Đầu tư chăn nuôi công nghệ cao
Trên địa bàn huyện Tân Kỳ hiện có 9 trang trại chăn nuôi, trong đó có 5 trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao, đã xây dựng mối liên doanh liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận các nguồn vốn vay. Bà Trần Thị Nga, ở xóm Tân Yên, xã Tân Phú là một trong những điển hình chăn nuôi lợn siêu nạc áp dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Tân Kỳ.
Bà Nga chia sẻ: Hiện trang trại có trên 1.000 con lợn thịt, trong đó có 300 con lợn đạt trọng lượng trên 1 tạ/con, đang chờ xuất chuồng, thời điểm này giá lợn đang ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg. Chuẩn bị nuôi lứa tiếp theo, gia đình đã đặt mua 900 con lợn giống, giá mỗi con 1 triệu đồng (7 kg/con). Theo bà Nga, chăn nuôi lợn trang trại cần đầu tư chuồng trại theo hướng công nghệ cao để lợn nhanh lớn hơn, giảm nhân công và chi phí khác.
Chăn nuôi gà thả vườn ở Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng |
Nhiều gia đình tận dụng lợi thế đầu tư nuôi gà thịt theo hướng trang trại. Mô hình ứng dụng công nghệ mới trong nuôi gà của gia đình ông Phạm Công Lý, xóm Tân Đông, xã Đồng Văn được đánh giá quy mô lớn nhất huyện Tân Kỳ hiện nay. Quy mô trang trại từ 2.000 - 3.000 con/lứa, được áp dụng khoa học từ khâu chọn giống đến chăm sóc nên đàn gà của gia đình ông luôn phát triển nhanh, đồng đều.
Từ hiệu quả bước đầu của mô hình chăn nuôi gà của gia đình ông Lý mang lại, hiện nay bà con nông dân Tân Kỳ đã xây dựng được 10 trang trại, gia trại chăn nuôi gà quy mô lớn từ 1.000 - 3.000 con/lứa, tập trung ở các xã Tân Hợp, Giai Xuân, Nghĩa Phúc, Đồng Văn, Tân An.... Mỗi năm mang về nguồn thu hơn 500 triệu đồng.
Liên kết chăn nuôi tạo sản phẩm lớn
Thời kỳ cạnh tranh kinh tế thị trường cần phải có sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, giao hàng đúng lúc, giá thành cạnh tranh. Nếu tiến hành riêng lẻ từng hộ nông dân không thể làm được điều này. Do vậy, nông dân phải liên kết cùng nhau thống nhất quy trình sản xuất chung theo từng mặt hàng. Điển hình ở huyện Tân Kỳ, nhiều hộ xã viên đã mạnh dạn chăn nuôi bò sữa theo hình thức liên kết, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Hùng Sơn - Giám đốc HTX chăn nuôi bò sữa xã Nghĩa Hợp, cho rằng: Nếu không có sự liên kết giữa các hộ nuôi bò sữa với nhau thì nghề này không thể phát triển được. Nghĩa là làm thế nào để sản phẩm sữa hàng ngày phải đảm bảo chất lượng, nhiều về sản lượng nhập để đỡ chi phí vận chuyển và được phía Vinamilk chấp nhận. Trong hơn 3 năm kể từ khi HTX thành lập đến nay, sự liên kết ở đây đã thể hiện rõ nét. Đó là liên kết để hỗ trợ nguồn thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, thú y phòng bệnh, thu hoạch sữa.
Lọc sữa bò. Ảnh: Châu Lan |
Có những hộ mới đầu tư nuôi bò sữa, nhưng không có diện tích đất để trồng cỏ, thì hộ nuôi bò khác hỗ trợ bằng cách cho mượn đất trồng cỏ. Kể cả trong quá trình trồng cỏ, nếu phát hiện đám cỏ nào không xanh tốt, nhắc nhở chủ nhà phải có trách nhiệm tăng cường chăm sóc cho cỏ phát triển tốt, đảm bảo chất dinh dưỡng cho bò. Nếu không, chất lượng sữa không đảm bảo, đánh mất uy tín đối với công ty nhập sữa cho mình. Trong quá trình chăm sóc đàn bò, hộ nuôi trước có trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật nuôi cho hộ nuôi sau, kể cả thuốc thú y, phòng dịch. Mục tiêu là nâng chất lượng sản phẩm sữa, đảm bảo uy tín
Vì vậy, HTX chăn nuôi bò sữa xã Nghĩa Hợp đến nay đã có 9 hộ nuôi, với tổng số hơn 200 con bò sữa, mỗi ngày cung ứng cho Công ty sữa Vinamilk hơn 1 tấn sữa tươi đảm bảo chất lượng. Riêng hộ ông Sơn đã đầu tư gần 2 tỷ đồng cho đàn bò và cơ sở vật chất. Theo ông Sơn, để sự liên kết trong chăn nuôi bò sữa được tốt hơn, phía chính quyền xã cần vào cuộc, tạo điều kiện cho xã viên đấu thầu đất trồng cỏ, vì chăn nuôi bò sữa, nguồn thức ăn là rất quan trọng, nếu không chủ động được nguồn thức ăn thì chi phí để mua thức ăn hàng ngày rất cao.
Liên kết để chăn nuôi bò sữa, hướng đi mới của HTX Chăn nuôi bò sữa Nghĩa Hợp - Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng |
Theo ông Nguyễn Như Kỳ - Phó phòng Nông nghiệp huyện, liên kết để chăn nuôi bò sữa là đầu tư đúng hướng của bà con trong những năm qua. Sự phối hợp chặt chẽ giữa người chăn nuôi với công ty sữa trong những năm qua tạo điều kiện cho nghề nuôi bò sữa trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Hiện nay đã có trên 12 hộ đầu tư chăn nuôi bò sữa, trong đó có 2 hộ được công nhận trang trại. Mô hình liên kết này sẽ được nghiên cứu, rút kinh nghiệm để nhân rộng đối với các sản phẩm khác ở nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân.
Giải quyết tồn tại để phát triển bền vững
Có thể nói rằng, kinh tế trang trại của huyện Tân Kỳ đang phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Trong số 77 trang trại thì có 65 trang trại tổng hợp; 9 trang trại chăn nuôi; 3 trang trại nuôi trồng thủy sản. Tổng diện tích của các trang trại 1.395,64 ha; diện tích bình quân là 18,6 ha/trang trại. Điều đáng nói, số lượng gia trại của Tân Kỳ ngày càng nhiều, đến nay UBND huyện đã công nhận 471 gia trại, với tổng thu nhập của các gia trại tính đến năm 2016 đạt trên 218 tỷ đồng (bình quân mỗi gia trại thu nhập 300 triệu đồng/năm). Đó là cơ sở để huyện Tân Kỳ phát triển thêm nhiều trang trại trong những năm tới.
Mặc dù trang trại, gia trại của huyện Tân Kỳ phát triển mạnh, nhưng vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục: Đó là ô nhiễm môi trường tại các trang trại, gia trại chăn nuôi và phần lớn là trang trại tổng hợp, sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, không chuyên sâu, nên sản phẩm khó tiêu thụ, giá trị kinh tế chưa cao. Đến thời điểm này, chỉ có 2 trang trại chăn nuôi lợn được xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng hầm Bioga phủ bạt; trong số 13 trang trại, gia trại chăn nuôi bò sữa, chỉ có 1 trang trại của ông Nguyễn Thu Ngoạn (xã Nghĩa Đồng) đã được chuyển ra đồng, còn lại nuôi xen trong các khu dân cư.
Để giải quyết những tồn tại đó, đối với trang trại chăn nuôi lợn, cần có vốn để đầu tư hệ thống xử lý môi trường. Với những trang trại chăn nuôi bò sữa, các địa phương cần bổ sung quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Thời gian qua, mặc dù UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương quy hoạch đất, đưa chuồng ra đồng, theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp sạch, nhưng đến nay, do nhiều nguyên nhân còn ít địa phương thực hiện được như mong muốn.
Mục tiêu của Tân Kỳ, đến năm 2020, tỷ lệ đàn bò lai sind đạt 80% tổng đàn; tổng đàn bò sữa tăng lên 2.000 con; đàn dê tăng bình quân 18%/năm. Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, phấn đấu từ nay đến năm 2020, toàn huyện xây dựng thêm 11 trang trại chăn nuôi dê, 12 trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại; 20 trang trại chăn nuôi lợn thịt quy mô trên 500 con và 5 trang trại chăn nuôi gà.
Theo Baonghean.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;