Học tập đạo đức HCM

Một nông dân… lạ lùng

Thứ năm - 28/09/2017 04:39
Tôi khẳng định đó vẫn là một nông dân (ND) dù hiện nay ông ấy có tài sản nhiều trăm tỉ đồng. Đó là một ND thầm lặng đến lạ lùng. Ông cứ im im làm những việc liên quan đến ruộng, vườn, ao như bao ND khác, chỉ là cách làm lại... không giống ai.

Đó là lão nông Võ Quan Huy (ảnh - thường gọi là Út Huy, sinh năm 1955) ở ấp Thuận Hòa (xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, Long An). Người làm thuê trả nợ ngày xưa và là tỉ phú thầm lặng hôm nay.

“Vốn liếng” là... thất bại!

Xuất thân gia đình nhà nông, ông Út Huy cũng làm nông. Khổ nỗi xứ ông đất nhiễm phèn nên trồng gì... thua đó. Không chịu thua số phận, ông Út Huy lên Tây Ninh lập nghiệp bằng cách khẩn hoang trồng mía. Trận lụt 1978 ở Tây Ninh “nhấn chìm” cuộc làm ăn xa xứ, chàng trai Út Huy tay trắng, đành đi làm thuê. Hai năm sau, ông Út Huy qua đất Bình Dương tiếp tục trồng mía. Không có trận lụt nào nhưng thổ nhưỡng khác biệt và bản thân Út Huy chưa nắm kỹ thuật canh tác nên chỉ có 20% lượng mía trồng nảy mầm. Út Huy lại nợ!

Sáu năm trời mượn gạo để làm việc quần quật trả nợ xong ở xứ Bình Dương và mía cũng ổn định năng suất, Út Huy lại khăn gói lên Tây Ninh trồng mía và... nợ tiếp. Không có trận lụt nào nhưng lại thua vì Tây Ninh khi ấy thiếu giải pháp tưới phù hợp. Út Huy lại mang nợ thêm 3 năm nữa.

Vận đen chưa dứt, sau khi dứt nợ và có một số vốn khi cây mía ở Tây Ninh và Bình Dương ổn định rồi thì Út Huy... đại bại. Ông về Đồng Tháp Mười (Long An) trồng mía với kế hoạch lớn tới 240ha (gần gấp đôi diện tích mía ở Bình Dương, Tây Ninh). Vụ đầu tiên, mía chết sạch vì đất phèn.

Có thể nói, quyết tâm khởi nghiệp của Út Huy là vốn liếng lớn nhất bởi cứ làm là... thua. Nhưng bại mà không nản. Những kinh nghiệm “thua trận” giúp ND Út Huy vững hơn trong những lần làm ăn tiếp theo. “Vụ” mía thứ 2 của Út Huy ở Long An đại thắng trong khi xung quanh đại bại nhờ một phát kiến đặc biệt: Đắp đê bao mía rồi mới rửa phèn. Đợt nước lũ năm 2000 về đã “thúc thủ” trước bờ bao độc đáo đó.

Im im mà làm

Im im mà làm, nhưng làm cái nào ra cái đó (kể cả những cú thất bại “ra trò” như đã viết ở trên). Ông Út Huy chuyển từ cây mía sang ớt và dưa hấu, rồi lại chuyển sang cây ăn trái. Chuyển không phải vì mất mùa hay mất giá mà Út Huy nhìn xa. Ông thấy được khi mọi người cùng nhảy vào làm thì thị trường sẽ nhanh chóng có vấn đề vì tập tính ND Việt Nam (sản xuất đến khi “bể chợ” mới ngưng).

Một chi tiết không thể không nói: Tôi từng đi tham quan trại bò của ông Út Huy cách nay hai năm. Một trại bò được hoàn thiện nhanh chóng và hoành tráng tôi chưa từng thấy. Trại có khả năng nuôi nhốt 10.000 con bò; có khu xử lý phân, nhà ủ phân vi sinh chưa nơi nào có được trên đất nước Việt Nam.

Trại bò của Út Huy cực kỳ sạch sẽ. Cỏ và phụ phẩm nông nghiệp cũng là một sự liên kết độc đáo với ND trong vùng. Trại bò này đã tiêu thụ hàng ngàn hecta rơm, hàng trăm hecta cỏ của ND trong vùng. Bò được nuôi theo công nghệ không tắm, sử dụng đệm lót sinh học và vi sinh để xử lý mùi hôi. Phân bò được thu gom bằng cơ giới theo chu kỳ từ 1 - 2 tuần/lần, đưa vào khu xử lý rồi đưa qua nhà ủ vi sinh, cho ra sản phẩm cuối cùng là phân hữu cơ. Phân hữu cơ dùng để trồng cây ăn trái: Chuối - mang thương hiệu FOHLA, sản xuất theo hướng organic để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; bưởi mang thương hiệu FOHLA đang phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Ngoài số bò “khủng”, ông Út Huy còn sở hữu 100ha nuôi tôm, 200ha chuối xuất khẩu và dự kiến trồng thêm bơ, bưởi da xanh. Tính sơ, ông Út Huy sở hữu gần 1.000ha đất nông nghiệp ở nhiều tỉnh phía nam.

Cách làm ăn bài bản của ông Út Huy còn được thể hiện ở chỗ quy hoạch sản xuất, hoàn thiện hạ tầng các trang trại để có thể kiểm soát công việc trên đồng bằng những phương tiện phù hợp. Vì ông và hai con trai ông làm ruộng thực tế chứ không chỉ tay năm ngón… Nếu không được giới thiệu trước, sẽ không ai nghĩ ông Út Huy là tỉ phú. Dáng ông cao to, bè bè như gấu, bước chân đi khuỳnh khuỳnh và bộ đồ cũ mèm đặc sệt ND Nam Bộ. 

“Đặc sản”

Ở ngoài ruộng đồng, tâm trí ông Út Huy để hết vào các sản phẩm nhưng ở nhà thì có một Út Huy “khác”. Nhân viên của ông thoải mái cười đùa, thậm chí trêu “bác Út”, “ông Út” không chút ngại ngần. Ông Út Huy ăn gì, họ ăn đó. Không hề có mâm trên, mâm dưới. Ngay cả chi tiết “sợ vợ” của Út Huy họ cũng ‘không tha”. Vợ chồng ông bị trêu chỉ nhìn nhau cười hiền.

Cho đến lúc này, không thể thống kê được đã có bao nhiêu người lao động được ông Út Huy lo công ăn việc làm. Thấy “chưa đủ”, ông lo luôn chuyện mai mối cho họ nên đôi. Vẫn thấy “chưa đủ”, ông lo nốt chuyện con cái họ học gì, làm gì...

Hai con trai của ông Út Huy cũng là ND nhưng là ND... Tây học (tốt nghiệp kỹ sư nông học và quản trị). Ngoài cái gen cao to của ông Út Huy (người con cả cao gần 1,9m), họ cũng thừa hưởng luôn tính của cha: Im im mà làm!

Xứ Nam Bộ có nhiều đặc sản thì cách làm nông của gia đình Út Huy có thể coi là một “đặc sản” - tôi nghĩ vậy!


Tác giả bài viết: MAI QUỐC ẤN

Nguồn tin: laodong.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập739
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại770,001
  • Tổng lượt truy cập93,147,665
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây