canh cà phê, một loạt chương trình đầu tư lớn cho nông nghiệp không được thực hiện một cách đúng tiến độ. Nên thời gian tới, vốn, đặc biệt là đầu tư công phải được tính toán 1 cách thích hợp, phục vụ hiệu quả cho nông nghiệp. Không để thực trạng ngành nông nghiệp đóng góp 17% GDP, 25% xuất khẩu, 70% dân số sống ở nông thôn, 48% lao động ở nông thôn nhưng chỉ 5% đầu tư toàn xã hội cho khu vực nông nghiệp được. Nếu đối xử với nông nghiệp 1 cách đúng đắn, công bằng, khôn khéo, sự phát triển của đất nước chúng ta sẽ tốt lên rất nhiều.
Vậy, làm gì để người dân không ly nông, ly hương, theo ông?
- Hiện tượng chuyển cư dân từ nông thôn ra đô thị, từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là quy luật tất yếu trong tất cả các nền kinh tế chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp hóa. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo nên một nguy cơ lớn, đó là bản thân các thành phố quá tải. Hầu hết các thành phố tại khu vực Đông Nam Á lần lượt vượt mốc 10 triệu người khiến sự quá tải về không gian sinh tồn, nhà cửa, đường xá giao thông, việc làm, bùng nổ các vấn đề xã hội và môi trường là bài toán khó giải.
Thứ hai, khi bị rút ra khỏi nông thôn 1 cách cơ học như thế, kết cấu của nông thôn sụp đổ, già đi, chênh lệch về giới tính, giảm sút về chất lượng lao động, trí tuệ, dẫn đến tình trạng nông thôn tuy là đông người nhưng mà yếu về năng lực, không còn trở thành thị trường quan trọng của đất nước. Một đất nước khi mà còn tới 70% dân số sống ở nông thôn mà nông thôn yếu, đất nước mất đi 70% thị trường. Công nghiệp, kinh tế đô thị không thể phát triển.
Hiện nay có một số nước có cách vượt qua tình trạng tiến thoái lưỡng nan này. Đó là, tìm cách đưa cơ sở hạ tầng về nông thôn, đưa nhà máy, các trường đại học về nông thôn, ngay nông thôn phát triển lên thành các đô thị, đô thị nhỏ, đô thị lớn. Còn các thành phố lớn chỉ làm chức năng quan trọng về chính trị, ngoại giao, văn hóa… sản xuất, dịch vụ phải trải ra toàn quốc. Một đất nước trải rộng theo ven biển như Việt Nam rất lý tưởng thực hiện việc này.
Cánh đồng mùa gặt.
Thưa ông, sở dĩ vốn không về nông thôn là do DN không mặn mà, dù chúng ta cũng ban hành nhiều chính sách kéo DN về nông thôn nhưng rút cục nguồn vốn đầu tư rất ít ỏi, chỉ chiếm 1%, vì sao vậy?
- Lý do DN không đầu tư về nông thôn rất rõ, 2 nguyên nhân chính, là cơ hội đầu tư về nông thôn để thu lại lợi nhuận rất thấp. Với khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, dịch vụ như hiện nay, rõ ràng đầu tư vào nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro cao. Chúng ta hình dung DN như, chế biến, sản xuất máy móc không thể nào có tình trạng cắt điện thường xuyên như ở nông thôn Việt Nam. 1 DN mua nông sản bán vật tư không thể có tình trạng giao thông khó khăn như ở Việt Nam hiện nay. Chúng ta đầu tư rất nhiều sân bay nhưng đường sá kém, đặc biệt ở những vùng nông sản chiến lược như đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên chẳng có đường sắt. Đường cao tốc hầu như không có…những cản trở đó, DN không thể tự vượt qua được để đầu tư vào DN.
Thứ hai, đã là nông nghiệp sản xuất chăn nuôi, trồng trọt phải cần đất đai, nhưng quỹ đất hiện nay rất manh mún. Việt Nam là một trong những nước có quỹ đất sản xuất quá ít, 0,6ha/hộ chia làm nhiều mảnh. Mà các hộ lại làm ăn nhỏ lẻ, người dân mặc dù rời khỏi quê hương đi làm ăn xa nhưng không ai dám bán đất, cho thuê đất cả. Vì sao thế? Bởi vì lao động của họ là lao động không chính thức, không có hợp đồng, bảo hiểm, không có tương lai. Như vậy với họ, mảnh đất là quê hương, không còn là tư liệu sản xuất nữa mà là vật bảo hiểm. Khi đất đai đã chuyển mất chức năng quan trọng là từ tư liệu sản xuất mà thành bảo hiểm thì nó bị bỏ hoang hóa. Trong khi đó các DN, trang trại làm ăn giỏi không làm thế nào tiếp cận được. Những vấn đề này phải được giải quyết một cách căn cơ, vượt ra khỏi tầm giải quyết của ngành nông nghiệp, mang tầm vóc quốc gia.
Vậy việc sửa đổi Luật đất đai sẽ tiến hành thế nào để gỡ vướng về hạn điền, thưa ông?
- Hiện nay có nhiều ý kiến bàn luận về đất đai, mọi người bàn rất nhiều về nới rộng quy mô, hạn điền, kéo dài thời gian thuê đất. Theo tôi, vấn đề chính cần làm thế nào để rút lao động ra. Lao động ấy phải đi ra khỏi khu vực nông thôn thì phải vào thị trường lao động chính thức, chứ không vào thị trường lao động phi chính thức như hiện nay. Thị trường lao động và thị trường đất đai nó gắn với nhau, chỉ xử lý một vấn đề đất đai thì chưa đủ.
Thứ hai, trong Hiến pháp, Luật Đất đai quy định quyền sử dụng đất đai là quyền tài sản. Chúng ta phải thể hiện nó ra, giá cả phải minh bạch, thực hiện theo cung cầu chứ không phải theo quy định do nhà nước đặt ra. Thủ tục mua bán giữa hai bên mua và bán, bên cho thuê và thuê, quan hệ với nhau chứ không phải đi qua quá nhiều cấp như hiện nay. Có như vậy đất đai mới vào tay người giỏi để tập trung sản xuất.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: Nguyên Khánh
Nguồn tin: daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã